Tái cấu trúc kinh tế cần bao nhiêu tiền?

19/04/2012 10:08 GMT+7

(TNO) Phát biểu thảo luận về Đề án tái cấu trúc kinh tế do Chính phủ trình tại phiên họp Ủy ban TVQH sáng nay 19.4, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế là gì, vì chi phí này rất quan trọng.

(TNO) Báo cáo Đề án tái cấu trúc kinh tế của Chính phủ do Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền Thủ tướng trình tại phiên họp Ủy ban TVQH sáng nay 19.4, đã nêu rõ tình hình thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay, các nội dung trọng tâm tái cấu trúc kinh tế cũng như các giải pháp đề ra để thực hiện.

>> Tái cấu trúc nền kinh tế bắt đầu từ doanh nghiệp nhà nước
>> Đừng để quá chậm
>> Độc quyền vốn và lãi suất

Tái cấu trúc kinh tế cần bao nhiêu tiền?
Quá trình tái cấu trúc ngân hàng đòi hỏi phải chuẩn bị nguồn kinh phí lớn - Ảnh: D.Đ.Minh

Trong 13 nhóm giải pháp đề xuất thực hiện tái cấu trúc kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; chuyển dần điều hành chính sách tiền tệ sang chủ yếu bằng các công cụ thị trường, tiến tới điều hành theo lạm phát mục tiêu với mức lạm phát từ 4 - 6%/năm trong trung và dài hạn.

Chính phủ cũng cho hay sẽ chủ động thực hiện chính sách tài khóa “nghịch chu kỳ” (tức là huy động và phân bổ vốn từ người tiết kiệm sang người đầu tư, và chuyển dịch vốn từ ngành và DN kém hiệu quả sang các ngành và DN có hiệu quả cao hơn, giảm dần lệ thuộc của nền kinh tế vào vốn vay, tăng tương ứng tỷ trọng vốn đầu tư cổ phần), giảm chi tiêu của Chính phủ trong thời kỳ tăng trưởng cao, ổn định, qua đó giảm bội chi ngân sách, tạo dư địa và khả năng mở rộng chi tiêu kích cầu hoặc xử lý biến động bất thường khác trong thời kỳ kinh tế suy giảm.

Một số giải pháp đáng chú ý khác là tăng cường kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý ngân sách, kiểm soát chặt chẽ nợ công và giữ vững an ninh tài chính quốc gia… Xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra và đánh giá hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, cá nhân đại diện thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại DN…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu sau đó đã báo cáo một số ý kiến của cơ quan thẩm tra về đề án này.

Theo ông Giàu, một số ý kiến thường trực ủy ban đồng tình với các nhóm giải pháp Chính phủ đã nêu, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng các nhóm giải pháp này “chưa có sự gắn kết với nhau cũng như chưa thực sự đồng bộ, gắn kết với các đề án cơ cấu ngành, lĩnh vực và thiếu các giải pháp mang tính xã hội”. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề xuất bổ sung, chú trọng thêm những giải pháp để đảm bảo thực hiện quá trình tái cấu trúc thắng lợi.

Chẳng hạn, về nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh: “Để thực hiện cải cách thể chế hiệu quả, cần nhấn mạnh trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, nâng cao chất lượng chính sách và năng lực điều hành của các cơ quan nhà nước và cải thiện tính công khai, minh bạch của chính sách”.

Với nhóm giải pháp liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường tài chính, cơ quan thẩm tra đề nghị cần có lộ trình phù hợp để thực hiện tái cơ cấu thị trường tài chính, cụ thể trong giai đoạn từ 2012 - 2015, tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, quan điểm nhất quán là phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền, gắn quyền lợi với trách nhiệm của chủ sở hữu, làm rõ và xử lý những người chịu trách nhiệm về những sai phạm trong kinh doanh.

Giai đoạn 5 năm kế tiếp, song song với việc thực hiện hiệu quả đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam, phát triển thị trường vốn giảm dần việc huy động đầu tư chủ yếu từ tín dụng ngân hàng, bao gồm cả thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu (trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp)…, cần đặc biệt chú trọng phát triển phân khúc trái phiếu Chính phủ nhằm điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia và tạo điều kiện cho dòng vốn luân chuyển dễ dàng hơn.

