Khó như vào mầm non công lập

21/04/2012 03:29 GMT+7

Ở những thành phố lớn như TP.HCM, tìm một chỗ học cho con ở trường công lập phù hợp không phải là chuyện dễ dàng.

Ở những thành phố lớn như TP.HCM, tìm một chỗ học cho con ở trường công lập phù hợp không phải là chuyện dễ dàng.

 

Trường mầm non công lập luôn quá tải - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Lo lắng từ khi năm học chưa kết thúc

Còn hơn 4 tháng nữa năm học mới bắt đầu nhưng nhiều phụ huynh đã đôn đáo đi tìm chỗ cho con trong trường mầm non công lập.

 

Chuyện thiếu trường, thiếu lớp, sĩ số quá đông là hoàn toàn có thật. Đặc biệt là những trường mầm non đã đạt chuẩn quốc gia thì nhiều năm nay đều phải “phá” chuẩn

Bà NGUYỄN THỊ KIM DUNG Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM

Chị Nguyễn Hà Thành (chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú) đang vô cùng lo lắng tìm chỗ học cho bé trai hơn 2 tuổi của mình vì ở địa bàn phường cư trú không có trường mầm non. Đành phải sang các phường xung quanh hỏi nhưng chưa trường nào trả lời mà đều nói là phải chờ đến tháng 7.

Gần một năm nay, chị Nguyễn Thị Tha ở P.8, Q.5 xin nghỉ việc ở nhà để trông con gái hơn một tuổi. “Đến tháng 7 này là cháu tròn 2 tuổi mới mong đi gửi trường mầm non được. Mấy ngày vừa rồi qua trường mầm non phường nhưng các cô đều hẹn đến tháng 7 nộp hồ sơ rồi nhà trường xét. Chứ giờ không hứa trước vì học sinh đông quá”, chị kể lại với giọng lo lắng.

Càng đạt chuẩn, càng quá tải

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, thừa nhận: “Chuyện thiếu trường, thiếu lớp, sĩ số quá đông là hoàn toàn có thật. Đặc biệt là những trường mầm non đã đạt chuẩn quốc gia thì nhiều năm nay đều phải “phá” chuẩn”. Bà Dung cho biết: “Số lượng trường công của TP.HCM chỉ mới đáp ứng được 50% nhu cầu cho trẻ vào học. Sĩ số ở các trường công đã lên tới 50 trẻ/lớp, đặc biệt có những trường ở quận nội thành sĩ số còn cao hơn nhiều”.

Đạt chuẩn quốc gia từ năm 2005, Trường mầm non 19.5 được xây dựng với quy mô nuôi dạy 650 trẻ nhưng vài năm trở lại đây, số trẻ của trường luôn xấp xỉ 1.000. Như vậy, sĩ số lớp gần gấp đôi chuẩn sĩ số theo quy định. Ở khối lớp chồi và lá hơn 60 trẻ/lớp trong khi quy định là 35. Là một trong những quận có nhiều trường công lập nhất, mỗi phường đều có từ 1 - 2 trường nhưng quận 1 cũng không tránh khỏi tình trạng quá tải sĩ số. Đặc biệt ở 3 trường đạt chuẩn quốc gia là Bé Ngoan, Bến Thành và 20-10 đều có sĩ số hơn 50 trẻ/lớp.

Hằng năm, quận Tân Phú trung bình có thêm 800 - 900 trẻ đến tuổi học mầm non nhưng số trường không tăng. Hầu như trường nào cũng quá tải, sĩ số dao động từ 50 - 55 trẻ/lớp. Bà Chung Bích Phượng - Phó phòng GD Q.Tân Phú, thông tin: “Hiện quận có 34.673 trẻ trong độ tuổi từ 1 - 6 và có 5.768 trẻ đang học ở 10 trường công lập. Dù đang thực hiện phổ cập trẻ 5 tuổi nhưng quận chỉ có 1.907/6.030 trẻ được vào công lập”.

