Thời tiết đang diễn biến bất thường, ngoài quy luật

11/05/2012 13:48 GMT+7

(TNO) Mưa, bão, lũ, không khí lạnh, nắng nóng… ở nước ta thời gian gần đây đang diễn biến bất thường, không theo quy luật, “vượt ra” khỏi những đúc kết trong “sách giáo khoa” về khí tượng thủy văn.

(TNO) Mưa, bão, lũ, không khí lạnh, nắng nóng… ở nước ta thời gian gần đây đang diễn biến bất thường, không theo quy luật, vượt ra khỏi những đúc kết trong “sách giáo khoa” về khí tượng thủy văn.

Nắng nóng lịch sử

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, từ đầu mùa hè đến nay, tại các tỉnh miền Bắc đã xảy ra 3 đợt nắng nóng trên diện rộng. Trong đó, có 2 đợt nắng nóng gay gắt, nhiều nơi xuất hiện nền nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, trong các ngày 24 và 25.4, nắng nóng xảy ra trên diện rông và khá gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-39oC, một số nơi vùng núi phía tây Bắc bộ và vùng núi phía tây thuộc Bắc Trung bộ có nhiệt độ rất cao và vượt giá trị lịch sử trong cùng thời kỳ quan trắc được.


Người dân nhiều nơi vừa phải trải qua 2 đợt nắng nóng lịch sử - Ảnh: Ngọc Thắng

Tại Lào Cai, nhiệt độ cao nhất đo được lên tới 39,5oC; vượt mức lịch sử 1,4oC (lịch sử là 38,1oC, vào tháng 4.1931). Tại Kim Bôi (Hòa Bình) nhiệt độ cao nhất cũng ở mức 39,5oC, cao hơn mức lịch sử 1,4oC (38,1oC  vào tháng 4.1983). Tại Đô Lương (Nghệ An), nhiệt độ cao nhất là 40oC, cao hơn mức lịch sử 1,1oC (38,9oC vào tháng 4.1975)…

Đợt nắng nóng gay gắt tiếp theo diễn ra tại Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên từ 28.4 đến 4.5, nhiệt độ cao nhất ghi nhận ở một số nơi cũng vượt mức lịch sử trong cùng thời kỳ quan trắc được. Tại Bảo Lạc (Cao Bằng) cao hơn mức lịch sử 0,9oC; con số tương tự tại Bắc Kạn là 0,2oC; Quỳ Hợp là 1,7oC...

Mưa đá dị thường

Ngày 20.4, một bộ phận không khí lạnh tràn xuống các tỉnh miền Bắc, mưa giông kèm mưa đá đã xuất hiện trên địa bàn các xã Long Phúc, Cam Cọn, Minh Tân, Kim Sơn, Điện Quan (H.Bảo Yên) và thị trấn Phố Lu, các xã Xuân Quang, Trì Quang (H.Bảo Thắng) đều thuộc tỉnh Lào Cai.

“Mưa đá dữ dội xuất hiện tại xã Quân Quang và Trì Quang được xác nhận là trận mưa đá lịch sử, có những hạt mưa đá to như quả trứng vịt rơi xuống làm thủng cả mái ngói nhà dân”, ông Lưu Minh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, nói.

Trước đó, chiều 18.4, trên địa bàn các xã Điền Lư, Điền Trung, Điền Quang, Điền Thượng, Điền Hạ, Lương Ngoại, Lương Trung, Lương Nội và Lũng Cao (H.Bá Thước, Thanh Hóa) cũng đã xuất hiện một cơn mưa đá với thời gian kéo dài trên 15 phút.

Theo quan sát của người dân thì những hạt mưa đá to bằng ngón tay, ngón chân, thi thoảng có những viên to như chiếc chén uống nước. Những người dân sinh sống ở hai huyện vùng cao Bá Thước và Quan Hóa nói rằng, đây là lần thứ 2 xảy ra mưa đá trên địa bàn trong 10 năm qua, nhưng là cơn mưa đá có diện rộng nhất từ trước đến nay.

“Bão lạ”

Cơn bão số 1 đổ bộ vào địa phận Bình Thuận - Bà Rịa-Vũng Tàu, ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn, bao gồm cả TP.HCM và các tỉnh Nam bộ vào đầu tháng 4 vừa qua được cho là một “cơn bão lạ".


