Sức sống mãnh liệt ở Trường Sa

30/04/2012 03:44 GMT+7

“Ở nơi anh
Biển. Nắng. Gió
Và những ngày giông bão đi qua
Có tình em đọng lại
Gửi vào những đôi mắt đặc nỗi yêu thương
Tất cả lặng im nhưng lòng ai cũng hiểu
Tổ quốc cần ta gác lại niềm riêng…”  

Tôi đọc mấy câu thơ vừa viết thay lời chia tay người chiến sĩ trẻ trên đảo Trường Sa Lớn. Biển đảo quê hương đẹp mơ màng giữa cái nắng hoàng hôn. Người chiến sĩ mỉm cười khẽ nói: “Tổ quốc cần ta gác lại niềm riêng...”.

Sức sống mãnh liệt ở Trường Sa
Xuồng của đảo Trường Sa Đông đón đoàn đại biểu TP.HCM vào thăm - Ảnh: Thanh Thùy

Vượt bão giông giành sự sống

Trường Sa Lớn, thủ phủ của huyện đảo Trường Sa, mải miết một màu xanh, kiêu hãnh như một pháo đài kiên trung giữa biển Đông. Sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, cũng đến lúc tôi được miết đôi chân trần vào bờ cát trắng. Tháng 4, con sóng hiền hòa và êm dịu như người con gái ngủ say. Không ai ngờ, những mảnh vụn bê tông nằm trên bờ cát là do sóng đánh vỡ cách đây không lâu. Thiên nhiên lúc ôn hòa, lúc khắc nghiệt và hàng bê tông chắn sóng khác lại được xây lên. Mỗi bước chân qua trên đảo đều thấm mồ hôi và máu của nhiều thế hệ con người Việt Nam. Những câu chuyện về sức sống mãnh liệt trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai của biển đảo Trường Sa cứ sôi nổi hàng giờ. Giữa cái nắng gay gắt, tôi được nghe câu chuyện của những người đạp bão giông và gian khó để bảo vệ sự sống.

Trung úy - bác sĩ Hoàng Mạnh Hải, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Trường Sa Lớn, như sống giữa giây phút mà bệnh nhân của anh đã dũng cảm chiến đấu với sóng gió và những cơn đau để đến được nơi cấp cứu. Anh nắm chặt hai bàn tay: “Sức sống của con người ở đây vô cùng mãnh liệt. Có một câu chuyện cảm động, không bao giờ tôi quên”. Anh đang nói đến bệnh nhân Trần Xuân Hiếu (26 tuổi, ở đảo Đá Đông A). Anh Hiếu được quân y trên đảo Đá Đông A chẩn đoán bị viêm ruột thừa cấp vào chiều 24.9.2011 nhưng không mổ được vì trang thiết bị trên đảo lúc đó chưa hoàn thiện.

Để chuyển bệnh nhân đi, đảo đã nhờ tàu của lực lượng hải quân giúp. Nhưng khi đó, biển động, sóng to cấp 7, cấp 8. Tàu hải quân không thể tiếp cận được đảo. Sau đó, đảo lại nhờ tàu của ngư dân, nhưng vẫn không chuyển được vì biển động dữ dội. Họ đã tìm mọi cách để có thể chuyển bệnh nhân và phương án kế tiếp là dùng thuyền thúng để anh Hiếu bơi ra. Nhưng sóng gió cứ làm lật thuyền, anh Hiếu rơi xuống biển 3 lần. Những người trong cuộc nghẹt thở chờ cứu hộ. Cuối cùng, các chiến sĩ hải quân đưa dây thừng để anh Hiếu buộc vào người và tàu cá kéo anh trên biển ra tàu hải quân để đi mổ.

Khi tàu đến đảo Trường Sa Đông thì bệnh nhân được đưa lên xuồng vào đảo. Sóng lớn, xuồng lại lật, sự sống của một con người đang thử thách nhiều người. Cuối cùng, tàu quyết định chuyển bệnh nhân sang đảo Trường Sa Lớn - nơi có trang thiết bị tốt hơn, có cầu cảng thuận tiện để tàu tiếp cận. 3 giờ sáng 26.9.2011, tàu đến Trường Sa Lớn. Đến 6 giờ, tàu mới cập cảng trong khó khăn. Lúc đuôi tàu bị sóng dập gần cầu cảng, anh Hiếu đã nhảy lên. Bác sĩ Hải thực hiện ca mổ trong 3 giờ. Sự dũng cảm, sức sống mãnh liệt của con người đã chiến thắng!

Ở đảo nào thuộc huyện Trường Sa cũng thế, mỗi năm có những câu chuyện khác nhau về sự dẻo dai và kiên gan của con người.

Sức sống mãnh liệt ở Trường Sa 2
Nhiều ca viêm ruột thừa đã được  mổ thành công trên huyện đảo Trường Sa - Ảnh: Thanh Thùy

Khát khao cống hiến

Ở các đảo, mỗi năm chỉ được vài tháng biển êm, thời gian còn lại là những mùa sóng gió. Mùa biển động, nước ngọt, rau xanh, điều kiện sinh hoạt… trở thành những thử thách đối với lính đảo. Thế nhưng, gian khó chỉ là chất xúc tác cho tinh thần lạc quan. Nhiều anh lính trẻ đã tình nguyện công tác năm này qua năm khác tại các đảo và điểm đảo.

Sáng 20.4, không khí trên đảo Tốc Tan mát mẻ nhưng gương mặt thiếu úy Vũ Văn Đồng lấm tấm mồ hôi. Anh vừa theo xuồng chuyển khách từ tàu HQ 960 vào thăm. Những người lính đảo có nước da rám nắng nhưng ánh mắt và nụ cười thì luôn rạng rỡ. 30 tuổi, người lính thuộc bộ phận máy nổ trên đảo Tốc Tan này đã có thâm niên 7 năm công tác trên các đảo, điểm đảo của quần đảo Trường Sa. Những bài học tiết kiệm nước, trữ nước, trồng rau xanh… những người lính như anh thuộc nằm lòng. Tôi xúc động khi nghe người trẻ thổ lộ, khi xác định được lý tưởng của mình thì sẽ đi đến cùng. Anh Đồng cười hiền và nói rành rẽ: “Nó trở thành máu thịt, tình yêu hay đôi khi là nhịp thở khiến mình tự nguyện một cách vô điều kiện”.

Tôi đi nhiều đảo và gặp được tinh thần ấy trong những người lính khác, trong đó có những người thật trẻ như chiến sĩ Ngô Văn Bằng. Bằng sinh năm 1992, làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Đông từ tháng 1.2011. Ấn tượng về người chiến sĩ ấy đối với những người đến thăm là ánh mắt nghiêm nghị và sự thành kính khi trao hương cho đoàn đại biểu thắp cho các liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo. Trong sự rộn ràng của những câu chuyện từ đất liền, anh chiến sĩ trẻ lặng lẽ vào ca trực, đứng gác bên cột mốc thiêng liêng. Khoảng thời gian tôi được trò chuyện cùng Bằng thật ít nhưng cũng đủ để lắng nghe những bộc bạch chân thành: “Được học tập và rèn luyện trên đảo, mình đã cố gắng rất nhiều. Hy vọng sau khi hoàn thành nghĩa vụ, mình sẽ về học tập và tiếp tục được ra đảo".

Bằng vừa được kết nạp Đảng ngày 4.12.2011. Nói như trung úy Trương Thế Mạnh (Phân đội trưởng Phân đội 3, Lữ đoàn 146): "Đó là kết quả xứng đáng cho những người có lý tưởng".

Thanh Thùy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.