Nông dân kiện nhà văn

11/05/2012 03:20 GMT+7

Cho rằng truyện ngắn của nhà văn có nội dung bôi nhọ dòng họ, thân nhân mình, một nông dân đã đâm đơn ra tòa kiện cơ quan xuất bản truyện ngắn trên, đòi tác giả phải xin lỗi, bồi thường.

Nông dân kiện nhà văn
Ông Lê Đấu (trái) và nhà văn Xuân Mai thể hiện thái độ hòa giải trước tòa - Ảnh: T.S 

Vụ án “Một đám cưới”

Vụ việc hy hữu được TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét xử vào hôm qua (10.5). Nguyên đơn vụ kiện này là ông Lê Đấu, nông dân ngụ tại khu 2, xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo nội dung khởi kiện của ông Đấu thì Báo Vĩnh Phúc cuối tuần số ra ngày 5.3.2011 có đăng truyện ngắn Một đám cưới của nhà văn Xuân Mai với nhiều nội dung mang tính bịa đặt, xúc phạm gia đình ông.

Cụ thể, truyện ngắn kể về một gia đình nông thôn tổ chức đám cưới để “kinh doanh phong bì”. Tuy nhiên, 11 nhân vật trong truyện thì có tới 9 người trùng tên với họ hàng ruột thịt của ông Đấu. Trong đó, nhân vật Thi trùng tên với bố ông Đấu được thể hiện: “đi khiếu kiện đến mức bị khai trừ ra khỏi Đảng, phát điên phát rồ mấy năm, say rượu ngã xuống “ao cá Bác Hồ” rồi hai ngày sau xác mới nồi phềnh lên”.

Bên cạnh đó, bối cảnh truyện ngắn cũng có nhiều điểm trùng hợp về địa danh như: xóm Cây Gạo, miếu thờ thần núi Sáng, sông Lô... ở làng ông Đấu. Theo ông Đấu, nhà của nhà văn Xuân Mai và ông ở gần nhau nên khi truyện ngắn đăng trên báo đã gây ra rất nhiều điều tiếng thị phi tổn hại đến danh dự gia đình. Do đó, ông Đấu nộp đơn đến tòa khởi kiện vụ án dân sự đòi bồi thường thiệt hại về tinh thần. Trong đơn, ông Đấu yêu cầu: Báo Vĩnh Phúc, tổng biên tập phải xin lỗi và cải chính trên báo; tác giả Xuân Mai phải đến nhà xin lỗi mẹ ông và gia đình, đồng thời bồi thường danh dự cho ông 8,3 triệu đồng.

Tại phiên xét xử sơ thẩm vào ngày 11.1.2012, TAND thị xã Vĩnh Yên tuyên án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Đấu với lý do, truyện ngắn Một đám cưới là tác phẩm văn học sử dụng nghệ thuật hư cấu, không phải là tác phẩm báo chí. Không đồng tình phán quyết này, ông Lê Đấu làm đơn kháng án lên cấp phúc thẩm.

Nhà văn: “Tôi sai, tôi chấp nhận xin lỗi”

Trả lời trước tòa, nhà văn Xuân Mai cho rằng, ông viết truyện ngắn không nhằm ám chỉ đến gia đình cụ thể. Hơn nữa, tác phẩm của ông không hề có một chữ nào thể hiện đám cưới trong tác phẩm là đám cưới của nhà ông Đấu. “Theo quan điểm của tôi thì nguyên đơn đã nhầm lẫn một truyện ngắn và một bài báo. Chúng tôi là nhà văn thì được quyền hư cấu”, nhà văn Xuân Mai nói.

Không đồng tình với nhà văn Xuân Mai, ông Đấu và luật sư bào chữa Hà Tuấn Ngọc (Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ) cho rằng nhà văn đã đưa vào truyện ngắn 4 tên nhân vật rất “đặc biệt” trùng với tên thân nhân nhà ông Đấu (Thi - Đua - Tranh - Đấu) với những lời miêu tả miệt thị là không chấp nhận được.

Giãi bày với bị đơn, nhà văn Xuân Mai cho rằng đây là một sơ suất và trong các lần hòa giải trước đây, ông đã nhận sai, ngỏ lời xin lỗi với gia đình ông Đấu, đồng thời sẵn sàng biếu gia đình ông ít tiền đi lại nhưng không được chấp nhận.

Trước thái độ cầu thị của bị đơn, ông Lê Đấu tuyên bố không đòi bồi thường nhà văn Xuân Mai mà chỉ yêu cầu nhà văn đến nhà xin lỗi mẹ ông nay đã 90 tuổi. Đồng thời Báo Vĩnh Phúc phải có đính chính công khai trên báo. Điều này ngay lập tức được đại diện Báo Vĩnh Phúc và nhà văn Xuân Mai chấp nhận. Thẩm phán Phạm Thị Thúy Mai, chủ tọa phiên tòa tuyên bố hủy án sơ thẩm, chấp nhận nội dung thỏa thuận của hai bên.

Thái Sơn

>> Những lời yêu thương ngọt ngào và bất hủ
>> Thêm một ca khúc hay phổ từ bài thơ "Quê hương
>> Ba Lan tặng huân chương cho nhà văn Lê Bá Thự
>> Xuất bản tác phẩm cuối đời của cố nhà văn Trần Hoài Dương
>> Xu thế nhà văn nhí tự xuất bản
>> Phải có biện pháp hạn chế thu phí của dân
>> Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đoạt giải thưởng lớn
>> Liên hoan Giai điệu Lạc Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.