Khủng long “xì hơi” làm trái đất nóng lên

12/05/2012 03:32 GMT+7

Các nhà khoa học tin rằng, những con khủng long khổng lồ ăn cây cỏ đã có ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu bằng việc phát khí thải qua "cổng sau".

Các nhà khoa học tin rằng, những con khủng long khổng lồ ăn cây cỏ đã có ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu bằng việc phát khí thải qua "cổng sau".

Khí hậu trong thời kỳ Đại trung sinh, còn được gọi là Kỷ nguyên Khủng long, được cho là nóng hơn so với hiện tại. Các nghiên cứu ước tính trái đất thời đó có thể nóng hơn 10oC so với ngày nay.

Chuyên gia David Wilkinson (Đại học Liverpool John Moores - Anh) và đồng tác giả Graeme Ruxton (Đại học St Andrews) khi đang nghiên cứu về hệ sinh thái của loài khủng long sauropod, đã nảy ra câu hỏi: Nếu các con bò hiện đại sản sinh một khối lượng khí methane đủ lớn để thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học về khí hậu, thì loài sauropod sẽ như thế nào? Họ đã hợp tác với chuyên gia về khí thải Euan Nisbet thuộc Đại học London để tìm ra những con số liên quan.

Khủng long sauropod - Ảnh: ABC
Khủng long sauropod - Ảnh: ABC 

Với hình dạng hầm hố và chiếc cổ dài, khủng long sauropod nằm trong nhóm đông đúc nhất với mật độ từ vài con đến vài chục con trên mỗi cây số vuông cách đây khoảng 150 triệu năm. Như những loài động vật ăn cỏ khác, sauropod có những vi khuẩn giúp chúng tiêu hóa thức ăn. “Chúng là những container chứa vi khuẩn”, Wilkinson nhận xét. Những vi khuẩn trong ruột trước của những loài động vật ăn cỏ (như bò) sản sinh methane thông qua việc ợ hơi, còn sauropod có thể đã giữ vi khuẩn ở ruột sau và phóng thích methane bằng cách đánh rắm.

Trên cơ sở dữ liệu thu được từ các loại động vật ăn cỏ hiện đại, Wilkinson và các cộng sự ước tính các con khủng long sauropod đã thải ra 520 triệu tấn khí methane mỗi năm, tương đương tổng khối lượng khí thải từ động vật và các hoạt động công nghiệp hiện tại. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, hiện khoảng 80 triệu tấn khí methane được tạo ra mỗi năm bởi gia súc trên toàn cầu, chiếm khoảng 28% tổng lượng khí thải phát sinh từ các hoạt động liên quan đến con người.

Như giới khoa học đã khẳng định, methane là một loại khí thải nhà kính hấp thụ bức xạ hồng ngoại từ mặt trời, giữ nó trong khí quyển của trái đất và khiến nhiệt độ tăng lên. Bằng tính toán của mình, Wilkinson và các cộng sự kết luận khủng long sauropod thực sự “có một tác động quan trọng đối với khí hậu Đại trung sinh”. Cách đây khoảng 150 năm, trước khi công nghiệp hiện đại hình thành trên trái đất, lượng khí thải methane chỉ khoảng 200 triệu tấn, chưa bằng phân nửa so với khối lượng methane mà loài khủng long sauropod đã "xì hơi". Hiện lượng methane thải ra vào khoảng 500 triệu tấn mỗi năm từ các nguồn tự nhiên như động vật hoang dã, các hoạt động của con người như việc nuôi lấy sữa, thịt...

Wikinson tin rằng những con khủng long sauropod không phải là loài vật duy nhất tạo ra khí methane vào thời điểm đó mà còn từ các nguồn khác, và rằng mức độ khí methane khi ấy có thể cao hơn nhiều so với bây giờ.

Khang Huy

>> Bọ chét khủng long
>> Phát hiện loài sóc răng nanh cổ xưa
>> Sự sống di cư từ trái đất
>> Kiệt tác của gió

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.