Thư tướng Mỹ gửi "tướng" Việt Nam

01/05/2012 03:57 GMT+7

Kết thúc đời binh nghiệp, ông Trần Sự chỉ đóng lon trung tá, thế nhưng các tướng Mỹ trong nhóm Misty cứ khăng khăng gọi ông là “tướng” trong những lá thư thời bình.

Cựu binh Mỹ và "đối thủ đáng kính" 1
Cầu Mỹ Đức (Quảng Bình) trên QL15A bị bom phá, ảnh chụp từ máy bay RF101 của Mỹ - Nguồn: US Air Force 

Ông Trần Sự sinh năm Mậu Thìn (1928), quê làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (cùng làng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Xuất thân học trò, trước cách mạng đã tham gia đội tự vệ cảm tử của Việt minh huyện, tháng 3.1947, ông chỉ huy trung đội tự vệ chặn đánh quân viễn chinh Pháp từ Đồng Hới nống lên Lệ Thủy. Trong 9 năm đánh Pháp, ông lần lượt đảm trách các nhiệm vụ Huyện đội phó, Huyện đội trưởng Lệ Thủy, Thị đội trưởng Đồng Hới. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là Tỉnh đội trưởng. Năm 1968, giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ lên đến đỉnh điểm, ông được Quân ủy trung ương quyết định kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận Quảng Bình gồm lực lượng vũ trang tỉnh và các đơn vị chính quy cấp trung đoàn. Ông tốt nghiệp phổ thông trung học tại Hà Nội và đã được đào tạo qua trường quân sự sĩ quan cao cấp, nổi tiếng là một chiến binh dũng cảm và một chỉ huy tài năng trên một chiến trường vô cùng ác liệt qua hai cuộc kháng chiến. Có lẽ vậy chăng mà mặc dù chỉ đóng lon trung tá cho đến khi chuyển sang dân sự, trong mắt các nhà quân sự phương Tây, ông vẫn được gọi là "tướng" (general) - tướng Việt Nam. Ông nghỉ hưu tại Đồng Hới. 

Thư của thiếu tướng

Đầu năm nay, vào tuổi 85, khi đang dưỡng bệnh tại Huế thì ông nhận được thư của thiếu tướng Donald W.Shepperd:

Cựu binh Mỹ và "đối thủ đáng kính" 2
Ông Trần Sự thời trẻ - Ảnh tư liệu gia đình 

“Gửi tướng Việt Nam - người đang điều trị bệnh mắt ở bệnh viện Huế.

Tôi lấy làm xin lỗi vì không biết chính xác tên ông. Roger Van Dyken đã nhiều lần quay lại Việt Nam và bây giờ đang cùng với các cựu binh phi công Misty tổ chức chuyến thăm Quảng Bình. Roger đã là bạn của nhiều người Việt Nam và ông ấy đã đề nghị tôi trao đổi thư từ với ông.

Đầu tiên, tôi cầu chúc cho ông sức khỏe, hy vọng mắt của ông được chữa trị tốt và hồi phục, luôn có cuộc sống vui vẻ.

Tôi lấy làm tiếc là đã không tham gia chuyến đi vì lý do sức khỏe, nhưng tôi muốn ông biết rằng tôi thực sự tôn trọng ông và đất nước của ông. Tôi đã thăm lại Việt Nam vào năm 2000 và muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những gì mà ông đã làm để chống lại một đối thủ rất hùng mạnh và ghê gớm (là chúng tôi). Trong chiến tranh, ông đã chiến đấu cho những gì ông tin là đúng và chúng tôi cũng vậy. Cả hai đất nước chúng ta đã gánh chịu những điều tồi tệ. Ông và đất nước của ông còn phải gánh chịu nhiều hơn chúng tôi. Cả hai chúng ta đều biết chi phí của chiến tranh, những bi kịch thảm khốc và hầu hết là những người trẻ phải gánh chịu. Tôi hy vọng là chúng ta đủ thông thái để tìm ra cách tốt nhất giải quyết các vấn đề xung đột trong tương lai và tôi chân thành hy vọng rằng đất nước của chúng ta sẽ giữ gìn tình bạn bền chặt.

