Vẫn chưa có lời giải

25/04/2012 03:08 GMT+7

Giao thông VN đang phải đối mặt với 2 vấn đề lớn: tai nạn gia tăng và tình trạng ùn tắc nghiêm trọng ở 2 thành phố lớn. Tuy nhiên, diễn biến tại phiên điều trần do Ủy ban Pháp luật của QH tổ chức hôm qua cho thấy, vẫn chưa có lời giải sáng sủa cho những vấn đề này.

Giao thông VN đang phải đối mặt với 2 vấn đề lớn: tai nạn gia tăng và tình trạng ùn tắc nghiêm trọng ở 2 thành phố lớn. Tuy nhiên, diễn biến tại phiên điều trần do Ủy ban  Pháp luật của QH tổ chức hôm qua cho thấy, vẫn chưa có lời giải sáng sủa cho những vấn đề này.

Hoạt động của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia không có gì nổi bật ngoài việc đưa ra các con số thống kê về số vụ tai nạn, thậm chí ngay cả việc đánh giá nguyên nhân cũng bị cho là cảm tính. Đành rằng, giảm số vụ tai nạn và số người chết không thể một sớm một chiều nhưng cần phải có đánh giá một cách toàn diện và khoa học. Các “điểm đen” về tai nạn lâu nay chỉ được truyền miệng là chính mà hầu như không có những nghiên cứu mang tính khoa học của các cơ quan có thẩm quyền nhằm đưa ra cảnh báo cho người tham gia giao thông, cũng như điều chỉnh trong công tác tổ chức.

Xử lý ùn tắc giao thông, Bộ GTVT đã nhầm vai, định giải quyết vấn đề thay chính quyền 2 đô thị. Giải pháp về “lệch giờ” gần như đã thất bại. Các đề xuất về hạn chế phương tiện cá nhân không nhận được sự đồng tình.

Cấm và giới hạn không bao giờ là biện pháp thông minh. Diện tích đất dành cho giao thông của đô thị thấp (khoảng hơn 6%), điều đó đúng. Nhưng đó có phải là nguyên nhân gây ùn tắc không thì không hẳn. Đa số các quốc gia phát triển có diện tích mặt bằng dành cho giao thông khoảng 20-21% (gấp hơn 3 lần VN) nhưng số lượng xe cơ giới của họ gấp 20-30 lần VN. Có nghĩa là diện tích cho mỗi đơn vị xe cơ giới ở VN còn cao hơn ở nhiều nước khác. Chính vì vậy, một chuyên gia về hạ tầng của Nhật từng nói rằng: ùn tắc ở đô thị VN là do ý thức kém + phân luồng và tổ chức giao thông công cộng cực yếu.

Ai cũng biết, ở các nước, người dân có thể lựa chọn cho mình những loại hình khác nhau để đi lại trong thành phố như: tàu điện, xe buýt, xe đạp và thậm chí là đi bộ... Hệ thống cơ sở hạ tầng mà cụ thể là đường sá của họ được thiết kế đa dạng, điều hầu như chưa có ở VN. Các đề xuất giải quyết vấn đề giao thông thời gian qua (từ thay đổi giờ học, giờ làm, đến thu phí nhằm hạn chế phương tiện cá nhân…) đều là giải quyết hậu quả của vấn đề mà không phải nguyên nhân gốc rễ.

Giải quyết vấn đề giao thông ở Hà Nội và TP.HCM không quá khó, chỉ cần một chiến lược tổng thể, những ý tưởng thông minh phù hợp với điều kiện hạ tầng. Chẳng hạn, khi người dân thấy xe buýt là thuận tiện thì tự khắc họ sẽ từ chối xe cá nhân mà không cần bất kỳ một lệnh cấm nào của chính quyền. Tại Hà Nội, mỗi sáng, cùng giờ hơn 1 triệu trẻ em được đưa đến trường. Thay vì bố trí “lệch giờ” để giảm ùn tắc, thì nên coi việc đưa trẻ đến trường và về nhà an toàn là trách nhiệm của Bộ trưởng GD-ĐT và Bộ trưởng GTVT. Chỉ có tổ chức đưa đón chung mới giúp hàng ngàn gia đình không phải đổ ra đường vào giờ cao điểm.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.