Kiểm tra xí muội, táo tàu Trung Quốc chứa chất độc

27/04/2012 17:33 GMT+7

(TNO) Ngay sau khi xuất hiện thông tin xí muội, đào khô, táo tàu... Trung Quốc chứa chất cực độc, cơ quan chức năng tại TP.HCM đã khẩn trương thành lập các đoàn kiểm tra.

Sáng 27.4, theo ghi nhận của chúng tôi tại một số chợ, khi được hỏi nguồn hàng xí muội, táo tàu... đang được bày bán xuất xứ từ đâu, phần lớn các tiểu thương tại chợ Bà Chiểu, Thị Nghè (Q.Bình Thạh), Tân Định (Q.1)... đều cho biết, hàng được lấy từ Đà Lạt (?).

Tại chợ Bà Chiểu, mặt hàng được bày bán phổ biến nhất là táo tàu, hồng sấy, nho khô, mơ sấy đủ màu sắc… Đa số những mặt hàng này đều được đóng gói trong các loại bao nilông cỡ lớn, hoặc các hũ thủy tinh, bên ngoài chỉ ghi tên, giá bán mà không ghi rõ xuất xứ, cơ sở sản xuất, hạn sử dụng.

 

Theo Tân Hoa xã (Trung Quốc), Trung tâm kiểm nghiệm phân tích ở thành phố Bắc Kinh, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc vừa công khai tên các công ty sử dụng phụ gia vượt quá tiêu chuẩn cho phép trong các sản phẩm đào khô, xí muội, hồng khô, táo tàu... của 3 công ty lớn ở Hàng Châu. Đó là công ty Bách Di, Siêu Đạt và Linh Hâm.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, các sản phẩm đào khô, xí muội, táo tàu... của những công ty này chứa saccharin, sodium cyclamate (chất tạo ngọt); carmine, amaranth (chất tạo màu)... cao gấp nhiều lần so với quy định của cơ quan thẩm quyền.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo những chất phụ gia này có thể chuyển hóa thành chất cực độc gây ra bệnh ung thư, thoái hóa gan, não...

Tiểu thương ở các chợ đều tỏ ra dè chừng khi được hỏi về xuất xứ hàng hóa.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thảo, chủ sạp hàng bánh mứt chợ Bình Tây (Q.6) nói: “Tiểu thương ở đây đã tạm ngưng nhập mặt hàng xí muội, táo tàu, hồng khô... xuất xứ từ Trung Quốc sau khi báo chí loan tin bên Trung Quốc phát hiện chất cấm trong những sản phẩm này. Hiện nay, các tiểu thương đã thay thế nguồn hàng từ Trung Quốc bằng hàng nội địa và các loại mứt nội có xuất xứ từ Đà Lạt”.

Trả lời về việc các mặt hàng xí muội, hồng khô, táo tàu xuất xứ từ Trung Quốc hiện có đang được bày bán ở chợ hay không, ông Nguyễn Thanh Bình, cán bộ Ban quản lý (BQL) chợ Bình Tây cho hay, các tiểu thương tại chợ có quyền tự do kinh doanh các mặt hàng theo chức năng.

BQL chợ chỉ có chức năng khuyến cáo người dân không bán hàng gian, hàng giả và những mặt hàng bị cấm lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, những mặt hàng bị các cơ quan chức năng cấm bán thì BQL chợ mới có cơ sở để xử lý.

Theo ông Bình, BQL chợ chỉ có nhiệm vụ kiểm tra hành chính về mặt hóa đơn, chứng từ; nhắc nhở tiểu thương không kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, còn về kiểm tra chất lượng thuộc về cơ quan quản lý thị trường (QLTT) và y tế. Chỉ khi các cơ quan này có khuyến cáo về chất lượng thì BQL chợ mới can thiệp.

Ông Bình nói từ trước đến giờ, QLTT kiểm tra nhiều lần mà không có khuyến cáo gì trừ một lần vào năm 2009 có lập biên bản xử phạt trường hợp bán xí muội kém chất lượng.

 Kiểm tra xí muội, táu tàu Trung Quốc chứa chất cực độc
Xí muội không rõ nguồn gốc được bày bán ở nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: Khánh Long

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online về trách nhiệm quản lý, kiểm tra chất lượng các loại thực phẩm xí muội, mứt trái cây sấy khô nhập khẩu trên thị trường, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM, cho biết: Hiện nay, theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm vừa được Chính phủ ban hành ngày 25.4, các sản phẩm thực phẩm nông sản nhập khẩu thuộc quyền quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu là thực phẩm nhập lậu thì cơ quan QLTT phải có trách nhiệm thanh tra, xử lý.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM cho biết thêm, Chi cục ATVSTP sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để nhanh chóng thanh tra, lấy mẫu xét nghiệm các sản phẩm xí muội, mứt trái cây sấy khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc, có thể "nhiễm bẩn" được bày bán tràn lan tại các chợ ở TP.HCM như báo chí đưa tin.

Ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM cho hay cơ quan QLTT tiến hành kiểm tra thường xuyên trên nhiều mặt hàng chứ không chỉ có thông tin rồi mới kiểm tra. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của QLTT là kiểm tra hóa đơn, chứng từ còn dính tới chất lượng phải kết hợp với bên y tế lấy mẫu, xét nghiệm, sau đó mới đưa ra kết quả.

Trung Hiếu - Viên An - Lê Na

>> Đề phòng ngộ độc thực phẩm mùa nóng
>> Chống chọi với những cơn bệnh của thực phẩm
>> Trừng trị hành vi sử dụng các chất cấm trong thực phẩm
>> Phát hiện 25 tấn giá chứa chất gây ung thư
>> Thực phẩm độc hại ở Trung Quốc  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.