Dựng lều tìm chữ

03/05/2012 16:35 GMT+7

Thôn Dung ở thị trấn Thành Mỹ (H.Nam Giang, Quảng Nam) có 40 hộ dân thì hơn nửa số hộ dành đất để con em đồng bào các dân tộc dựng lều trọ học.

1. Tôi đến thôn Dung vào một ngày đầu hè. Trưa, nắng nóng oi bức. Nam Giang là huyện miền núi nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Nam, nơi có rất nhiều núi đá vôi, khí hậu cực kỳ khắc nghiệt. Vào mùa hè, cái nắng càng thêm khô rát. Thế nhưng, khi chiều buông, nắng dần tắt trên đỉnh núi xa cũng là lúc cái lạnh như cắt ùa tới. Trưa và chiều là lúc thôn Dung ồn ào, náo nhiệt nhất. Bởi lúc này các em học sinh đồng bào dân tộc các xã sát biên giới Việt - Lào như La Deê, La Ê, Đắk Pring, Đắk Pre thuộc H.Nam Giang... theo học tại Trường THPT Nam Giang tan trường. Trên con đường làng đang được chính quyền địa phương nâng cấp, sỏi và cát tập kết thành từng đống lớn, nhỏ, từng tốp 3 - 4 em học sinh lớp 11, 12 của trường tay mang cặp, tay xách túi ni lông bên trong là gạo, là mấy chú cá nhỏ xíu và mớ rau rừng. Rất nhanh nhẹn và thuần thục, mỗi em mở cửa túp lều của mình và bắt đầu sửa soạn bữa ăn.

 Dựng lều tìm chữ
Hiền Tích trong căn lều của mình - Ảnh: Hữu Trà

2. Hiền Tích, nhà ở thôn 57 xã Đắk Pre, người dân tộc Ve xuống thôn Dung trọ học từ năm lớp 10. Nay em đang theo học lớp 12C7 Trường THPT Nam Giang. Nhà Hiền Tích có 5 anh em, và em là người duy nhất đủ sức đến thị trấn trọ học. "Mỗi tháng em về nhà một lần để mang gạo và các thứ cần thiết xuống đây. Dù nhớ mẹ, cha và mấy anh em lắm, nhưng do đường xa cách trở nên em cũng chỉ về một lần mà thôi" - Hiền Tích nói. Túp lều của Tích được dựng trong vườn nhà ông Tih ở thôn Dung cách đây 3 năm. Trong vườn còn có 3 túp lều khác của các bạn cùng trường nhưng khác xã. "Các bạn ấy cũng ở xa như em, nên mới đến đây xin dựng lều ở nhờ đi học" - Hiền Tích kể. Căn lều Hiền Tích đang trú rộng chưa tới 6m2 trống trước, hở sau, hầm hập nóng do mái tôn nằm sát trên đầu. Xung quanh dựng phên đan từ những cây lồ ô chẻ nhỏ, từ ngoài có thể nhìn xuyên thấu vào bên trong. Trong căn lều của mình, Hiền Tích tự đóng và kê một cái giường nhỏ vừa vặn một người ngả lưng. Phía đầu giường tận dụng làm kệ để sách vở và các loại dụng cụ học tập. Chếch bên phải chỗ nằm là nơi đặt bếp với hai cái nồi nhỏ, một ít củi khô và vài ba chai lọ, bên trong còn vương chút dầu, chút mắm... Hiền Tích cười khi thấy tôi "khám phá" nồi cơm điện. "Chỗ cơm này em nấu từ sáng, để dành luôn cho bữa trưa" - Hiền Tích bẽn lẽn. Vậy thức ăn đâu, tôi hỏi. Hiền Tích lại cười và chỉ tay vào những cái chai... Không riêng gì Hiền Tích, nhiều bạn học như em đến thôn Dung này ở trọ đều có hoàn cảnh khó khăn như nhau, song em nào cũng ngời ngời, lạc quan và tự tin vượt qua khó khăn, trau dồi kiến thức, chuẩn bị hành trang cho tương lai.

3. Ở thôn Dung hầu hết là đồng bào C'tu. Người dân không còn lạ với cảnh học sinh các dân tộc khác xa xôi về đây dựng lều trọ học. Kapu Tân, Phó chủ tịch UBND thị trấn Thành Mỹ, cho biết những túp lều dựng tạm trong vườn nhà dân thôn Dung đều được bà đây cho ở nhờ miễn phí. "Các em chỉ mua sắm chút ít dụng cụ để dựng nhà. Em nào siêng năng hơn thì tự chẻ lồ ô mà đan phên, làm giường... Bà con không phân biệt dân tộc gì, chỉ biết thương các em vất vả đi tìm con chữ nên coi như cháu, như con. Giúp được gì thì bà con giúp liền, chứ chẳng bao giờ tính công. Bà con lo dựng lều, sẵn sàng chia sẻ nước uống, củi đun, cái rau, con cá cho các em yên tâm trọ học" - Kapu Tân tâm sự. Nhờ nhận được sự chia sẻ, đồng cảm, thương yêu, đùm bọc của người dân thôn Dung, đều đặn mỗi năm, có hàng chục học  sinh ở các xã vùng cao H.Nam Giang đã mạnh dạn rời khỏi những ngôi nhà buôn làng thân yêu, tề tựu về  Thành Mỹ miệt mài đèn sách.

4. Khoảng 10 năm trước, Trường THPT Nam Giang khánh thành đón những học sinh đầu tiên cũng là lúc thôn Dung xuất hiện những căn lều trọ học đầy tình người này. Người dân thôn Dung còn nhớ cái năm đầu tiên ấy, một học sinh tên Zơrum Thị Hời nhà cách trường trên 70 km đường rừng đã tìm đến nhà cụ Nhím ngỏ lời xin được dựng lều ở trọ trong vườn. 10 năm trôi qua, thôn Dung đón và tiễn không biết bao nhiêu trường hợp học sinh đến trọ học. "Chính quyền cũng thấy được sự vất vả, thiếu thốn của các em học sinh đang trọ học tại đây, nhưng cũng chỉ đủ sức chu cấp cho các em một ít gạo theo tiêu chuẩn mà thôi" - ông A Viết Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Giang chia sẻ. Vì vậy, UBND H.Nam Giang đã đề nghị với cấp trên đầu tư xây dựng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi ở trung tâm cụm xã Chà Vàl, đồng thời đưa giáo viên về dạy. Tuy nhiên, năm học 2011 - 2012, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi chỉ mới đủ sức tiếp nhận học sinh lớp 10 do thiếu giáo viên. Cũng theo ông A Viết Sơn, đến năm học 2012 - 2013, trường sẽ tiếp tục "nâng cấp" để có thể đón và dạy học sinh lớp 11. Như vậy, nhiều em muốn học lớp 12 lại phải khăn gói xuống thị trấn Thành Mỹ học tiếp. Và những căn lều trọ học tại thôn Dung sẽ còn tồn tại một vài năm nữa cùng khát vọng tìm kiếm con chữ của những em học sinh nghèo vùng cao Nam Giang.

Nguyễn Hữu Trà

>> Đơn giản hóa việc trẻ vào lớp 1
>> Dạy chữ cho trẻ vạn đò
>> Nghị lực phi thường của thầy giáo trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.