Nguy cơ mất Cát Bà vì... bùn

24/04/2012 03:56 GMT+7

36 triệu m3 bùn đất hút lên từ khu vực xây dựng cảng Lạch Huyện, Hải Phòng sẽ đe dọa trực tiếp đến cảnh quan của cả vùng biển Cát Bà.


PGS-TS Đỗ Công Thung đang phân tích trên bản đồ về nguy cơ ô nhiễm nếu đổ 36 triệu m3 khối đất bùn ra biển - Ảnh: Hải Sâm

Tiền hậu bất nhất

Ngày 3.4.2012, để thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Đầu tư xây dựng công trình cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Bộ GTVT có thông báo do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký gửi UBND TP.Hải Phòng với nội dung: “Đề nghị UBND TP thống nhất địa điểm đổ đất nạo vét ngoài vị trí khu công nghiệp Nam Đình Vũ, có thêm phương án đổ thải ra biển để Bộ Tài nguyên - Môi trường có đủ điều kiện thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường...”. Hai ngày sau, UBND TP.Hải Phòng đã có công văn phúc đáp do Phó chủ tịch Lê Văn Thành ký thống nhất có thêm phương án đổ đất nạo vét ra biển.

 

Dự án Đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sử dụng nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Hiệp định vay vốn được hai chính phủ ký kết vào ngày 2.11.2011. Dự án gồm hai hợp phần, trong đó hợp phần A: xây dựng cơ sở hạ tầng (luồng tàu, vũng quay tàu nạo vét, đê chắn sóng, đê chắn cát...). Chủ đầu tư là Cục Hàng hải Việt Nam. Hợp phần B: xây dựng 2 bến container. Dự án có tổng kinh phí 18.627 tỉ. Dự kiến khởi công vào quý 3/2012.

P.H.S

Trước đó, vào ngày 18.11.2011, chính UBND TP.Hải Phòng tại công văn báo cáo Thủ tướng về phương án đổ đất bùn của dự án trên đã đánh giá: phương án đổ đất nạo vét ra ngoài biển, cách luồng khoảng 16 km do đoàn tư vấn JICA (Nhật Bản) đề xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển Hải Phòng và ảnh hưởng cả đến khu vực biển Hạ Long.

Về phía Ban Quản lý dự án hàng hải 2, thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, trong báo cáo ngày 14.11.2011 cũng cho rằng nếu đổ đất bùn ra biển tuy thời gian thi công ngắn, kinh phí thấp nhưng có mức độ rủi ro về ảnh hưởng tác động môi trường rất lớn, đồng thời không tận dụng được đất nạo vét để phục vụ công tác san lấp. Do vậy TP. Hải Phòng đề xuất phương án đổ bùn tại hai vị trí là khu vực sau đê chắn sóng của hai bến container và khu công nghiệp Nam Đình Vũ.

Đây là phương án có ưu điểm do tận dụng được khoảng 36 triệu m3 đất để san lấp, tạo mặt bằng từ 700 đến 1.000 ha đất sử dụng vào mục đích phát triển các dịch vụ phục vụ cho cảng container khi đi vào hoạt động. Ngày 9.12.2011, Bộ GTVT cũng đã có  thông báo  xác định vị trí đổ đất nạo vét tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ là vị trí ưu tiên số một và đồng ý với đề xuất của UBND TP.Hải Phòng.

Phương án đổ bùn thải vừa đảm bảo không ô nhiễm môi trường, vừa tận dụng được bùn để san lấp mặt bằng tưởng đã được Bộ GTVT thống nhất, không hiểu sao mới đây Bộ GTVT và UBND TP.Hải Phòng lại bổ sung thêm phương án đổ bùn ra biển. Điều này khiến nhiều nhà khoa học và người dân Hải Phòng không khỏi lo lắng.

Hạ Long, Cát Bà bị đe dọa

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS khoa học chuyên nghiên cứu về sinh thái biển Đỗ Công Thung cho biết nếu đổ đất bùn nạo vét ra biển, thì trong quá trình đổ thải sẽ gây ô nhiễm, làm tăng độ đục của nước biển. Chưa kể khi vận chuyển sẽ tạo sóng gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đến các dải san hô vốn rất quý ở khu vực Cát Bà. 36 triệu m3 đất bùn là khối lượng khá lớn, khi đổ xuống sẽ loãng ra, sóng gió sẽ hòa tan chảy đi nơi khác.

Cũng theo ông Thung, việc đổ đất bùn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Cát Bà bởi loại bùn ven bờ này chứa nhiều chất ô nhiễm sẽ làm hỏng bãi giống vốn có ở khu vực này, trong khi khu vực này có giá trị về mặt toàn cầu, đang trong quá trình nỗ lực để được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Chưa kể việc đổ đất bùn còn ảnh hưởng đến vịnh Hạ Long. Ông Thung nói: “Theo tôi, tốt nhất là không nên đổ bùn ra biển, nếu đổ ở khu vực trên, Hải Phòng sẽ mất Cát Bà”.

Phạm Hải Sâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.