Chính phủ cứu doanh nghiệp

05/05/2012 03:41 GMT+7

Để giải tỏa khó khăn đang đè nén cộng đồng doanh nghiệp (DN), thị trường và nền kinh tế, sau phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ đã quyết định đưa ra gói hỗ trợ chính sách thuế 29.000 tỉ đồng.

Miễn, giảm thuế

Hôm qua 4.5, chủ trì cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4.2012, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ông Vũ Đức Đam cho hay, ngay sau cuộc họp lần này Chính phủ sẽ ban hành hai nghị quyết gồm: Nghị quyết chung có đề cập tới các vấn đề hỗ trợ DN; nghị quyết riêng hỗ trợ DN và hỗ trợ thị trường để duy trì tăng trưởng. Theo đó, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ chính sách thuế lên tới 29.000 tỉ đồng, trình Quốc hội đề nghị miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2012, miễn toàn bộ thuế khoán cho các DN, cá nhân kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ sinh viên, công nhân; miễn thuế môn bài cho ngư dân. Đề nghị HĐND các cấp xem xét cho lui, miễn giảm tiền thuê đất. “Chính phủ đang điều hành nền kinh tế một cách hết sức chủ động, thông qua các gói giải pháp hỗ trợ chứ không có gói kích cầu nào gây nguy cơ tái lạm phát”, Bộ trưởng Đam khẳng định.

 Chính phủ cứu doanh nghiệp
Nhiều chính sách đã được Chính phủ đưa ra nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn - Ảnh: Ngọc Thắng

 

4 tháng có gần 18.000 DN giải thể, dừng hoạt động

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2012, tổng số DN thực hiện giải thể và dừng hoạt động tiếp tục tăng lên nhanh chóng (17.735 DN), tăng 9,5% so với cùng kỳ 2011. Các DN hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ phải khai tử nhiều nhất (5.297 DN), xây dựng 3.123, chế biến, chế tạo 2.901, vận tải kho bãi 1.000.

M.Hà - A.Vũ

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai bổ sung, qua khảo sát phát hiện khó khăn đang tập trung chủ yếu tại các DN vừa và nhỏ, sản xuất gia công trong các ngành chế biến nông lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng kết cấu hạ tầng, DN bất động sản, cơ khí, vận tải thủy, xi măng, sắt thép với lượng hàng tồn kho lớn. Từ đó đưa ra giải pháp giảm 30% thuế TNDN năm 2012 cho các đối tượng này, nhưng loại trừ DN thuộc các ngành kinh doanh dịch vụ tài chính, bảo hiểm, xổ số và có thu nhập từ sản xuất hàng hóa dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tháng 4, 5, 6 sẽ được giãn 6 tháng cho tất cả các DN. Đồng thời, giảm 50% tiền thuê đất cho cả DN thương mại và dịch vụ, chứ không chỉ  giảm cho các DN sản xuất như trước. Bên cạnh đó, Chính phủ đồng ý bổ sung thêm 1.000 tỉ đồng cho vay đầu tư, kiên cố hóa kênh mương. Cho phép sử dụng phần kinh phí tạm dừng mua sắm theo Nghị quyết 11 trong 2011 chuyển sang sử dụng trong năm 2012.

Tính toán tổng thể tác động tài chính đến các DN khoảng 29.000 tỉ đồng. Trong đó giãn thuế có giá trị gần 16.000 tỉ đồng, gồm giãn thuế GTGT 12.300 tỉ đồng, giãn thuế TNDN khoảng 3.500 tỉ đồng. Miễn, giảm thuế TNDN và thuế khoán đối với các hộ và môn bài khoảng 4.100 tỉ đồng. Giải pháp giảm 50% tiền thuê đất khoảng 1.500 tỉ đồng. Ngoài ra các giải pháp chi tiêu khác 2.670 tỉ đồng, tổng hợp sơ bộ lại khoảng 29.000 tỉ đồng. Riêng tiền sử dụng đất, giãn thời hạn nộp cho các nhà đầu tư thực sự gặp khó khăn, thời gian giãn 12 tháng, tuy nhiên giao cho UBND các tỉnh, thành phố quyết định theo từng dự án.

Cũng theo bà Mai, tổng gói hỗ trợ này dù tác động tài chính 29.000 tỉ đồng nhưng chỉ tác động tới ngân sách năm 2012 khoảng 9.000 tỉ đồng. Bộ Tài chính đã tính toán và dự kiến sẽ bù đắp thông qua tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu nợ đọng thuế.  Đặc biệt, một phần nguồn để bù đắp từ việc tăng giá dầu thô.

Lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ

Liên quan đến vấn đề thu phí giao thông, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Thủ tướng quyết định lùi thời gian thu phí Quỹ bảo trì đường bộ thêm 6 tháng đến 1.1.2013. Việc thu phí liên quan đến Quỹ bảo trì đường bộ, theo Bộ trưởng Đam đã được quy định trong luật, vừa rồi liên bộ Tài chính - Giao thông đã trình đề án lên Chính phủ, nhưng xét thấy đây là việc liên quan đến toàn dân, thời hạn thu vào tháng 6 khá gấp, nên Thủ tướng đề nghị các bộ ngành hoàn thiện lại phương án. “Các bộ phải đánh giá lại tất cả tác động đến đời sống, phương thức thu... sau đó hoàn chỉnh đề án, đưa ra lộ trình và tuyên truyền đến nhân dân cùng biết, cùng thực hiện từ 1.1.2013”, Bộ trưởng Đam nói. Theo bà Vũ Thị Mai, việc lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ từ 1.6 đến 1.1.2013, giảm nghĩa vụ đóng phí cho DN khoảng 3.200 tỉ đồng.

Tương tự, liên quan đến phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí hạn chế ô tô lưu thông vào trung tâm giờ cao điểm, Thủ tướng đã chủ trì họp, nghe phân tích và thấy rằng các bộ cần phải làm kỹ hơn, cần có đánh giá tác động của phí này đến nhân dân, cũng như tất cả điều kiện kỹ thuật, công nghệ và cách thu như thế nào. “Thủ tướng xem xét và đề nghị hình thành lại đề án, khi nào thấy được mới trình ra Quốc hội, để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua”, ông Đam nói thêm.

Trần lãi suất cho vay 15%/năm đối với 4 đối tượng ưu tiên

Ngoài thuế, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ DN thông qua áp trần lãi suất (LS) cho vay. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến, cho biết trần LS huy động và cho vay đều là biện pháp mang tính tạm thời, do vậy việc NHNN đưa ra trần LS huy động và tới đây là cho vay một số lĩnh vực đã được cân nhắc kỹ và đặt trong bối cảnh DN khó khăn, phù hợp với giải pháp của Chính phủ nhằm hạ thấp LS cho vay. Chiều hôm qua (4.5), NHNN đã ban hành Thông tư 14, quy định LS cho vay ngắn hạn VNĐ đối với 4 lĩnh vực được ưu tiên gồm tam nông, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, và công nghiệp hỗ trợ không quá 3% so với LS huy động tối đa VNĐ là 12%, tương đương 15%/năm. “Tuy nhiên, các dự án đó cũng phải đạt được hiệu quả và khả năng hoàn trả”, ông Tiến nói.

Anh Vũ

>> Giải pháp cứu doanh nghiệp bất động sản
>> Người đương thời: Vượt qua khủng hoảng
>> 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phá sản
>> Nông dân vào hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.