Chức vụ càng cao thì sự gương mẫu phải càng cao

03/05/2012 03:37 GMT+7

Ngày 2.5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ ĐBQH đơn vị số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri Q.1 và Q.3 (TP.HCM).

Chức vụ càng cao thì sự gương mẫu phải càng cao
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ 2, từ trái qua) trao đổi với cử tri Q.1, TP.HCM vào sáng 2.5 - Ảnh: DIệp Đức Minh

Tại buổi tiếp xúc, một số cử tri bày tỏ sự không đồng tình với kết luận nguyên nhân gây cháy xe mới đây của các bộ, ngành liên quan; phản ánh về tình hình lương tăng không theo kịp giá cả, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; tình trạng ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn tràn lan... “Tất cả các lý do nêu ra vẫn chưa giải thích được tại sao thời gian qua xuất hiện nhiều, dồn dập cháy nổ các loại xe như thế. Tại sao xe các vị lãnh đạo đi không cháy mà chỉ toàn thấy cháy xe dân? Nếu không phải do xăng thì do cái gì? Nếu các bộ, ngành không tìm ra được nguyên nhân cháy xe thì nên mời các chuyên gia nước ngoài vào tìm cho ra, công bố rõ để dân yên tâm”, cử tri Vũ Quý đặt vấn đề.

Chia sẻ mối quan tâm đặc biệt của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định những vấn đề cấp bách sẽ được giải quyết sớm, nhưng cũng có nhiều việc không thể giải quyết ngày một ngày hai mà đòi hỏi thời gian để Quốc hội và các cơ quan chức năng bàn bạc, thảo luận có cách giải quyết thấu đáo.

Về băn khoăn của cử tri trong công tác phòng chống, tham nhũng, Chủ tịch nước cho biết chống tham nhũng là vấn đề quan trọng được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, đổi mới cách làm và bộ máy làm công tác phòng, chống tham nhũng để phù hợp với tình hình mới.

Bên lề buổi tiếp xúc cử tri tại TP.HCM, phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Quán triệt việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa 11), T.Ư yêu cầu các cấp, các địa phương cần có đánh giá, nhìn nhận khách quan, nhìn thẳng vào sự thật nhằm chấn chỉnh những yếu kém, khuyết điểm còn tồn tại trong Đảng. Vậy cần làm thế nào để quy trình này không rơi vào hình thức? Điều Chủ tịch nước trăn trở nhất trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay?

 

Cán bộ chức vụ càng cao thì sự chuyển biến về nhận thức và cả hành động phải càng cao, phải tỏ ra xứng đáng là người lãnh đạo để bên dưới còn kính trọng và noi theo, chứ không được nói suông, chỉ đạo suông

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

- Nghị quyết T.Ư 4 về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" là một thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng về quyết tâm của Ban Chấp hành T.Ư trong việc chấn chỉnh những yếu kém, khuyết điểm còn tồn tại trong Đảng. Những yếu kém, khuyết điểm này đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên, suốt cả một quá trình dài từ ngày có Đảng đến nay, như là một dòng chảy liên tục. Có những lúc xuất phát từ nhu cầu, thực trạng có những yếu kém ảnh hưởng đến uy tín và sự lãnh đạo của Đảng nên Đảng có những chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Không phải qua một đợt học tập, một đợt chỉnh đốn là xong mà phải nhận thức nó là một quá trình liên tục để luôn phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong mọi thời kỳ. Ai là cán bộ, đảng viên thì đều phải nhận thức hết sức đầy đủ về vấn đề này, cán bộ càng có chức vụ cao lại càng phải ý thức đầy đủ vấn đề hết sức hệ trọng này.

