Lòng tốt ở đời

16/04/2012 08:26 GMT+7

Sáng 15-4 tại TP.HCM, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam và báo Thanh Niên phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Lòng tốt trong cuộc sống”. Rất đông bạn trẻ và những người có ảnh hưởng xã hội đã đến dự.

Sáng 15-4 tại TP.HCM, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam và báo Thanh Niên phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Lòng tốt trong cuộc sống”. Rất đông bạn trẻ và những người có ảnh hưởng xã hội đã đến dự.

Khi clip ngắn về những mánh khóe của một số người ăn xin lợi dụng lòng tốt người khác được chiếu lên, hầu hết người tham dự cảm thấy “nóng ran”. Tiếp theo đó, một bà mẹ trẻ chia sẻ từng giúp một bà cụ đi xin khoản tiền còn thiếu để mua chiếc xe lăn cho đứa cháu khuyết tật. Ít lâu sau chị lại gặp hai bà cháu này bên một lề đường khác và cũng với điệp khúc cũ “còn thiếu tiền mua xe lăn”. Bà mẹ trẻ đã ngỡ ngàng...

Diễn viên điện ảnh Việt Trinh cũng tham dự buổi tọa đàm và kể: “Có lần đi trên đường thấy một thanh niên bỗng dưng giãy đành đạch, tôi đến hỏi thăm và cho ít tiền chữa bệnh. Tối đó về nhà tôi vui lắm vì giúp được một người” - chị chia sẻ. Nhưng ít lâu sau, có dịp đi ngang con đường đó chị lại bắt gặp “người xưa, cảnh cũ”. Việt Trinh cho biết cũng vì chuyện này mà cô buồn suốt mấy ngày.

Bạn Đỗ Thị Phương, học sinh lớp 11 Trường THPT Nhân Việt, cho rằng con người ngày nay thật thờ ơ, lạnh lùng, vô cảm. Đó là câu chuyện bé Duyệt Duyệt bên Trung Quốc bị nguy kịch trên đường (chiếc xe tải nhỏ cán qua người) nhưng chẳng ai để ý, cô bé được một người cứu giúp nhưng rồi cũng không qua khỏi. Tiếp lời Phương, một cán bộ Đoàn kể có lần cứu giúp một người bị nạn bên đường, sau đó bị “neo” luôn ở bệnh viện, lại còn bị công an nghi ngờ gây ra tai nạn.

Thầy Bùi Gia Hiếu - hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt - cho rằng do bạn trẻ gặp quá nhiều chuyện không hay xảy ra ngoài đời nên không ít em có tâm lý ngờ vực, mất niềm tin vào con người, ngay cả khi các em nhận được lòng tốt từ người khác. Một phần của thực trạng này là do nhà trường đặt nặng dạy chữ mà chưa chú trọng dạy người, chương trình dạy đạo đức còn nghèo nàn và cách dạy còn khô khan. Hơn thế, môi trường xung quanh các bạn trẻ còn quá ít tấm gương tốt để noi theo.

Nhiều ý kiến cho rằng dù nơi này nơi khác lòng tốt còn bị lợi dụng song lòng tốt là giá trị sẵn có trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Cũng chính vì vậy mà chị Tâm “siđa” (Trương Thị Hồng Tâm) đã chọn ngày 24-4 làm sinh nhật thay vì ngày 14-2. Người phụ nữ không nhà, không cha mẹ này chia sẻ chính vào ngày 24-4 cách đây hơn 30 năm chị đã được một nhóm nhân viên công tác xã hội kéo lên từ vũng lầy ma túy, mại dâm để sau đó vươn lên sống có ích.

Nhà báo Tố Oanh - người đeo đuổi chương trình “Ước mơ của Thúy” (báo Tuổi Trẻ), cho rằng ai chào đời cũng đã có nhu cầu được yêu thương và khi lớn lên cũng có nhu cầu thể hiện tình thương với người khác. “Ta làm việc tốt vì ai đó thì đến lượt họ lại làm như thế với những người khác” - Tố Oanh chia sẻ.

Theo TS Trần Thị Giồng, người Việt Nam rất nhạy cảm với những khó khăn, nỗi đau của người khác, vấn đề là phải khơi lên để nó sống dậy và mạnh mẽ. Muốn vậy, theo bà Phạm Phương Thảo - nguyên phó bí thư Thành ủy, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM - người lớn cần làm gương, trước hết là ông bà, cha mẹ. Bà nói: “Cha mẹ hãy thử âm thầm làm một việc tốt, như hiến máu nhân đạo chẳng hạn, thế nào rồi các con cũng sẽ biết và làm theo”.

Theo Tuổi Trẻ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.