Cây cổ thụ gần 100 năm tuổi ngã đè lên 7 ngôi nhà liền kề trên đường Nguyễn Trãi (P.2, Q.5, TP.HCM) tối 1.4 do bão số 1 - Ảnh: Giang Phương

Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đây là cơn bão đến sớm, nếu không muốn nói là quá sớm, vì bình thường, từ giữa tháng 5 mới vào mùa mưa bão.

“Theo chuỗi số liệu thống kê chúng tôi có được, trong 41 năm qua chỉ có 11 cơn bão hoạt động trên biển Đông trong khoảng thời gian từ tháng 4 đổ về trước. Tuy nhiên, chỉ có 7 cơn ảnh hưởng đến nước ta, trong đó duy nhất một cơn đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ vào năm 1982”, ông Tăng nói.

Trước đó, ngay trong tháng 2, trên biển Đông đã xuất hiện áp thấp nhiệt đới. “Vài chục năm nay, chúng tôi mới ghi nhận một áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông trong tháng 2”, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư nói.

Điều đáng lưu ý, theo ông Hải, mùa bão năm 2011 kết thúc muộn hơn so với bình thường, trong tháng 11 và tháng 12.2011 vẫn còn có 1 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên vùng biển phía nam biển Đông.

Mưa, giá rét nhiều bất thường

Trong mùa đông-xuân năm 2011-2012, không khí lạnh xảy ra sớm và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, tập trung nhiều vào các tháng chính đông. Tính đến hết tháng 3.2012 đã xảy ra 11 đợt gió mùa đông bắc và 16 đợt không khí lạnh tăng cường, gây ra 8 đợt rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền Bắc.

Các đợt rét đậm, rét hại phổ biến kéo dài khoảng từ 3-5 ngày, đáng chú ý là đợt rét đậm rét hại kéo dài 14 ngày từ ngày 22.1 - 4.2.2012, trong đó đỉnh Mẫu Sơn hai lần chìm trong băng tuyết với nhiệt độ thấp nhất có thời điểm xuống chỉ còn -0,5oC.

Đáng chú ý, theo ông Lê Thanh Hải, tại các tỉnh phía đông Bắc bộ và bắc Trung bộ, số ngày mưa nhỏ, mưa phùn xảy ra nhiều, một số nơi trong tháng 1 và 2.2012 trời âm u, hầu như không quan trắc được số giờ nắng.

Những tháng qua, mực nước trên toàn hệ thống sông ở Bắc bộ ở mức thấp. Tại một số vị trí đã xuất hiện trị số mực nước thấp nhất trong lịch sử chuỗi quan trắc cùng kỳ.

Theo ông Lưu Minh Hải, mùa đông 2011-2012, miền Bắc xuất hiện ba đợt mưa lớn như trong mùa mưa, lượng mưa quan trắc được đã đi vào lịch sử. Trong đó, ngày 15.1.2012, ngay giữa mùa đông, tại Lào Cai đã có mưa diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 15-25mm, một số nơi trên 30mm, thậm chí huyện Sa Pa có mưa tới 82,9mm.

Riêng trên sông Hồng, do có mưa diện rộng phía thượng nguồn, nước liên tục dồn về gây lũ bất thường đoạn sông chảy qua TP.Lào Cai. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận được trận lũ dị thường trong mùa đông, vì thường thì khoảng thời gian này mực nước trên các sông ngòi Lào Cai xuống thấp.

Một điểm bất bình thường nữa, theo ông Lê Thanh Hải, mưa trái mùa đã xuất hiện nhiều hơn tại miền Nam khiến cho người dân ở đây có cảm giác mùa khô không rõ ràng lắm.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Theo ông Lê Thanh Hải, những hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan nêu trên, nhiều khả năng là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra.

“Bão lũ, nóng, lạnh dị thường đã vượt ra khỏi những điều ghi chép trong sách vở”, ông Hải lý giải.

Trong bối cảnh thời tiết diễn biến dị thường, ông Hải cho rằng, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến của thời tiết, phản ứng nhanh để hạn chế thiệt hại và tổ chức phục hồi nhanh chóng ngay sau khi thiên tai đi qua.

Quang Duẩn

>> Nắng nóng kỷ lục
>> Nắng nóng, khô hạn, bão lũ ngày càng dị thường
>> Mưa đá bất thường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.