Tôi cho rằng khi đi vào xây dựng và chỉnh đốn Đảng thì nhất thiết cần phải thông suốt tư tưởng. Đó là học tập, nghiên cứu, quán triệt để tư tưởng thông suốt về sự cần thiết, hiểu rõ nội dung, cách thức tiến hành của vấn đề trọng đại này để các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên, kể cả nhân dân đều tự thấy được đó là một nhu cầu khách quan mang tính cấp bách trong tình hình hiện nay. Trong đó, điều quan trọng đặt ra là lần này chúng ta làm sao phải tiến hành cho đạt hiệu quả cao nhất, tạo được sự chuyển biến rõ rệt mà thước đo là được toàn Đảng, toàn dân thừa nhận thì mới có giá trị; vì việc làm này không phải lần đầu tiên, trước đây chúng ta đã từng làm nhiều lần nhưng hiệu quả thấp, không đạt yêu cầu nên cần phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm một cách sâu sắc.

Không riêng gì cá nhân tôi mà với mọi người cũng luôn trăn trở về điều này. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nói đúng sự thật không né tránh, T.Ư đã chẩn đoán "căn bệnh" mà một bộ phận không nhỏ đảng viên đang mắc phải, trong đó có những người giữ vị trí cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Vấn đề bây giờ là từng cấp, từng ngành, từng địa phương, mà trước tiên là những người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp phải bắt tay vào làm thật sự, làm đúng như Nghị quyết của Đảng. Tôi cho rằng, cán bộ chức vụ càng cao thì sự chuyển biến về nhận thức và cả hành động phải càng cao, phải tỏ ra xứng đáng là người lãnh đạo để bên dưới còn kính trọng và noi theo, chứ không được nói suông, chỉ đạo suông. Bộ Chính trị và T.Ư làm gương cho toàn Đảng, cấp trên phải làm gương cho cấp dưới. Như vậy thì mới có thể hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết T.Ư 4 đã đề ra.

Nên tự giác rút lui khi không được tín nhiệm

Nghị quyết T.Ư 4 cũng nhấn mạnh giải pháp tiến hành chất vấn trong Đảng tại các kỳ họp, lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ. Người có tín nhiệm thấp sẽ được thay thế, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Giải pháp này khi nào sẽ được thực hiện? Và kết quả (kiểm điểm, tín nhiệm) có được công khai?

- Trên tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4, cuối năm nay sẽ có bỏ phiếu tín nhiệm ở các cấp ủy Đảng. Cấp chính quyền cũng bỏ phiếu tín nhiệm. Ví như chúng tôi được Quốc hội bầu ra thì Quốc hội cũng sẽ bỏ phiếu tín nhiệm chúng tôi. Trong cấp ủy thì cũng sẽ làm như thế. Nghị quyết T.Ư 4 cũng đã nêu rõ, nếu hai lần bỏ phiếu tín nhiệm mà số phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ được thay thế. Với tư cách cá nhân, tôi nghĩ mỗi người đều có lòng tự trọng, nếu mình nhận thấy đảng viên và nhân dân không tín nhiệm nữa thì nên tự giác rút lui, không nên chờ đến hết nhiệm kỳ. Điều này rất đáng hoan nghênh.

Riêng chất vấn trong Đảng thì đã có chủ trương trong những khóa gần đây, nhưng việc chất vấn ở các cấp vẫn còn quá ít và yếu. Bộ Chính trị lúc nào cũng kêu gọi tinh thần này. Cứ mỗi lần họp là kêu gọi tăng cường chất vấn trong Đảng. Văn bản cũng đã ban hành toàn Đảng rồi. T.Ư đã và đang làm trước việc này rồi, song tôi cho rằng kết quả đạt được vẫn còn thấp, và cấp ủy các cấp cũng phải tổ chức chất vấn như T.Ư. Dân chủ đầy đủ trong Đảng là việc làm hết sức cần thiết nhất là trong lúc này. Những vấn đề đưa ra trao đổi, thảo luận cần phải hết sức thẳng thắn với nhau. Chúng ta không phải chủ trương chất vấn, mở rộng dân chủ là cốt để truy tìm cán bộ có sai sót để xử lý mà cái chính là đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác, biết tự phê bình, biết tự sửa mình, biết nhận thức sai trái để sửa chữa. Còn nếu có sai phạm mà không tự giác thì buộc phải xử lý để đảm bảo sự nghiêm minh.

