“Hiệp sĩ giao thông” 70 tuổi

05/05/2012 11:01 GMT+7

(TNO) Gần 40 năm đi ghe trên sông Hậu, cứu sống không biết bao nhiêu người, ông được mọi người yêu mến gọi là “hiệp sĩ đường sông”. Ngày 4.5 ông lại vinh dự nhận danh hiệu “hiệp sĩ giao thông” ở tuổi 70.

Cứu hàng trăm người trên sông

Từ sau khi đất nước thống nhất, ông Dương Công To (quê huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) sống bằng nghề đánh cá. Mỗi lần thấy ghe tàu chìm, ông lại lao đến cứu. Nhiều khi cứu xong ghe người, quay lại ghe mình thì bị mất ghe.

Với tính cách hồn hậu và giọng cười sảng khoái, ông được mọi người biết đến ông với cái tên Tư Hài.

Ông Tư Hài có dáng người dong dỏng, mái tóc bạc phơ, nhưng nói đến số ghe và số người được ông cứu cũng lên đến con số 500. Sau này, khi cùng một số anh em sống gần sông Hậu cùng cứu người, cùng bắt trộm, ông được gọi với cái tên “hiệp sĩ đường sông”.

Đến năm 2003, ông được UBND xã Mỹ Hòa cho phép thành lập đội Dân phòng đường thủy gồm 17 thuyền viên để vừa cứu người, vừa bao bọc lẫn nhau chống trộm.

Mới đây, ông lại cứu thêm được một phụ nữ nhảy cầu Cần Thơ tự tử.

Cuối tháng 4.2012, chừng 1-2 giờ sáng, lúc đang ngủ thì nghe điện báo có người nhảy cầu, ông lại tất tả mang ghe đi giữa đêm.

Giữa làn nước đêm, ông cùng cả đội lao xuống nước, cuối cùng cũng mang được người phụ nữ lên bờ và sơ cứu. Đến sáng khi người phụ nữ đã yên ổn tại bệnh viện, ông mới trở về nhà.

Từ khi cầu Cần Thơ khánh thành đến nay, hễ có người nhảy cầu, người ta lại nhìn thấy hình ảnh ông. Trong cuốn sổ nhỏ của ông còn ghi lại con số những người nhảy cầu tự tử ở đây. Đến nay, có 15 vụ được ông ghi lại với 5 lần kịp cứu sống. 

Nguy hiểm cũng cố cứu

Kể về những câu chuyện trong gần 40 năm cứu người và vớt xác, ông Tư tâm sự: “Vớt xác người chỉ sợ bị bệnh nếu xác thối rữa nhưng không nguy hiểm. Chứ cứu người sống, có khi nguy hiểm đến cả tính mạng bản thân”.

Có lần, trong khi đang cứu ghe khỏi bị chìm bằng cách bỏ hết đồ đạc ra ngoài, ghe đột ngột chìm một đầu, bao nhiêu đồ đạc lao đến nhấn chìm ông với ghe. Đúng lúc đó, ông sắp bơi lên trên thì phát hiện có người phía dưới chân mình. Sợ người kia sẽ không thể bơi lên, chưa kể nếu ông bơi lên sẽ phải đạp vào đầu người đó, thoáng nghĩ đến đó, ông bèn bơi ngược xuống, túm được tóc người này rồi cố sức bơi lên.

Cũng may lần đó ông vừa cứu được người, vừa không nguy hiểm đến tính mạng mình.

Lần khác, có chiếc ghe bị chìm, ông lội xuống cứu được người chồng. Không ngờ còn có 2 mẹ con đang chìm theo ghe. Ông lại lặn xuống lần nữa, nắm được ngón tay bà mẹ sau một lúc lần tìm.

Ghe càng chìm, ông càng lặn sâu nhưng bàn tay người phụ nữ kia lại lỏng dần. Người mẹ cố ôm lấy con khiến ông không cách nào kéo cả hai mẹ con ra ngoài.

Cứ thế, đến khi thấy khó thở quá, chịu hết nổi, ông bất lực bơi lên. “Nhiều khi cố gắng hết sức để cứu mà cứu không được thì buồn và day dứt lắm”, ông tâm sự.

Còn khỏe, còn làm

Lần vào TP.HCM nhận khen thưởng “Hiệp sĩ giao thông”, ông một thân một mình lên thành phố. Vừa đến thì một nhóm sinh viên gần chục người tới đón.

 
Ông Tư Hài (tóc trắng) trở thành ân nhân của nhóm sinh viên ở TP.HCM sau khi cứu sống 3 người trong nhóm - Ảnh do nhóm sinh viên LLH's Gooners cung cấp

Cách đây một năm, một nhóm sinh viên từ TP.HCM đang đi du lịch trên sông Hậu thì một người rớt xuống sông, hai người khác nhảy xuống cứu nhưng không cứu được.

Ngay lúc đó ông Tư ở gần nghe tiếng kêu cứu liền lao đến vớt hết lên.

Sau khi vớt lên, ông còn mang cả nhóm về nhà cho ăn uống, ngủ nghỉ. Từ đó, ông trở thành ân nhân và cũng là người thân thiết của nhóm sinh viên này.

Đến nay, dù tuổi đã cao, mái tóc trắng xóa nhưng giọng nói, dáng đi ông Tư Hài vẫn còn khỏe lắm. Bây giờ, khả năng bơi và lặn của ông vẫn như ngày nào. Giữa dòng nước ngược, ông có thể lội được cả 100 mét.

Ông kể, ngày trước ông là vận động viên bơi lội và cũng là võ sư nên vẫn dẻo dai đến bây giờ. Khi nghe số tuổi của ông, ai cũng ái ngại, còn ông cười nhẹ tênh: “Chừng nào còn khỏe thì còn làm. Mà muốn nghỉ cũng không nghỉ được”.

Căn nhà hai vợ chồng ông ở ven sông Hậu nay như “địa chỉ đỏ” cho mọi người khi có tàu ghe chìm hay có người nhảy cầu tự tử. Trong cả những lúc ngủ, ông vẫn để điện thoại chế độ chuông reo để phòng có người kêu cứu.

Đi đâu, làm gì, chỉ cần nghe tiếng động lạ, hay thấy chấm nhỏ trên sông, ông Tư Hài lại quên mình vội vã lao đi...

Hoàng Quyên

>> Hai vụ nhảy sông tự vẫn
>> Tìm được thi thể người nhảy cầu Cần Thơ tự tử
>> Vinh danh bảy "hiệp sĩ giao thông
>> Chiến công mới của nhóm "hiệp sĩ" Bình Dương
>> “Hiệp sĩ đường phố” bắt gọn tên cướp giật
>> “Hiệp sĩ” xe ôm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.