Tiếng của biển - Truyện ngắn của Hoàng Trọng Dũng

29/04/2012 03:35 GMT+7

Thời tiết những ngày giao mùa thường đỏng đảnh, chợt mưa chợt nắng, chợt nóng chợt lạnh. Nhưng đỏng đảnh, khó chịu nhất có lẽ là những ngày cuối xuân đầu hè.

1 Thời tiết những ngày giao mùa thường đỏng đảnh, chợt mưa chợt nắng, chợt nóng chợt lạnh. Nhưng đỏng đảnh, khó chịu nhất có lẽ là những ngày cuối xuân đầu hè.

Những ngày ấy, khí lạnh dùng dằng nửa ở nửa đi còn khí nóng vẫn chỉ rụt rè xuất hiện chốc lát vào ban trưa. Lại có bữa trời đột nhiên oi nồng rồi ngay sau đó cơn mưa chợt rào rào đổ xuống.

 
Minh họa: Văn Nguyễn

Mưa, dù chỉ là cơn mưa rào trong chốc lát, thì cái sân thượng nhà tôi vẫn bị thấm. Tôi đã láng một lớp hồ dầu, đã sử dụng tất cả các loại sơn chống thấm, nhưng kết quả thật đáng buồn. Chỉ sau một hai cơn mưa, đâu lại vào đấy. Khỏi phải nói tôi bực dọc đến thế nào.

Thế rồi một buổi trưa chang chang nắng, trong khi đi bộ dọc bờ biển, tôi nhìn thấy một con thuyền với một người đàn ông đang cặm cụi kề bên. Lúc đến gần, tôi nhận ra người đàn ông đang chăm chỉ dùng dầu rái trét lên thuyền. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi. Từ trên cát nóng rồi xuống nước, trong hai môi trường hoàn toàn khác biệt, nhưng thuyền vẫn không thấm nước. Vậy có thể dầu rái là chất chống thấm hữu hiệu tôi đang cần, vượt xa các loại sơn đang được quảng cáo ầm ĩ trên ti vi. Tôi mon men tới gần thuyền, tìm cách bắt chuyện với người đàn ông.

Ông ta tên Xuân, như sau này tôi biết. Lúc tôi chào, ông Xuân đang cúi xuống, chiếc nón lá che gần hết khuôn mặt. Nhìn chiếc nón lá, tôi nghĩ ngay nó cũng được quang  bằng dầu rái, và chịu mưa chịu nắng không thứ sơn nào sánh được. Đáp lại lời chào của tôi, ông Xuân hơi ngẩng mặt lên, nhưng vẫn không mở miệng. Tôi đã gặp nhiều trường hợp như thế. Người ta đang bận bịu mình tới quấy rầy, không bị đuổi đi là may.

- Bao nhiêu lâu thì phải trét lại một lần ạ? - tôi hỏi.

Chỉ là sự im lặng đáp lại tôi. Phải đến vài phút sau ông Xuân mới lại ngẩng lên, khoát tay một cái rồi tiếp tục cúi xuống. Trong khoảnh khắc ấy, không phải cái khoát tay mà chính đôi mắt ông Xuân đã gửi tới tôi câu trả lời. Ấy là ông muốn bảo tôi, tùy chất lượng dầu rái, và tùy việc mình có trét kỹ hay không.

Tôi còn hỏi ông Xuân vài câu nữa, trình bày cả ý định chống thấm sân thượng nhà tôi bằng dầu rái. Tôi hỏi ông có thể tìm mua dầu rái ở đâu. Nhưng mặc cho tôi nói gì hỏi gì, ông Xuân vẫn không mở miệng, chỉ đôi mắt của ông là sáng lên, như tán thành đề xuất của tôi. Sau cùng, ông đưa cho tôi chiếc lon lớn đựng đầy dầu rái và nhất định không chịu cầm món tiền tôi trả.

Ra là ông Xuân bị câm. 

