Kỷ lục gia sở hữu trí tuệ

26/04/2012 03:46 GMT+7

Hôm nay 26.4, nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2012, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) chính thức công bố 10 kỷ lục Việt Nam trên lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Hôm nay 26.4, nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2012, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) chính thức công bố 10 kỷ lục Việt Nam trên lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

 
Bức tranh Toàn cảnh lăng Tự Đức của Bùi Văn Ngọ - Ảnh: Huỳnh Thanh Sang

Trong đó, bên cạnh 8 kỷ lục tập thể là 2 kỷ lục cá nhân được tạo lập bởi nhà khoa học Nguyễn Thị Trâm và nghệ sĩ tạo hình Bùi Văn Ngọ. 

Trí tuệ trên đồng lúa Việt Nam

Danh tiếng và uy tín của Phó GS-TS Nguyễn Thị Trâm được chính bà tạo nên bên hương thơm của những đồng lúa chín quen thuộc ở khắp vùng đồng bằng và miền núi nước ta. Một trong những thời điểm đáng nhớ trên đường chuyển giao “nghệ thuật lai giống” được giới khoa học ghi nhận là lúc bà nhượng bản quyền lúa TH3-4 với giá 700 triệu đồng cho Công ty giống cây trồng trung ương vào tháng 3.2008. Một tiếng vang khác lớn hơn tiếp đó khi bà chuyển nhượng giống lúa lai dòng TH3-3 với giá 10 tỉ đồng cho Công ty TNHH Cường Tân ở Nam Định vào tháng 6.2008. Đây là giống lai cho năng suất cao từ 6 - 7 tấn/ha, trồng trên đất ba vụ, chịu được mọi loại đất, mọi địa hình và như bà Trâm nói “là niềm tự hào của lúa lai Việt Nam”.

Bà Trâm quê gốc Hà Nam, lớn lên ở Thái Nguyên, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp năm 1968, về công tác tại Viện Cây lương thực và thực phẩm, được cố GS nông học Lương Định Của trực tiếp hướng dẫn, sau đó sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa từ 1980-1984, lại sang Trung Quốc dự khóa huấn luyện tại Trung tâm lúa lai Hồ Nam. Về nước, bà đã lai nhiều tổ hợp và tuyển chọn tìm ra được các giống lúa lai nhiều dòng mới phù hợp với điều kiện thủy thổ Việt Nam. Bà được trao Giải thưởng Kovalevskaia (năm 2000), Giải thưởng nhà nước về Khoa học và công nghệ (2005), Nhà giáo nhân dân (2008) và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (2009). Nay tuy đã nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục đóng góp trên lĩnh vực chuyên môn của mình, tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hiện đề tài luận văn tốt nghiệp cho sinh viên cao học và các nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, đứng đầu trong danh sách 10 kỷ lục Việt Nam trên lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

30 năm vẽ 1.000 bức tranh

Nghệ sĩ tạo hình Bùi Văn Ngọ nay đã 81 tuổi (sinh năm 1931 tại Sài Gòn), được Cục Bản quyền tác giả cấp 499 giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả theo thể loại mỹ thuật tạo hình như: Chân dung cô gái ở Long Sơn, Chân dung cố họa sĩ Quỳnh Dao 1, Cảnh phố hẻm Hải Thượng Lãn Ông, Cảnh nhà thờ Huyện Sĩ, Rừng tràm Bình Châu, Nấu bánh tét ăn Tết, Mưa chiều trên sông Thu Bồn, Nấu dầu tràm... Nếu muốn tìm hiểu chi tiết về danh mục này, có thể tra cứu tại hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ VH-TT-DL.

Ông Ngọ cho biết bức tranh ông dành nhiều tâm huyết để thực hiện trong 13 năm từ 1992-2005 thuộc thể loại phong cảnh là bức Toàn cảnh lăng Tự Đức với kích thước 20,10m x 2,90m, trải rộng 58,29m2. Trong vòng chưa đầy 30 năm qua, tính từ năm 1984 đến nay, ông đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh, đăng ký bản quyền tác giả với số lượng nêu trên và được xếp vị trí thứ hai trong danh sách 10 kỷ lục sở hữu trí tuệ vừa chính thức công bố sáng nay.

10 kỷ lục sở hữu trí tuệ việt nam lần thứ nhất - 2012

1. Nhà khoa học chuyển nhượng giống cây trồng có giá trị cao nhất: Phó GS-TS Nguyễn Thị Trâm

2. Tác giả đăng ký quyền tác giả tác phẩm mỹ thuật nhiều nhất: Nghệ sĩ tạo hình Bùi Văn Ngọ

3. Địa phương được cấp giấy chứng nhận GI’s (chỉ dẫn địa lý) đầu tiên tại Việt Nam: Phú Quốc

4. Địa phương đầu tiên được cấp hai giấy chứng nhận GI’s (chỉ dẫn địa lý) tại Việt Nam: Phan Thiết

5. Địa phương đầu tiên có sản phẩm cà phê được cấp giấy chứng nhận GI’s (chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa): Đắk Lắk

6. Đơn vị có phần mềm từ điển điện tử được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam: Công ty cổ phần tin học Lạc Việt

7. Đơn vị đăng ký bản quyền tác phẩm âm nhạc dưới hình thức karaoke nhiều nhất: Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận (Maseco)

8. Đơn vị sở hữu nhiều nhãn hiệu nước giải khát nhất: Tân Hiệp Phát

9. Đơn vị có phần mềm định vị dẫn đường được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực giao thông: Công ty TNHH ứng dụng Bản đồ Việt

10. Đơn vị có website nhạc đầu tiên mua bản quyền nhạc quốc tế: Công ty cổ phần NCT - tiền thân là website nhaccuatui.com.

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.