Quy hoạch một đằng, đào tạo một nẻo - Kỳ 2: Nơi thừa, chỗ thiếu

10/05/2012 04:44 GMT+7

Hậu quả của đào tạo lệch với quy hoạch và dự báo nhân lực là ngày càng nhiều sinh viên (SV) ra trường không có việc làm, trong khi đó nhiều ngành nghề khác lại thiếu nhân lực. >> Quy hoạch một đằng, đào tạo một nẻo

Hậu quả của đào tạo lệch với quy hoạch và dự báo nhân lực là ngày càng nhiều sinh viên (SV) ra trường không có việc làm, trong khi đó nhiều ngành nghề khác lại thiếu nhân lực.

>> Quy hoạch một đằng, đào tạo một nẻo

Người tìm không ra việc

Tình trạng SV ra trường chấp nhận làm những công việc lao động phổ thông để cầm cự qua ngày không còn là chuyện hiếm.

Giữa tháng 4, chúng tôi gặp Trần Nguyễn Xuân Hồng đang loay hoay tìm việc tại Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM, Hồng cho biết: “Mình tốt nghiệp Trường CĐ Kinh tế TP.HCM gần nửa năm nhưng tìm hoài mà chưa có việc làm. Giờ mình chỉ mong tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành, mức lương 3,5 triệu đồng/tháng nhưng sao thấy khó quá”. Còn Lê Thị Thúy, tốt nghiệp chuyên ngành thương mại - quốc tế của Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM, nhưng hơn 2 tháng nay, ngày nào Thúy cũng bỏ công đi tìm việc, hết đến trung tâm giới thiệu việc làm, tìm trên mạng rồi trên các tờ báo có đăng tuyển dụng nhân sự nhưng vẫn chưa tìm được việc. Là bạn ở chung phòng trọ và cùng đi tìm việc với Thúy, Thu Hằng - tốt nghiệp trung cấp kế toán - cũng mấy tháng nay vẫn chưa tìm được việc làm. Hằng cho biết: “Mình đang chuyển hướng tìm những công việc bán thời gian làm đỡ để kiếm tiền trang trải cho những chi phí trước mắt, chứ cứ chờ đợi tìm được công việc phù hợp thì không biết khi nào mới có”.

Không riêng gì những SV mới ra trường, nhiều người tốt nghiệp đã lâu nhưng cũng rơi vào tình cảnh này. Mặc dù đã tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM từ năm 2008, nhưng từ đó đến nay, anh Nguyễn Văn Đạt vẫn chưa tìm được công việc ổn định. Anh Đạt cho biết: “Sau khi ra trường, mình cũng cố gắng bỏ thời gian đi tìm một công việc phù hợp với ngành đã học nhưng tìm mãi không có nên chán nản, đành chấp nhận đi làm những công việc không đâu ra đâu. Thậm chí có lúc còn làm những công việc lao động phổ thông để kiếm sống”. Chị Trần Thị Ngọc Thúy (ngụ tại Q.7, TP.HCM) tâm sự: “Mình có bằng CĐ kế toán, có kinh nghiệm 2 năm, biết làm báo cáo thuế, sổ sách, chứng từ, công nợ, báo cáo tài chính… nhưng tìm mãi mà mấy tháng nay vẫn chưa có công việc nào phù hợp. Nộp không biết bao nhiêu hồ sơ mà chẳng thấy công ty nào gọi phỏng vấn cả”.

Người lao động tìm việc tại Trung tâm hướng nghiệp
Người lao động tìm việc tại Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM - Ảnh: Lê Thanh

Ngành nghề nguy cơ thiếu nhân lực

Trong một nghiên cứu về xu hướng chọn ngành thi ĐH của thí sinh tại TP.HCM giai đoạn 2006 - 2010, tiến sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh Loan - Phó trưởng khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cùng cộng sự chỉ rõ: “Chỉ tiêu theo quy hoạch của nhóm ngành kỹ thuật công nghệ lên tới 35% trong tổng chỉ tiêu nhưng lượng thí sinh đăng ký dự thi tăng giảm không đều hằng năm; trong khi nhóm ngành kinh tế, quản lý, tài chính luôn có lượng thí sinh đăng ký rất cao mặc dù chỉ tiêu nhóm này trong quy hoạch chỉ 20%. Đặc biệt, chỉ tiêu cho nhóm ngành xã hội nhân văn mỗi năm chỉ tăng trung bình 1% và lượng thí sinh đăng ký dự thi có xu hướng giảm dần”.

Riêng với ngành nông - lâm - ngư nghiệp, nhóm nghiên cứu cho biết đây là một lĩnh vực đang chiếm một lực lượng lao động lớn nhất (xấp xỉ 50%) nhưng thiếu lao động có trình độ. Trong giai đoạn 2006 - 2010, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào nhóm ngành này giảm dần. Qua phân tích nhu cầu lao động đến năm 2020, nguồn nhân lực trong nhóm ngành này thiếu rất nhiều (khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo). Từ đó, tiến sĩ Loan cho rằng: “Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra trong những năm tiếp theo thì sẽ thiếu lực lượng lao động có trình độ trong lĩnh vực này”. Cũng theo tiến sĩ Loan: “Việc nâng chỉ tiêu nhóm ngành sư phạm, giáo dục luôn được đặt ra nhưng số lượng thí sinh đăng ký dự thi giảm nên khó đạt được mục tiêu, nhất là các ngành tiếng Pháp, Nga, năng khiếu, âm nhạc…”.

Nên lựa chọn ngành có tiềm năng

Tiến sĩ Phan Ngọc Minh - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Xu hướng chọn nghề hiện nay của giới trẻ và ngay cả các bậc phụ huynh đều hướng về các ngành dịch vụ nhiều hơn khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu xét về thực tế sự phát triển kinh tế xã hội ở một nước chủ yếu kinh tế nông nghiệp như Việt Nam thì những ngành thực sự có tiềm năng và có hướng phát triển bền vững chính là các ngành về nông, lâm, ngư nghiệp, công nghệ sinh học, điện tử, chế tạo…”.

Lê Thanh - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.