Chính sách vì... ngân hàng

08/05/2012 03:50 GMT+7

Đó là nhận xét của rất nhiều người về chính sách tiền tệ trong suốt thời gian qua. Minh chứng rõ ràng nhất là lợi nhuận của ngành ngân hàng trở nên "bất khả chiến bại", bất chấp những giông bão của nền kinh tế.

Đó là nhận xét của rất nhiều người về chính sách tiền tệ trong suốt thời gian qua. Minh chứng rõ ràng nhất là lợi nhuận của ngành ngân hàng trở nên "bất khả chiến bại", bất chấp những giông bão của nền kinh tế.

Ngay cả lúc này, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức áp dụng trần lãi suất (LS) cho vay 15% như đề xuất của nhiều người trước đó, vẫn không khó để nhận thấy, các NH chẳng "thiệt thòi" gì hơn so với hiện tại. Bởi khi hạ LS huy động xuống mức 12% cách đây 1 tháng, rất nhiều NH đã quảng cáo về các gói lãi suất ưu đãi từ 14 - 15% cho các lĩnh vực ưu tiên. Nếu họ thực hiện đúng như vậy, việc áp trần cho vay 15% của NHNN nói trên là không cần thiết. Nên chỉ có thể lý giải rằng, sở dĩ NHNN phải đưa thêm giải pháp này là vì LS cho vay đã không hạ như công bố. Cũng có nghĩa là các NH đã "ăn dầy" từ việc huy động vốn của người dân với giá rẻ hơn nhưng vẫn cho DN vay với LS cao. Tạo cơ hội cho các NH "luộc" DN, nhất là khi họ đã kiệt quệ, lỗi này thuộc về NHNN. Với vai trò là đơn vị làm chính sách, hiểu rất rõ điều này nhưng bất chấp những ý kiến phản đối việc thả nổi đầu ra lúc đó, NHNN vẫn kiên quyết áp dụng. Kết quả như chúng ta thấy, vốn rẻ hơn không "chảy" được vào sản xuất, kinh doanh dẫn đến đình đốn sản xuất, thất nghiệp lan rộng, buộc NHNN phải đưa trần lãi vay để "chữa cháy".

Câu hỏi lớn nhất hiện nay là, liệu DN có thực sự tiếp cận được mức LS nói trên hay không? Chắc chắn là không đơn giản. Giữa một bên cho vay lãi suất cao (các đối tượng nằm ngoài lĩnh vực ưu tiên) kiếm lợi lớn và một bên cho vay với trần LS 15%, tất nhiên chẳng NH nào nhiệt tình với 4 nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định. Họ sẽ làm mọi cách để "lái" dòng vốn đến những lĩnh vực có mức sinh lời cao hơn. Cũng không thể trách họ, tối đa hóa lợi nhuận là điều tất yếu đối với tất cả các đơn vị kinh doanh. Câu chuyện lãi suất lại trở lại cái vòng luẩn quẩn, vốn rẻ trên giấy, lách trần, doanh nghiệp hoặc không tiếp cận được vốn, hoặc vẫn phải chấp nhận LS cao, NH vẫn đạt lợi nhuận lớn...

Chuyện chính sách tiền tệ luôn "vị" NH, luôn tạo lợi thế cho các NH không phải là chuyện mới. Còn nhớ khi tăng trưởng dư nợ của các ngân hàng quý 1 vừa rồi âm, tín dụng cho bất động sản lập tức được nới ra. Mới nghe thì tưởng "cứu" bất động sản nhưng thực chất, cũng để tạo đất cho ngân hàng "dụng võ". Mục đích giảm lãi vay nhưng chỉ áp trần huy động. Đến lúc này, áp trần lãi vay 15% nhưng chế tài thế nào, giám sát ra sao... để vốn chảy vào đúng nơi, đúng chỗ, đúng giá không thấy nhắc đến. Chúng ta hoàn toàn có thể đặt vấn đề, với chênh lệch 3% giữa trần huy động và cho vay, NH đã có lãi, tại sao không áp dụng rộng rãi lãi vay 15% cho tất cả các DN đủ điều kiện thay vì khu biệt vào 4 đối tượng ưu tiên nói trên để lại dẫn tới hàng loạt các hệ lụy nói trên?

Chính phủ đang tìm đủ các biện pháp để cứu doanh nghiệp, cứu nền kinh tế thoát khỏi tình trạng đình đốn, nếu chính sách tiền tệ vẫn thiếu quyết liệt, vẫn nửa vời, vẫn tạo cơ hội cho các ngân hàng... dư luận có quyền đặt câu hỏi về động cơ của cơ quan quản lý đằng sau những việc này. 

Nguyên Hằng

>> Đề án tái cấu trúc kinh tế: Không có đột phá
>> Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn
>> Độc quyền
>> Lãi suất Việt Nam “khủng” nhất thế giới
>> Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất
>> Sẽ có làn sóng mua bán, sáp nhập ngân hàng
>> Ngân hàng chờ "trát" hạn mức tín dụng

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.