2 Tôi ở không xa chỗ ông Xuân. Từ nhà tôi ra mép biển chỉ vài phút đi bộ. Từ nhà tôi đến chỗ bãi biển ông Xuân hay ngồi mỗi chiều, cũng chỉ mươi lăm phút. Ở gần biển nhưng tôi chẳng mấy khi tắm biển. Một phần, bãi biển chỗ tôi ở không phải bãi tắm, nước thải từ các khu dân cư chảy thẳng ra biển gây cảm giác dơ bẩn. Mặt khác và là lý do chủ yếu, khi quá dư thừa thứ gì thì hình như người ta không còn thấy quý nữa.

Biển đấy, bao la đến rợn ngợp, muốn tắm bao lâu, sáng trưa chiều tối tùy thích. Trăm người, nghìn người, thậm chí nhiều hơn nữa, biển vẫn rộng lòng đón tất cả. Thế nhưng đáp lại sự hào phóng của biển, chỉ có lũ con nít chịu khó cởi truồng ra đẫm nước, nô đùa, ném cát vào nhau. Không tắm nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn ra biển đón gió, ngắm mặt nước thẳm xanh, phóng tầm mắt ra xa, nơi rất nhiều thuyền đánh cá không rõ đang ra khơi hay trở về. Tôi đặc biệt thích biển vào lúc mặt trời sắp lặn.

Những tia nắng cuối ngày hắt lên nhuộm màu những vạt mây hồng, cam, vàng tùy hôm. Những làn sóng lấp lánh khúc xạ những tia nắng đang chiếu vào các vạt mây. Những người đàn ông cũng ra biển hóng gió như tôi sà vào những chiếc bàn gỗ đặt chông chênh trên cát gọi xị đế với con mực hoặc vài con tôm nướng.

Thuận chân, tôi đi thẳng tới chỗ ông Xuân, lấy một chiếc ghế trống ngồi xuống cạnh ông. Quay mặt về phía biển, hai chúng tôi chậm rãi uống từng ngụm bia. Được ngồi uống với một người không hề nói lời nào quả thực tôi rất thích. Tôi luôn ghét sự ồn ào, to tiếng  nhưng lại cũng không thích uống một mình. Ông Xuân quả là người bạn rượu hoàn hảo của tôi.

Còn một việc nữa là ông Xuân không biết chữ. Thông thường khi không nói được thì có thể viết ra giấy, kiểu bút đàm. Nhưng vừa không nói lại còn không viết được nên câu chuyện giữa tôi và ông Xuân luôn diễn ra rất khó khăn.

Như khi tôi hỏi bị tàu nào tấn công trên biển mà uất đến nỗi tai biến thì ông Xuân chỉ ú ớ: “Àu ạ… àu ạ…” với ánh mắt vừa giận dữ, vừa uất ức chua xót. Năm lần bảy lượt tôi mới hiểu được ông muốn nói: “tàu lạ”. Khi tôi bảo sao ông lại bướng bỉnh, đã bị nó tấn công mà vẫn quay lại đánh bắt chỗ cũ thì ông hoa chân múa tay, gào lên như bị động kinh khiến tôi hoảng sợ nhưng mãi vẫn không thể hiểu ông định nói gì.

Và tôi quyết định phải dạy chữ cho ông Xuân. Dạy chữ cho một người đã đi gần hết cuộc đời quả thực không hề dễ. “A… bờ a ba, e… mờ e me nặng mẹ…”. Tôi chẳng quan tâm bây giờ người ta dạy chữ cho trẻ con thế nào, còn tôi cứ theo cách ngày xưa mình đã từng được dạy.

Ngày xưa cả lũ con nít chúng tôi đến vài ba chục đứa một lớp cứ nghê nga theo lời dạy của thầy cô, nghe vui đáo để. Giờ thì chỉ duy nhất giọng của tôi lọt thỏm trong tiếng sóng ì ầm mỗi chiều. Và thực ra, rõ ràng ông Xuân không muốn học. Không chỉ thế, ông còn giễu cợt, cười nhạo khi tôi kiểm tra bài đã dạy ông hôm trước. Đúng là chữ thầy trả thầy. Ông Xuân đã trả tôi tất tần tật, không giữ lại lấy nửa chữ.

