Những ngày không mờ nhạt

23/04/2012 08:44 GMT+7

1 Ông Đinh Hồng Hải là doanh nhân. Sau những cuộc họp ở công ty, sau những bản hợp đồng trên thương trường, ông lại “mất tích” một thời gian.

1 Ông Đinh Hồng Hải là doanh nhân. Sau những cuộc họp ở công ty, sau những bản hợp đồng trên thương trường, ông lại “mất tích” một thời gian.

Thỉnh thoảng người này người kia gọi điện, ông bảo mình đang ở rất xa và thực hiện một cuộc hành trình riêng. Cuộc hành trình đó bắt đầu từ cách đây năm năm, nơi đến là hơn 500 nghĩa trang liệt sĩ của 63 tỉnh thành, những vùng đất, những cung đường một thời đạn bom khói lửa trên khắp đất nước. Cùng những người bạn, ông đến để viếng thăm những chiến sĩ đang nằm yên nghỉ ở đó, thắp cho họ nén nhang, mời họ điếu thuốc, viên kẹo hay những vắt cơm nắm muối vừng, đọc thơ và hát những ca khúc một thời đã thôi thúc họ ra trận.

Khởi nguồn từ chút suy ngẫm riêng tư của một người con có cha từng là bộ đội Trường Sơn năm xưa, những chuyến đi của ông gần như là lặng lẽ. Nhưng gần đây ông đã biến những suy ngẫm riêng đó thành một nguồn cảm xúc chung của nhiều người, khi đưa ra ý tưởng thực hiện những đêm thơ nhạc mang tên Trường ca đỏ. Chương trình đầu tiên diễn ra tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Phước cách đây hai năm đã tạo nên một sự xúc động lớn khi cộng hưởng những âm bản khát vọng của 4.500 người lính Trường Sơn, người lính tình nguyện trên nước bạn Lào, Campuchia.

 
Ca sĩ Đăng Dương và Trọng Tấn với ca khúc Đồng đội trong chương trình Trường ca đỏ - ước vọng xanh - Ảnh: Scott Green

Và chương trình thứ hai với tên Trường ca đỏ - ước vọng xanh vừa diễn ra tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM tối 21-4, một lần nữa mang đến một không gian linh thiêng và thấm đẫm chất nghệ thuật khi những lời thơ, tiếng hát của một thời hào hùng lại vang lên. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Thanh Hoa, NSND Thu Hiền, NSND Trung Ðức, NSƯT Tạ Minh Tâm, NSƯT Việt Hoàn, ca sĩ Trọng Tấn, Thanh Thúy, Siu Black... đã có mặt từ rất sớm để chuẩn bị cho tiết mục của mình. Những ca khúc đi cùng năm tháng, những ca khúc đi dọc một chiều dài đất nước - rất tự nhiên, đã khiến khán giả tại chỗ vỗ tay nồng nhiệt mà không cần phải đợi MC nhắc khéo để truyền hình có góc quay đẹp.

2. Scott Green là người Anh, 27 tuổi. Tối hôm đó, anh theo một người bạn đến dự Trường ca đỏ. Sự có mặt của một chàng trai trẻ phương Tây tóc vàng mắt xanh ngay giữa không gian một nghĩa trang liệt sĩ, giữa hương khói và những bản nhạc trầm hùng đã làm nhiều người ngạc nhiên.

Với máy ảnh trên tay, Scott đã ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt khi những ngọn nến được thắp trên hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ, khi bát hương chính đột nhiên bốc lên ngọn lửa lớn, khi ánh sáng vàng vọt của đèn đêm phản chiếu lên tượng đài Mẹ VN anh hùng, khi các nghệ sĩ Việt bước ra sân khấu trong những chiếc áo dài hoặc áo bộ đội. Ðang học tiếng Việt nên khi nghe đến ca khúc Ðồng đội có câu: “Còn tôi mong sao bao ngày tôi đang sống. Sẽ không bao giờ mờ nhạt mai sau”, Scott nói rằng mình rất thích.

Anh bảo: “Tôi chưa từng trải qua chiến tranh, cũng không chắc mình có thể làm được điều gì lớn lao nếu một ngày nào đó nó xảy ra với tôi. Nhưng tuổi trẻ của mỗi đời người chỉ có một lần, làm thế nào để như câu hát đó, rằng những ngày đang sống sẽ không mờ nhạt và vô nghĩa, là điều mà tôi luôn mong muốn!”.

3. Cậu bé ba tuổi Trần Nguyễn là một công dân nhí của quận 9 (TP.HCM). Cậu được ba mẹ và bà đưa đến xem buổi ca nhạc Trường ca đỏ. Cậu bé hiếu động nên không chịu ngồi yên mà cứ loay hoay đụng người này, bắt chuyện với người kia. Scott chụp cho cậu bé vài tấm ảnh rồi hỏi chậm rãi bằng tiếng Việt: “Lớn lên cháu thích làm gì?”. Cậu liền nhanh nhảu trả lời: “Cháu thích làm chú bộ đội!”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.