Tôi hy vọng ông sớm hồi phục, gia đình của ông mạnh khỏe. Tôi cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với ông, gia đình cũng như đất nước của ông.

Donald, W.Shepperd, thiếu tướng không quân Mỹ (nghỉ hưu) thành viên nhóm Misty 34”. 

Thư của đại tướng

Còn đây là thư của đại tướng Ronald R.Foglenman, sĩ quan nghỉ hưu quân đội Mỹ:

“Ngày 10 tháng 2 năm 2012

Kính gửi ông Trần Sự, 45 Lý Thường Kiệt, Đồng Hới, Quảng Bình.

Trong giai đoạn tôi bắt đầu đi lính sau năm 1968, tôi là một sĩ quan kiểm soát không quân Mỹ (còn gọi là Misty). Trước mỗi cuộc oanh tạc năm 1968, đơn vị của tôi đóng quân được cấp trên giao nhiệm vụ dò tìm và định vị hướng nổ nhằm ngăn chặn xe tải của bộ đội Việt Nam trên tuyến đường Hồ Chí Minh địa phận tỉnh Quảng Bình. Đơn vị của tôi và lực lượng của ngài đã từng nhiều lần đụng độ nhau ác liệt cả trên không phận lẫn địa phận tỉnh Quảng Bình. Đại tá Roger Van Dyken, một sĩ quan nghỉ hưu từng công tác trong lực lượng Misty đã nói rằng, trong một lần gặp gỡ với ngài Trần Sự, được biết ngài chính là người đã từng lãnh đạo lực lượng vũ trang Quảng Bình từ những ngày đầu của Việt Minh đến khi kết thúc cuộc chiến tranh, mà chúng tôi gọi là chiến tranh Việt Nam còn phía các ngài gọi là chiến tranh chống Mỹ. Đại tá cũng cho biết về những mất mát mà ngài phải chịu đựng xảy ra trong chính gia đình ngài, rằng bố ngài đã chết khi bom rơi, còn cô con gái ngài (đại tá biết trong một lần gặp gỡ ở cửa hàng của cô) thì bị thương do mảnh vỡ của một quả bom phát nổ. Xin ngài hãy nhận lấy sự cảm thông của cá nhân tôi đối với những đau thương này. Những mất mát và đau thương ấy là những kết quả không hề mong đợi do cuộc chiến tranh tại Việt Nam mang lại.

Con đường từ hòa bình đến chiến tranh thường rất ngắn, trong khi con đường từ chiến tranh đến hòa bình thường dài hơn rất nhiều.

Đại tá Roger Van Dyken cho tôi biết rằng, ngài Trần Sự đã từng nói bây giờ chính là lúc để lại quá khứ phía sau, cùng nhau hướng đến tương lai và tìm những biện pháp để hai bên có thể mang lại những lợi ích cho đất nước mà chúng ta đang phụng sự. Trước đây, sau khi chiến tranh kết thúc tôi đã từng trở lại Việt Nam một lần, tôi cũng đã suy nghĩ nhiều và rất sâu sắc về những lời nói đó của ngài và hoàn toàn đồng ý với ngài từ sâu thẳm trái tim tôi. Thông qua cuộc gặp gỡ với các cựu sĩ quan từng chiến đấu trong lực lượng Misty, lần này ngài đang bước một bước dài và ý nghĩa trên con đường hàn gắn vết thương chiến tranh. Tôi chân thành cảm ơn vì ngài đã rộng lượng đồng ý gặp gỡ với chúng tôi và hy vọng thông qua cuộc gặp, chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra nhiều biện pháp để hàn gắn vết thương chiến tranh đồng thời thúc đẩy tương lai tươi sáng cho người dân của cả hai đất nước chúng ta. Tôi rất vinh dự được cùng ngài đóng góp công sức trên chặng đường này.

Kính thư

Ronald R.Foglenman, đại tướng, cựu chỉ huy trưởng lực lượng không quân Mỹ”. (còn tiếp)

Nguyễn Thế Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.