Gặp Hoàng Sa ở Lý Sơn - Kỳ 5: 50 năm lặn biển

26/04/2012 03:34 GMT+7

Có người hỏi: Sao các triều vua lại chọn dân Lý Sơn làm lực lượng chủ lực để đi Hoàng Sa mà không phải ngư dân vùng biển nào khác? Đơn giản vì dân Lý Sơn rất có kinh nghiệm trong bơi lặn và “thuộc” Hoàng Sa hơn cả.

Có người hỏi: Sao các triều vua lại chọn dân Lý Sơn làm lực lượng chủ lực để đi Hoàng Sa mà không phải ngư dân vùng biển nào khác? Đơn giản vì dân Lý Sơn rất có kinh nghiệm trong bơi lặn và “thuộc” Hoàng Sa hơn cả.

>> Kỳ 4: Bằng chứng đây! 

 
Ông Bùi Thượng bên chiếc cúp vô địch lặn toàn miền Nam năm 1963 - Ảnh: Trần Đăng

Năm 68 tuổi (2006), ông Bùi Thượng ở thôn Tây xã An Hải, đảo Lý Sơn quyết định “gác dầm chèo” dù vẫn còn thòm thèm đi biển, chấm dứt 50 năm ngang dọc Hoàng Sa, với chỉ mỗi một nghề lặn bắt hải sâm. Ông đích thị là một trong những hậu duệ xứng đáng nhất của các thế hệ tiền bối ở Lý Sơn từng ngang dọc Hoàng Sa một thời. 

Gặp nhà vô địch

Năm nay, ông Bùi Thượng bước sang tuổi 74, “về hưu” đã 6 năm “do con cái nó ngăn cản quá, không cho ra Hoàng Sa nữa chứ sợ chi cái thằng ấy!”, ông nói bằng một giọng bực bội. Chúng tôi hiểu ông ám chỉ “cái thằng ấy” là “thằng” nào rồi! Chừng như thấy “lỡ lời” vì cáu bẳn vô lý với khách lạ, ông cười xòa, rất hiền lành nhưng cũng rất trải đời sóng nước: “Hoàng Sa là đất của ông bà mình, giờ nó cướp mất, lại còn bắt bớ đánh đập, tôi già rồi chứ còn trai tráng, tôi chả ngán đâu!”. Hỏi: “Chứ chú làm gì mà không ngán bọn hắn?”. “Tôi đi biển 50 năm, chủ yếu là vùng Hoàng Sa, nhiều khi gặp cá mập, tôi giương đọc (mác) lên, nhìn thẳng vào mặt nó bằng tất cả sự quyết liệt, nó trừng mình một chặp rồi chuồn. Bây giờ, đối với “thằng ấy” cũng vậy, cứ nhìn thẳng vào mặt nó và giương mũi lao ra, chưa hẳn chúng nó bỏ đi như lũ cá mập đâu nhưng ít ra chúng cũng không dám tấn công mình”.

Hễ nhắc đến câu chuyện ra Hoàng Sa rồi gặp cá mập và bây giờ là gặp “thằng ấy”, ông cụ 74 tuổi như người sắp lên đồng vậy. Chúng tôi bèn chuyển “đề tài” khác, hẹn ông khi kết thúc câu chuyện về nhà vô địch lặn toàn miền Nam cách nay gần 50 năm, sẽ trở lại chuyện lặn ở Hoàng Sa. Ông đồng ý rồi hỏi: “Kể lại cái đận (dạo) thi lặn năm 1963 chứ gì?”. “Dạ đúng, cuộc thi lặn toàn miền Nam được tổ chức ở Lý Sơn mà chú giật cúp ấy”. Ông bảo “được rồi”, rồi bước vào gian phòng trong, lấy ra chiếc cúp màu đồng đã xỉn, đặt trước mặt khách, bảo: “Nó đấy!”.

Ông Bùi Thượng chậm rãi kể: “Đầu năm 1963, có người thông báo cho tôi rằng sắp tới sẽ có cuộc thi lặn toàn quốc (từ vĩ tuyến 17 trở vào) tại Lý Sơn để tuyển ra một đội lặn giỏi nhằm “phụng sự quốc gia”. Tôi chẳng quan tâm gì đến việc “phụng sự” ấy đâu mà chủ yếu là thử sức với đám trai tráng trên toàn miền Nam thời bấy giờ thôi. Không biết có phải vì xuất phát từ việc “lấy lòng người đẹp” đây không mà năm ấy tôi lặn một lèo đến 70 mét nước, trước sự ngạc nhiên của hàng trăm vận động viên cừ khôi khắp nơi về đây dự thi”. “Người đẹp” mà ông vừa nói chính là vợ ông bây giờ. Bà nghe ông “tán” thế, nguýt một cái rõ dài rồi lặng lẽ xuống bếp, tiếp thêm nước sôi cho chồng “hầu” khách.

