Chụp ảnh tướng Giáp ở Trường Sơn

28/04/2012 03:27 GMT+7

Vương Khánh Hồng (ảnh), tác giả bộ ảnh về đường Hồ Chí Minh, một trong hai nghệ sĩ sắp được công nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ở bộ môn nhiếp ảnh.

Trong bộ ảnh dự giải, gồm 6 tác phẩm đen trắng chụp trên đường Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang cầm chiếc máy ảnh và đứng cùng các chiến sĩ dưới tán rừng già mang đến cho người xem một cảm giác đặc biệt.

Đó là một bức ảnh có bố cục ngang khá hoàn chỉnh, gồm bốn nhân vật, tất cả các gương mặt đều biểu cảm. Trong đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở vị trí cao nhất, tay trái cầm chiếc máy ảnh, tay phải và ánh mắt đang “nói” điều gì đó. Đây có thể là một bức ảnh rất thành công khi chụp Đại tướng trong đời thường. Vương Khánh Hồng chụp ảnh này khi theo Đại tướng đi kiểm tra đường Hồ Chí Minh ở miền Tây Trường Sơn vào mùa khô năm 1972-1973.

“Tôi muốn làm và biếu Đại tướng bức ảnh này, nhưng lần lựa mãi, giờ thì không tiện nữa rồi”, ông Hồng nói. Tác giả bức ảnh thậm chí còn nhớ tên của một người đứng cạnh Đại tướng trong ảnh: “Ông này tên là Quý, Trưởng phòng Thông tin của Bộ Tư lệnh 559, đang sống ở TP.HCM, nếu Báo Thanh Niên đăng ảnh này và tìm ra địa chỉ, tôi sẽ tặng ông ấy một tấm”.

 Chụp ảnh tướng Giáp ở Trường Sơn
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến đi kiểm tra đường Hồ Chí Minh - Ảnh: Vương Khánh Hồng

Theo nhà nhiếp ảnh Vương Khánh Hồng, Đại tướng rất tâm lý khi luôn tạo điều kiện tối đa cho người chụp ảnh, đồng thời tìm cách cho những người phục vụ, lái xe được chụp ảnh cùng mình làm kỷ niệm. “Cảm động nhất là lần Đại tướng nhờ mình chụp với người lái xe tên Thắng của Bộ Tư lệnh 559. Khi mình đến thì trời đã muộn, Đại tướng đã chờ sẵn, gọi: “Hồng ơi. Chụp cho tớ với cậu Thắng một cái, nhanh không tối mất”. Chụp xong, Đại tướng rỉ tai: “Nhớ làm cho cậu ấy, để nó có cái ảnh làm kỷ niệm”. Gặp lại dịp kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn 2009, Thắng bảo bức ảnh anh chụp với Đại tướng, em phóng to lắm, treo giữa nhà”.

Ngoài bức ảnh tướng Giáp trong giờ giải lao khi đi kiểm tra đường Hồ Chí Minh kể trên, bộ ảnh dự Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật lần thứ 3 của Vương Khánh Hồng còn có các tác phẩm Đoàn xe chở hàng vượt trọng điểm chụp một đoàn xe tải đang lao đi trong khói lửa mà người chụp phải leo lên sườn núi đầu mìn và bom nổ chậm. Ảnh Chiến sĩ gái xăng dầu Trường Sơn là chụp hai cô gái đang vác đường ống dẫn dầu bên đường 9 năm 1972. Tổ trinh sát trên đèo Tha Mé là bức ảnh chụp một khung cảnh hùng vĩ trên một cung đường phía tây Trường Sơn.

Trong suốt 7 năm chụp ảnh trên đường Hồ Chí Minh, Vương Khánh Hồng có một bộ sưu tập khá đồ sộ. Đáng nói là trong dịp kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh, ông đã tặng khoảng 1.000 tấm phim cho Bảo tàng đường Hồ Chí Minh và chỉ giữ lại một phần.

 
Ảnh: L.Q.P

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vương Khánh Hồng sinh năm 1943 tại Thái Lan, là con của một gia đình gốc Hải Lăng, Quảng Trị, hồi hương năm 1961 và làm việc trong Quốc doanh nhiếp ảnh Hải Phòng. Vương Khánh Hồng nhập ngũ năm 1968 và trở thành người chụp ảnh của Đoàn 559 đến sau năm 1975.

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.