Cho đến một hôm, bất ngờ tôi và ông nhìn nhau, rồi bật lên cười, cười mãi đến ràn rụa nước mắt, che cả tiếng sóng biển. Tại sao tôi và ông Xuân lại vui đến thế sau một thất bại? Thú thật tôi cũng chẳng thể nào cắt nghĩa. Tự dưng thấy buồn cười thì cười, thế thôi. Tôi quẳng cả cây bút và cuốn tập cho bà bán rượu. Đổi lại, bà rót cho tôi và ông Xuân mỗi người một ly đế.

Có thể vì không cần biết chữ nhưng ông Xuân vẫn đọc được biển rất rành rọt. Cứ nghe đến biển là nét mặt ông thay đổi. Và tôi ngày càng dễ nhận hiểu chính xác hơn những điều ông muốn tỏ bày. Nhưng ngôn ngữ ký hiệu của ông Xuân là của riêng cá nhân ông, phải quen mới hiểu. Như khi ông khoát tay, cái khoát tay thông thường vẫn có nghĩa là rộng lớn thì đối với ông Xuân, đấy là biển. Như khi bàn tay ông Xuân uốn lượn thì tùy theo tư thế bàn tay nghiêng hay sấp tôi hiểu ông Xuân đang muốn nói tới cá hay sóng nước.

Nhưng với những vấn đề trừu tượng thì không dễ dàng như thế. Có lần ông Xuân định giảng giải cho tôi về sóng. Tôi vốn mù tịt về biển, nên nhìn những động tác không theo quy tắc nào của ông, tôi như đâm đầu vào đá. Thế là ông cáu, mặt sắt hẳn lại, ra chiều giận tôi lắm lắm. Rất may gặp đúng bữa anh con trai ông Xuân không đi biển, đã chịu khó giải thích cho tôi là cha anh muốn nói biển của mình, cái vùng biển mà ngày chưa bị tai biến ông Xuân vẫn đánh cá ấy, sóng nước rất khác, khác từ biên độ, vận tốc, chu kỳ… Thế nhưng khi tôi hỏi khác như thế nào thì chính con trai ông Xuân cũng không giải thích được. Anh bảo có những điều người ta chỉ có thể cảm nhận chứ không diễn tả được… 

3 Tôi được cơ quan cử đi học nghiệp vụ ở Hà Nội. Vèo một cái đã qua một năm. Suốt thời gian học, đúng là tôi không hề nhớ ông Xuân. Hà Nội không có biển, vậy mà tôi không hề có cảm giác thiếu vắng biển. Trên đường trở về sau khi kết thúc khóa học, tôi chỉ mong gặp vợ. Mùi da thịt của vợ tràn ngập trong tôi, lấn át mọi ý nghĩ. Và vợ tôi, hóa ra cũng chẳng khác tôi. Sau giây phút mừng vui của cả gia đình, vợ tôi lập tức dẫn bọn trẻ con sang gửi nhà ngoại. Hai vợ chồng đóng cửa khóa cổng, rút dây điện thoại, dứt khoát bảo vệ sự riêng tư của mình.

Hôm sau khi ra khỏi nhà, theo thói quen chân tôi cứ bước về phía biển. Trước mắt tôi là một hàng rào tôn che khuất hết tầm nhìn. Tôi hết sức ngạc nhiên không hiểu người ta đang làm gì. Khi tới gần, tôi thấy một tấm biển to tướng viết tiếng Anh, tôi mới hiểu đây là dự án một khu resort. Nhìn dọc bờ biển, hàng hàng lớp lớp những rào tôn, bờ tường nối đuôi nhau. Mỗi hàng rào sẽ là một khách sạn, một resort tương lai.

Tôi bỗng có một cảm giác hết sức ngột ngạt, tù túng. Tiếng sóng biển vẫn ầm ào, nhưng tôi chỉ nghe mà không thấy. Liệu tôi còn có thể nói biển của tôi, biển của chúng tôi được không? Biển chỉ cách vài bước chân, nhưng tôi không thể bước tiếp. Tôi tự trách mình quá đa cảm, nhưng không thể gạt bỏ các cảm giác của mình. Lần đầu tiên trong đời, tôi ngửi thấy mùi biển, cay cay nơi sống mũi.