Những vấn đề tôi vừa đề cập đang được triển khai, kết quả sẽ được báo cáo một cách thích hợp ở các cấp.

Với vai trò là đội dự bị tin cậy của Đảng và lực lượng xung kích cách mạng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần có những hoạt động như thế nào để góp phần vào việc quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết T.Ư 4?

- Lúc nào Đảng cũng xác định rõ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng và lực lượng xung kích cách mạng. Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị và Ban Bí thư luôn tin tưởng các cấp bộ Đoàn luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ của mình đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phải làm được như thế mới xứng đáng với vai trò là đội dự bị tin cậy.

Cụ thể hơn, các cấp bộ Đoàn có quyền đóng góp ý kiến cho cấp ủy trước khi cấp ủy và cá nhân cấp ủy viên tiến hành kiểm điểm. Ví dụ như Ban Bí thư T.Ư Đoàn góp ý kiến cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư, đây là vấn đề dân chủ trong Đảng, không có gì hạn chế cả. Đối với các địa phương thì góp ý cho Ban Thường vụ cấp ủy địa phương. Với Đảng ủy khối cũng tương tự như thế. Tôi luôn hy vọng Ban Bí thư T.Ư Đoàn có những góp ý thẳng thắn, xây dựng, xứng đáng là đội hậu bị tin cậy của Đảng. Đó là thước đo về sức chiến đấu của cán bộ và các cấp bộ Đoàn trong hành động thực tiễn của mình.

Biển Đông là vấn đề hết sức quan trọng

Đảo Trường Sa Lớn thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa
Đảo Trường Sa Lớn thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Vấn đề đất đai (sở hữu, đền bù, cưỡng chế giải tỏa...) đang gây nhiều tranh cãi, bức xúc trong nhân dân, là nguyên nhân của khiếu kiện đông người. Theo Chủ tịch nước, sắp tới luật Đất đai có nên sửa đổi và sẽ sửa đổi theo hướng như thế nào để người dân yên tâm sản xuất trên đất của mình?

- Lĩnh vực đất đai có hai vấn đề. Thứ nhất là sở hữu đất đai. Cương lĩnh của Đảng cũng đã xác định đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý. Vấn đề thứ hai có tính chất hết sức quan trọng là hiểu và thể chế hóa như thế nào về các chủ thể sử dụng đất để làm sao đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích của người sử dụng đất. Trên thực tế, các cơ quan thanh tra phát hiện ra rất nhiều vụ sai phạm về chấp hành pháp luật về đất đai. Tuy nhiên phải khách quan mà nói rằng, luật lệ hiện hành vẫn chưa phản ánh một cách đầy đủ và sát với cuộc sống, chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và khi thực thi pháp luật đất đai của các cơ quan công quyền cũng rất khó khăn, thậm chí có những sai phạm.

Luật Đất đai sửa đổi tới đây vừa phải quán triệt đường lối Đại hội Đảng 11, đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của nhân dân đang đặt ra, hài hòa các mặt lợi ích của nhân dân, nhà nước và xã hội: khắc phục cho được những hạn chế đang nổi lên hiện nay.

Chủ tịch nước từng khẳng định biển Đông là vấn đề hệ trọng quốc gia. Chúng ta cần phải ứng xử như thế nào để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước trước những diễn biến khó lường ở biển Đông?

- Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Chủ quyền quốc gia mà tôi thường nói là đối với bất kỳ quốc gia nào cũng đều là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Toàn dân ta nhất thiết phải luôn đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của mình.

Đảng, Nhà nước luôn chủ trương kiên trì giải quyết vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền biển Đông bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán ngoại giao với các bên có liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, Quy tắc ứng xử của các nước trong khu vực (DOC) và tiến tới COC.

Về đánh cá trên vùng biển VN, bà con ngư dân ta hãy yên tâm bám biển làm ăn bình thường. Đảng, Nhà nước và cơ quan chức năng các cấp luôn ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân trên biển.

Minh Nam - Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.