Ông Bùi Thượng là người có máu hài hước. Thi thoảng ông cũng thêm chút “mắm muối” cho câu chuyện mặn mà nhưng việc ông vô địch lặn toàn miền Nam là không thêm chút “gia vị” nào. Ông chứng minh câu chuyện thật ấy bằng một chiếc cúp đang để trên bàn trước mặt khách. Rót thêm trà (có cả rượu vú nàng nữa, cứ một ly trà thì kèm một ly rượu) cho khách, ông nói: “Thực ra cũng để biết sức mình nó đến đâu thôi. Lặn thi khác xa với “lặn không thi”, tức lặn ngoài Hoàng Sa ấy”. 

Ngang dọc Hoàng Sa

Theo cha đi biển năm 18 tuổi, 50 năm sau, ông Bùi Thượng trở thành người “thuộc” vùng biển Hoàng Sa nhất đảo Lý Sơn. Hình như mọi bất trắc tai ương của nghề lặn biển đều “chê” ông vậy. Tuổi xưa nay hiếm rồi mà tay chân ông vẫn còn khá rắn chắc và vạm vỡ, da dẻ đỏ au, giọng oang oang như thời trai trẻ. “Tôi còn khỏe mạnh và sống được đến giờ là nhờ tôi biết… sợ. Dĩ nhiên là “sợ” tai nạn chứ không phải sợ cá mập với sợ “thằng ấy” đâu”. Ông mở đầu câu chuyện 50 năm ngang dọc Hoàng Sa bằng một lời khuyên có tính cảnh báo như vậy.

Lý Sơn hiện có khoảng 500-600 thợ lặn chuyên nghiệp, chủ yếu là đi Hoàng Sa và Trường Sa để lặn bắt hải sâm, đồn đột và tìm phế liệu từ những con tàu đắm. Bằng các phương tiện lặn biển thô sơ, lại cậy sức trẻ, không ít trai tráng ở hòn đảo này tàn phế suốt đời do chủ quan nên bị sức ép của nước khiến họ bị tai biến. Riêng “nhà vô địch” Bùi Thượng thì không, hầu như ông chưa gặp một trắc trở nào trong quá trình lặn biển. Ngư trường chủ yếu của ông vẫn là Hoàng Sa. Vì theo ông, ở đó có nhiều hải sâm là một lẽ, lẽ nữa là từ sâu thẳm lòng mình, đó là nơi mà ông bà mình đã từng đổ xương máu ngoài ấy nên ông cảm thấy gần gũi. Thời ông còn trai trẻ, hầu như không một hòn đảo nào ở quần đảo Hoàng Sa mà ông không biết đến. “Cho đến khi tiếp cận với vùng biển Hoàng Sa và khai thác hải sâm ngoài ấy, tôi mới hiểu vì sao từ mấy trăm năm trước, bằng các phương tiện thô sơ và đầy nguy hiểm mà ông bà mình vẫn chinh phục Hoàng Sa. Vùng biển ấy là cả một “kho” về các loài hải sản, toàn những thứ quý hiếm”, ông nói.

Trở lại với chuyện “sợ” của ông Bùi Thượng. Ông nhớ lại: “Xuống dưới đáy đại dương ở độ sâu 70 mét nước, nhiều hôm như gặp một lâu đài dưới lòng biển. Những dải san hô đủ các màu sắc, lại nghe đủ thứ âm thanh, những tưởng mình đi lạc vào cung điện nào trong truyện cổ. Có hôm hải sâm nằm la liệt, chỉ việc nhặt bỏ vô bao chứ chả cần phải lùng tìm. Nhưng chính vì quá nhiều loài hải sản quý hiếm như vậy khiến không ít người gặp nạn vì ham”. Thời ông còn trẻ, ngay cả bây giờ cũng vậy, nhiều thợ lặn không có quần áo lặn và máy thở chuyên dụng, chỉ ngậm có mỗi cái ống hơi, nối với tàu bằng một sợi dây buộc ở lưng, khi nào cần lên mặt nước hoặc gặp trục trặc thì cứ việc giật mạnh dây. Người ngồi trên tàu, cứ thế kéo thật mạnh để người dưới đáy biển trồi lên cho nhanh. Chính vì muốn “cho nhanh” ấy nên nhiều người bị đột quỵ. Kinh nghiệm của ông Thượng cho biết, cứ lên vài chục mét thì cần “dừng lại” để nghỉ, cũng là để cơ thể làm quen với áp lực của nước chứ nếu lên đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp dẫn đến tai biến là vậy. Ở Lý Sơn, năm nào cũng có năm bảy thanh niên trai tráng, dù là những thợ lặn chuyên nghiệp nhưng vẫn bị tai biến dẫn đến tàn phế suốt đời.

Năm mươi năm ngang dọc vùng biển ấy, từng thuộc sao trời, từng quen con nước như thể quen cái cốc, thuộc cái chén ở nhà mình, giờ đã gác dầm chèo nhưng ông già 74 tuổi ấy vẫn đau đáu nỗi niềm khi nhắc đến Hoàng Sa. “Nếu cho tôi trẻ lại, tôi vẫn cho mũi thuyền lao về hướng ấy”. Chợt thấy đôi mắt ông lão nhòe đi trong sương chiều khi nói xong câu đó.

Trần Đăng - Đỗ Hùng - Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.