Đấy là mùi cá, mùi muối, mùi mồ hôi quyện vào nhau đậm đặc trong cơn gió trái mùa. Lần đầu tiên trong đời, tôi thử tìm cách bênh vực những dự án kia, cho những người đang mua và bán. Không ai cho không ai cái gì cả. Muốn được cái này thì phải mất cái khác. Và cái mất lớn thường khi không thể nhìn thấy được ngay. Nước biển ngoài khơi hay nước biển trong bờ, ở đâu thì muối cũng mặn vậy thôi...

Nhưng những lý lẽ tôi nghĩ ra không thể thuyết phục được bản thân mình.

Thế rồi tôi nghe thấy những bước chân trên cát. Quay lại, tôi nhận ra con trai ông Xuân. Tôi cố cười thật tươi nhưng con trai ông Xuân không đáp lại. Anh báo tin cha anh đã mất và mời tôi về nhà. Tôi cố trấn tĩnh trước tin dữ. Chỉ mới một buổi sáng, tôi đã phải đối mặt với bao điều không vui.

Đợi tôi thắp nén hương cho cha anh xong, con trai ông Xuân mời tôi nán lại để anh thưa chuyện. Anh bảo những ngày cuối đời cha anh rất yếu nhưng vẫn nằng nặc đòi ra bờ biển, ngồi trên ghế, mắt trân trối nhìn những bức tường tôn, tai dỏng lên đón tiếng sóng. Khi trở vào nhà ông bảo mọi người đưa giấy bút, rồi từ đó cứ cặm cụi giờ này qua giờ khác. Vài ngày trước khi mất, ông cuộn những tờ giấy, lấy dây cao su ràng lại và dặn đưa cho tôi.

Con trai ông Xuân trịnh trọng đưa cuộn giấy cho tôi. Trong đời mình tôi đã nhận khá nhiều quà tặng khiến mình tò mò nhưng không hề hồi hộp. Lần này thì ngược lại, tôi tò mò và hồi hộp không chịu nổi. Chẳng lẽ ông Xuân đã tự học chữ để viết thư cho tôi, người bạn vong niên hằng ngày vẫn ra ngắm biển, hằng ngày vẫn ăn con nục con thu của biển mà chẳng hiểu gì về biển?

Trước mắt tôi là những bản vẽ, chính xác hơn là những bức tranh, giống hệt tranh của những lũ trẻ tuổi mẫu giáo. Những nét nguệch ngoạc, run rẩy, khi đậm khi nhạt. Đúng là không viết được thì vẽ. Viết và vẽ đều là phương tiện thông đạt của con người.

Tôi lần lượt lướt mắt qua những bức tranh. Chúng đều hao hao nhau, phía trên là sóng biển, phía dưới là đáy biển có những con cá đang bơi, cả rong và san hô. Tôi nói với con trai ông Xuân rằng tôi không hiểu ý nghĩa những gì ông Xuân muốn gửi gắm. Anh bảo giờ anh đã có thể giải thích cho câu hỏi của tôi năm trước. Đấy là sóng biển! Sóng biển không chỉ sinh ra từ những gì phía trên mặt nước mà còn bởi cấu tạo dưới đáy biển. Cùng một cấp gió nhưng do đáy biển khác nhau, sóng có thể khác nhau.

“Đây này, cha tôi vạch đôi tờ giấy, một bên đáy bằng phẳng, một bên đáy gồ ghề. Bên này sóng lăn tăn, bên kia sóng có ngọn. Cả đời đi biển, chỉ cần nhìn qua con sóng là cha tôi đã nhận ra đâu là biển của mình, biển mà tổ tiên đã hy sinh cả mạng sống để giữ cho đời sau. Nên ông sẽ không để mất nó cho bất kỳ kẻ nào khác!”.

Tôi lặng người, chẳng nói nên lời. Ông Xuân câm không cần đến máy định vị để biết đâu là biển của mình. Chỉ những người một lòng một dạ với biển mới hiểu được căn nguyên cội nguồn của sóng. 

Truyện ngắn của Hoàng Trọng Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.