Trường công vốn đã thiếu thốn nay lại càng gặp nhiều khó khăn khi hầu hết phụ huynh đều có tâm lý e ngại gửi con vào trường tư, nhóm trẻ gia đình. Bà Kim Dung cũng thừa nhận: “Chất lượng của hệ thống trường ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình chưa đồng đều. Phòng học chật hẹp, thiếu ánh sáng, không có sân chơi, tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Xây thêm trường, biết nhưng không dễ

Việc thiếu trường, lớp ngày một trở nên trầm trọng vì đất đai chỉ có vậy trong khi dân số phát triển không ngừng.

Phó phòng giáo dục phụ trách mầm non của một quận nội thành TP.HCM cho biết: “Chủ trương xã hội hóa mầm non đang khó khăn do quỹ đất dành cho mầm non chỉ có 30% trong tổng số đất dành cho giáo dục. Vốn thì vướng nghị định của chính phủ về việc cắt giảm đầu tư công. Tiếp đến giờ lại thực hiện phổ cập trẻ 5 tuổi. Toàn là những quy trình ngược, đẩy cái khó vào một thế không còn cách nào để giải quyết. Chả nhẽ nhận trẻ 5 tuổi rồi đẩy trẻ nhỏ ra ngoài công lập. Như vậy có ác không?”.

Theo quy hoạch mạng lưới trường lớp của TP.HCM, đến năm 2020 sẽ thực hiện việc hoán đổi hoặc thanh lý điểm trường lẻ để đầu tư vào xây dựng chỗ học mới đạt chuẩn hơn. Chủ trương như vậy nhưng thực hiện không dễ. Lãnh đạo phòng giáo dục một quận cho hay: “Muốn hoán đổi nhưng tìm đất chưa ra vì phải đảm bảo nguyên tắc trường của phường nào thì xây trên địa bàn phường đó để giải quyết cho con em nhân dân chính địa bàn. Trong khi đó, ở khu dân cư hiện hữu thì rất khó có một khu đất trống, đủ diện tích để xây dựng”.

Là người quản lý bậc học này ở TP.HCM, bà Kim Dung khẳng định: “Không còn cách nào khác là phải nhanh chóng xây dựng trường học. Số lượng trường mới cần bằng khoảng 2/3 số trường công đang hiện có. Nhất là các quận, huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất, có nhiều khu dân cư, tình trạng thiếu trường, lớp vô cùng trầm trọng. Công nhân lương thấp chỉ có thể gửi con ở nhóm trẻ gia đình, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ giáo viên chưa tốt”.

2.500 tỉ đồng xây dựng trường lớp

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, quy mô giáo dục mầm non tại TP.HCM luôn phát triển mạnh, số trẻ đến lớp tăng nhanh qua mỗi năm, song mạng lưới trường lớp chưa đủ để huy động trẻ ra lớp đồng đều giữa các quận, huyện. Số lượng trường lớp công lập của TP chỉ đáp ứng việc thu nhận 70% tổng số trẻ 5 tuổi, 30% còn lại học ở các trường tư thục. Riêng các quận mới, số lượng trường công lập chỉ đáp ứng thu nhận dưới 50%, các huyện ngoại thành còn nhiều điểm lẻ không đủ điều kiện tổ chức học 2 buổi/ngày.

Hiện vẫn còn 12 phường, xã chưa có trường mầm non công lập. Các khu chế xuất và khu công nghiệp chưa có trường mầm non phục vụ cho trẻ em là con của công nhân. Ở các huyện ngoại thành, tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày còn thấp (H.Cần Giờ 40,72%, H.Củ Chi 49,02%, H.Bình Chánh 60,54 %).

Bà Trần Thị Kim Thanh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “ UBND TP đã chấp thuận thực hiện 3 dự án đầu tư với tổng kinh phí hơn 2.700 tỉ đồng, trong đó dành khoảng 2.500 tỉ đồng xây dựng trường lớp”.

Bà Thanh cho rằng sở đang tích cực phối hợp với các quận, huyện khẩn trương củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp, bảo đảm đến năm 2013, có 100% số trẻ em 5 tuổi được học 2 buổi/ngày như mục tiêu đã đề ra. Hiện đã có nhiều dự án xây dựng cơ sở trường lớp nhằm giảm tải cho bậc học mầm non tại các quận, huyện đã hoàn tất về mặt thủ tục đầu tư nhưng chưa thể triển khai được vì thiếu vốn.  

Đình Phú

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.