Rực rỡ thế giới bị phù phép

22/04/2012 03:53 GMT+7

Rực rỡ và mê hoặc, vở nhạc kịch Đứa trẻ và những đồ vật bị phù phép mang đến bài học nghệ thuật cho người lớn qua câu chuyện tưởng như chỉ dành cho thiếu nhi. Trong cả hai đêm diễn 18 - 19.4, khán giả đến kín Nhà hát Lớn Hà Nội.

Rực rỡ và mê hoặc, vở nhạc kịch Đứa trẻ và những đồ vật bị phù phép mang đến bài học nghệ thuật cho người lớn qua câu chuyện tưởng như chỉ dành cho thiếu nhi. Trong cả hai đêm diễn 18 - 19.4, khán giả đến kín Nhà hát Lớn Hà Nội.

Câu chuyện của Đứa trẻ và những đồ vật bị phù phép khá đơn giản. Một em bé bị mẹ phạt vì không làm bài tập đã trở nên ngang bướng, phá phách đồ vật trong nhà. Em ném vỡ chén sứ, ấm trà, tra tấn con sóc, kéo đuôi con mèo, xé sách vở, cời than đang cháy, phá hỏng đồng hồ quả lắc.

Đột nhiên, những đồ vật đó bỗng như bị phù phép, đi lại, nói năng hoạt bát rồi đòi trừng trị em. Hối hận, đứa trẻ chăm sóc một chú sóc bị thương vì những hỗn loạn đó. Những đồ vật kia thấy vậy tha thứ cho em, đưa em về với mẹ.

Chuyện chỉ có vậy nhưng sân khấu Nhà hát Lớn được chứng kiến một đại dạ tiệc màu sắc. Những chiếc ghế bọc nhung kem, nhung đỏ mướt mượt đi đi lại lại. Chiếc đồng hồ được bọc bằng vải nhưng mang lại hiệu ứng như những miếng gỗ lâu năm. Cuốn sách lớn bìa da nâu như một tủ quần áo bỗng mở ra để từ đó xuất hiện nàng công chúa váy trắng tinh trong cổ tích. Những chú cá mang đỏ, những chú ếch xanh lá đi đâu cũng nhảy hàng đàn. Chuồn chuồn cánh mỏng ánh xanh. Bướm tiên cánh voan đủ bảy sắc cầu vồng.

 
Các nghệ sĩ tham gia đêm diễn - Ảnh: Trịnh Tiến 

Không chỉ là hình thể, mỗi nhân vật đều có tiếng nói bằng âm thanh vô cùng tương xứng. Chú ếch con có giọng nói nhịp nhanh và lắp bắp như tiếng ôm oam ộp oạp của những chú ếch thông thường. Cô mèo lại có động tác bò toài người rồi ngoao ngoao. Bạn sóc nhỏ có tiếng nói lích chích như thể vừa nói vừa gặm hạt dẻ. Ngọn lửa và chim họa mi mang giọng nữ cao vút. Tiếng chú chuồn chuồn rì rì thể hiện qua giọng nữ trung…

Sân khấu của đêm diễn không phức tạp. Chiều sâu không gian được tạo ra chủ yếu bằng nhiều lớp diễn viên được bố trí thật khéo léo. Chẳng hạn, những cô chú mục đồng chăn cừu đi vòng tròn cả trước và sau tấm mành voan khiến người ta có cảm giác rất nhiều người đang đi qua sân khấu. Những chú ếch không dàn hàng ngang mà cụm thành từng nhóm nhỏ, nhảy luân phiên khiến sân khấu như chật lại, đông hơn.

Vở diễn là một trải nghiệm lạ với khán giả Việt vì nửa đầu của nó là phần nhạc không lời. Trong suốt thời gian mấy chục phút đó, chỉ có nhạc công chơi dưới hố nhạc, còn sân khấu chưa kéo màn lên.

Đề tài thơ trẻ, câu chuyện giáo dục không phức tạp của Maurice Ravel sáng tác từ đầu thế kỷ 20 được các nghệ sĩ Pháp dựng thành đêm diễn đầy cảm hứng. Khuôn mặt khán giả người lớn giãn ra trong niềm hân hoan tưởng lâu rồi không lặp lại. Tiếng khán giả nhí reo vui xen lẫn âm nhạc trong suốt vở diễn hứa hẹn lòng yêu sân khấu của các em rồi còn tiếp tục được nuôi dưỡng.

Nhưng Đứa trẻ và những đồ vật bị phù phép cũng gợi nỗi chạnh lòng khi sân khấu cho trẻ em tại nước ta nhìn chung vẫn còn sơ sài, thẩm mỹ màu sắc lòe loẹt, lời thoại đôi lúc còn tự nhiên chủ nghĩa.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.