Về chính sách tài khóa, Ủy ban Kinh tế đề nghị “phải có chiến lược nợ Chính phủ và nợ quốc gia rõ ràng; những điều kiện bảo đảm hiệu quả trong đầu tư; khả năng trả nợ hằng năm cả về tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ”. Đồng thời, phải tuân thủ nguyên tắc chi phí cơ hội và tính đồng bộ trong đầu tư; chi tiêu nhà nước thật sự tiết kiệm; cơ chế phân bổ vốn đầu tư minh bạch cũng như cơ chế giám sát dòng vốn đầu tư chặt chẽ.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị chỉ nên khoanh gọn mục tiêu đề án tổng thể tái cấu trúc kinh tế, tập trung vào 2 nội dung chính, một là tái cơ cấu phải đáp ứng được nền kinh tế phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững ở mức độ cao hơn. Hai là tái cơ cấu phải tạo ra được cơ cấu kinh tế hợp lý về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, khu vực kinh tế vùng miền, ngành… hợp lý để hướng tới mục tiêu CNH - HĐH vào năm 2020.

Kiến nghị phải làm rõ những giải pháp mang tính đột phá trong thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt ở 3 lĩnh vực trọng tâm là ngân hàng, đầu tư công và DNNN, cũng như vai trò quản lý của Nhà nước ở mức độ nào khi nền kinh tế đi theo quy luật thị trường, ông Hiển nhấn mạnh sự cần thiết phải có giải pháp khắc phục được căn bệnh thừa tiền của nền kinh tế.

“Cơ cấu lại nền kinh tế bằng 2 bàn tay thị trường và Nhà nước nhưng thị trường là chính thì khi cơ cấu lại thị trường tài chính nói chung phải khắc phục được căn bệnh thừa tiền, phải chuyển dịch được nguồn lực tài chính từ nơi không hiệu quả sang nơi hiệu quả”, ông Hiển đề nghị.

Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị bổ sung thêm vào đề án theo hướng tái cấu trúc kinh tế không thể tách rời vấn đề xã hội. Để tái cấu trúc hiệu quả, cần tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo đột phá nhưng trong đề án chưa thấy làm đậm nét khía cạnh này.

Cũng theo bà Mai, đề án nêu 3 tiền đề trọng tâm để tái cơ cấu là ngân hàng, đầu tư công và DNNN, nhưng cần làm rõ nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế là gì, vì chi phí này rất quan trọng.

“Ở các nước, họ sử dụng chi phí phục vụ cải cách kinh tế để vượt qua khủng hoảng có khi lên tới 5 - 10% GDP. Chi phí cho tái cấu trúc kinh tế của ta cần bao nhiêu phải làm rõ, từ chi phí ngân sách nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp, nguồn lực xã hội”, bà Mai đề nghị.

Ngoài ra, theo bà Mai, Đề án cần làm rõ vai trò của Nhà nước với tư cách là tổng chỉ huy, nhạc trưởng điều hành, điều phối thực hiện quá trình tổng thể tái cấu trúc. Tương tự việc cần làm rõ vai trò nòng cốt của DNNN trong toàn bộ đề án tổng thể này là gì cũng như mức độ đóng góp của lực lượng này đối với quá trình tái cấu trúc.

Muốn đề án tổng thể này phải định hình rõ hình dáng của một nền kinh tế sau khi thực hiện tái cấu trúc ra sao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị làm rõ thêm trong đề án là nếu thực hiện đúng giải pháp đặt ra với mục tiêu như đã nêu thì “tác động của nó đối với nền kinh tế trong trung và dài hạn sẽ như thế nào. Chẳng hạn sau 5 năm triển khai, dự báo mục tiêu đạt được sẽ khoảng 50 hay 70%?...”.

Bảo Cầm

>> Tái cơ cấu nguồn nhân lực trong khó khăn
>> Các tập đoàn "đua" tái cơ cấu
>> Ngân hàng chờ "trát" hạn mức tín dụng
>> Thực hiện giá thị trường với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.