Làm phim nông thôn vì “dốt” đề tài thành thị

11/05/2012 10:00 GMT+7

Đó là lời tự trào của Lê Phương Nam - một đạo diễn “mặn mà” với đề tài nông thôn, nhân dịp bộ phim “Đồng quê” của ông (Hãng phim Truyền hình TPHCM-TFS sản xuất) - một trong ba bộ phim hiếm hoi về đề tài nông thôn Nam Bộ của TFS - công chiếu trên HTV9 từ 11.5, trong khung giờ 17h30 hằng ngày. Đây là một bộ phim được công chúng trông đợi.

Phim dài 22 tập. Dù mới chỉ được xem trước 3 tập, nhưng chúng tôi cũng đã phần nào cảm nhận được mùi vị của văn hóa sông nước Nam Bộ từ chuyện phim. Vì sao ông làm phim dựa theo tác phẩm “Đồng quê”?

 Làm phim nông thôn vì “dốt” đề tài thành thị
Đạo diễn Lê Phương Nam (giữa) đang chỉ đạo một cảnh quay phim “Đồng quê” - Ảnh: Thanh Ngân

- “Đồng quê” - tập phóng sự tiểu thuyết (thể dạng rất gần với truyện ngắn) của Phi Vân (1917-1977) quả là còn ít được biết tới. Phi Vân là nhà báo, phần lớn các phóng sự của ông miêu tả đời sống người dân Nam Bộ nói chung và người Cà Mau nói riêng rất chân thật. “Đồng quê” từng giành giải nhất cuộc thi văn chương Hội Khuyến học Cần Thơ năm 1943, đã được một tác giả Trung Quốc dịch ra vào năm 1950 gọi là “Nguyên dã”. Ngôn ngữ trong các tác phẩm của Phi Vân bình dân, phong cách viết của ông đã được định danh là “rặt ròng Nam Bộ”. Tuy nhiên, do là nhà báo nên trong “Đồng quê”, ông ít khai thác tính cách nhân vật, tính chuyện cũng ít.

 
Đạo diễn Lê Phương Nam (SN 1962 tại Hà Nội, quê gốc Cà Mau, tốt nghiệp khoa Đạo diễn Trường ĐH Điện ảnh TPHCM năm 1992, từ 1998 đến nay làm ở TFS) đã làm nhiều phim tài liệu và phim truyền hình, trong đó, nổi bật các phim truyền hình được giải như: “Dưới cờ đại nghĩa” (cùng đạo diễn Nguyễn Tường Phương) - Giải Cánh diều vàng 2005, “Vịt kêu đồng” - Giải Cánh diều vàng 2009.

Kịch bản phim do nhà văn Nguyễn Trọng Nghĩa phóng tác từ tập phóng sự này. Anh Nghĩa đã tăng tính chuyện trong kịch bản, ra phim trường, tôi một lần nữa, đẩy tính cách nhân vật, tính chuyện lên mạnh hơn. Một điều khó với chúng tôi là trong truyện, Phi Vân đưa khá đậm việc chữa bệnh bằng bùa chú. Chúng tôi đã ý thức sử dụng, thể hiện các chi tiết này theo lối vui vẻ sao cho phim hấp dẫn, nhưng không sa vào mê tín dị đoan...

Tôi quyết định làm phim vì mê phương ngữ Nam Bộ của tác phẩm, lời nói gọn mà bộc lộ ý tứ sâu. Tôi cũng mê tính cách bộc trực, khí khái, trọng nghĩa kinh tài, lối ứng xử đầy tình làng nghĩa xóm của người Nam Bộ - những “đặc sản” không phải ở đâu cũng có. Tôi cũng mê những câu hò được cất lên ngay tại vùng đất đó...

Làm phim đề tài nông thôn, có đúng là, như ông tự trào “bởi vì tôi dốt làm đề tài thành thị”? Thực sự ông có thấy “sốt ruột” khi phim nào ông làm cũng được giải cao của Hội Điện ảnh, nhưng làm lâu, khá tốn thời gian, cá nhân ông lại “không mọc mũi sủi tăm” bằng nhiều đồng nghiệp khác làm nhiều phim đề tài đương đại, cuộc sống thị dân…?

- Quả thật, tôi rất thích làm phim đề tài nông thôn. Tôi cũng muốn làm phim đề tài hiện đại, thành thị ví như về những người trẻ bỏ làng lên thành phố làm công nhân, nhưng chưa chọn được kịch bản ưng ý. Tôi làm phim chậm và cố gắng kỹ tới mức có thể, bởi tôi muốn còn giữ cho mình niềm tin với nghề.

Chúng tôi rất hiểu và chia sẻ, hiện, có vô vàn điều khó cho những người làm phim lao vào đề tài nông thôn. Tất nhiên, giữa hai phim “Vịt kêu đồng” (về đời sống nông dân Nam Bộ thời nay) và “Đồng quê” - bối cảnh cách nhau xa, nhưng lạ lùng là chúng tôi cảm thấy nhiều điểm về cơ bản - đời sống của người nông dân nghèo tuy có nhiều điểm khá hơn, nhưng từ “Đồng quê” cho tới “Vịt kêu đồng” - đã mấy chục năm qua, cũng vẫn còn nhiều điểm giống nhau, đó là còn rất cơ cực, vẫn còn bị ức hiếp...

Làm phim, ông không vướng vào suy nghĩ “kể chuyện xưa - nói chuyện nay”?

- Để trả lời câu hỏi này, tôi dẫn ra câu thoại của nhân vật Năm Na trong “Vịt kêu đồng”: “Nông dân mình như một đứa trẻ không cha, không mẹ, không có bầu vú nuôi, không được bảo ban. Như con cá, con tôm muốn thoát khỏi tấm lưới đói nghèo mà sao thoát hoài không được...”. Dù vậy, phim “Vịt kêu đồng” kết thúc cũng ở “nốt” tươi sáng.

Khi làm “Đồng quê”, tôi không cố ý áp đặt điều gì. Do “Đồng quê” là phim phóng tác theo tiểu thuyết nên cuối phim, chúng tôi có thêm một vài chi tiết để khẳng định một điều: Lối thoát cho những người nông dân bị ức hiếp dưới thời thực dân phong kiến chỉ có thể được mở ra khi nước nhà hoàn toàn độc lập (vào năm 1945).

- Xin cảm ơn ông.

Theo Lao Động

>> Vịt kêu đồng
>> “Đừng đốt” bay cùng Cánh diều vàng 2009
>> Người mẫu Thúy Diễm làm chủ tịch xã!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.