Thả cá về sông

13/04/2012 09:11 GMT+7

Khoảng 10 năm qua, sản lượng khai thác thủy sản từ tự nhiên của An Giang đã sụt giảm hơn 50%. “Hãy chung tay giữ gìn và phát triển nguồn lợi thủy sản”. Thông điệp đó phải vang vọng, thấm đẫm dọc hai bờ sông Mekong huyền thoại để lớp cháu con sau này không phải “ngậm ngùi ngắm sông”.

Khoảng 10 năm qua, sản lượng khai thác thủy sản từ tự nhiên của An Giang đã sụt giảm hơn 50%. “Hãy chung tay giữ gìn và phát triển nguồn lợi thủy sản”. Thông điệp đó phải vang vọng, thấm đẫm dọc hai bờ sông Mekong huyền thoại để lớp cháu con sau này không phải “ngậm ngùi ngắm sông”.

 
Thả cá trên sông góp phần tái tạo, bảo tồn nguồn cá - Ảnh: T.N. 

Ngó xuống Vàm Nao

“Ngó lên Châu Đốc
Ngó xuống Vàm Nao”.

Chiếc ghe chở chúng tôi từ cồn Bình Thạnh (Châu Thành - An Giang) ngược dòng lên đầu nguồn. Căn nhà cao cẳng, đặc trưng đầu nguồn của anh Tư Thành thuộc ấp Vàm Nao, xã Tân Trung (huyện Phú Tân), bờ bên kia là huyện Chợ Mới. Trước nhà là sông, phía sau là những rẫy bắp, ấu… xanh rì, ngút mắt. Đã sống ở đây từ 1 - 2 năm sau giải phóng, nhờ chăm chỉ và đất đai khí hậu thuận lợi mà gia đình ăn nên làm ra, mấy đứa con lớn của Tư Thành đều vô đại học.

Bữa nhậu dã chiến làm quen, toàn cây nhà lá vườn; có gần chục người thì hơn nửa là dân sông nước. “Chuyện gì về cá phải hỏi Tám Hổ, thợ săn cá dọc sông Vàm Nao này. Anh Tám đọc nghe chơi mấy câu xin thầy bà gì đó mỗi khi xuống sông đi”, Tư Thành gợi ý.

Tám Hổ đã ngoài 50 tuổi, đen cháy, rắn chắc và cởi mở. Đưa ly rượu ngang môi, xoay nhẹ, đáy ly đã không còn một giọt, ngọt lịm. Đất có thổ công sông có hà bá, làm cái nghề hạ bạc phải biết tôn trên trọng dưới thầy bà mới độ và sống được. Có những “luật” bất thành văn, sống trên sông nước phải biết. “Cá vô lưới cả hai bên nhưng làm rách lưới bên nào trước thì thuộc về chủ đó…”, Tám Hổ kể vậy.

Những lát cá bông lau được xắt đều tay, rõ từng thớ thịt, trắng hồng được xếp trên dĩa lớn, nồi nước giấm dập hành hoa thơm ngậy, rau vườn xanh ngắt, củ ấu xứ cồn vừa bùi vừa giòn rồi bịch cá linh tươi rói kẹp nướng muối ớt…

Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi
Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà
” (Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa).

Cả xứ châu thổ mênh mông sông nước này không đâu “dữ dội” như sông Vàm Nao. Con sông dài gần 7km, nối liền sông Tiền với sông Hậu. Sau Phnom Penh, lượng nước qua sông Tiền gấp 4 lần qua sông Hậu, tuy nhiên từ Vàm Nao nước trên sông Hậu được bổ sung và gần xấp xỉ với lượng nước qua sông Tiền. “Ghê nhất là vào mùa nước nổi (từ tháng 7 cho đến tháng 10 m lịch hàng năm, nước Mekong đỏ ngầu, hai dòng cuồn cuộn đổ về rồi giao nhau, ầm ầm xoáy tròn ngay ngã ba sông này. Nhiều tay cứng nghề vẫn hãi hùng, không dám qua. Có du khách khoái cảm giác mạnh nhưng cũng không ai dám làm tour…”, Nguyễn Thanh Tùng, Phó ban Kinh tế kiêm phụ trách tiếp thị Trung tâm Xúc tiến du lịch Hội Nông dân An Giang cho biết.

Và chính từ đặc điểm “độc nhất vô nhị” đó mới tạo ra bao điều kỳ thú của con cá hạ nguồn Mekong. Sông sâu nước xoáy nên cá ở đây thường rất lớn (mới tháng 2 vừa qua ngư dân xã Tân Trung bắt được cá hô đen nặng đến 120kg) và cũng là “ổ cá” bông lau và cá hô, đặc sản danh tiếng châu thổ. Cá đi theo con nước đêm nên người cũng thức cùng cá; đèn trên ghe săn cá đuổi nhau dài hàng cây số. Từ xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới) tới xã Tân Trung (Phú Tân) có cả chục bến cá với hàng trăm người lưới cá bông lau. Cá hô xuất hiện từ tháng giêng đến tháng 4 m lịch, thường theo các con nước ròng. Lưới đánh cá hô “hoành tráng” hơn nhiều so lưới đánh cá bông lau: giàn lưới dài 70m, cao 12m, mắt lưới 4 - 5 tấc. Người được độ lắm mới lưới được cá hô, lập tức đổi đời bởi mỗi con nặng cả trăm ký, mỗi ký tròm trèm khoảng 2 triệu đồng.

Tái tạo nguồn thủy sản

“So với trước, chỉ chục năm thôi, lượng cá tôm đánh bắt ở đây giảm nhiều lắm rồi”, Tám Hổ khẳng định. Các chuyên gia Nhật và Ủy ban sông Mekong cũng cảnh báo “ổ cá” Vàm Nao, nơi từng có các loài cá quý hiếm, nằm trong Sách đỏ thế giới như cá heo nước ngọt (hay ông nược), cá hô và nhiều loài cá lớn khác như cá đuối, cá mập, cá ông... đang ngày càng cạn kiệt, khan hiếm, đi dần vào huyền thoại.

 
“Sản lượng khai thác thủy sản từ tự nhiên của An Giang từ 91.000 tấn năm 2000 đã tụt xuống 37.000 tấn năm 2010. Việc khai thác đã vượt quá sự phục hồi thủy sản trong vùng nước tự nhiên”. Do vậy, phải cân bằng được hệ sinh thái, bổ sung nguồn cá vào tự nhiên. Điều này đang được tỉnh đầu nguồn An Giang đặc biệt quan tâm.

Dân hạ bạc nhiều người cuốn lưới lên bờ bởi thu nhập không đủ “mua chai trét xuồng”. Bên cạnh những biến động từ thượng nguồn sông Mekong làm nguồn nước sông Vàm Nao ngày càng thấp khiến lượng thủy sản trên dòng Cửu Long sụt giảm còn do xuất hiện quá nhiều ghe cào điện; sử dụng lưới mắt nhỏ khai thác quanh năm; truy sát cá nhỏ, cá bố mẹ đang kỳ sinh sản; gia tăng lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp....

Thả cá bản địa về tự nhiên do Trung tâm Giống thủy sản An Giang phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện định kỳ hàng năm. Hơn 3,5 tấn cá thịt, 60kg cá giống, 100.000 con cá bột các loại, gồm cá tra, trê, chép, rô phi, mè vinh… và mấy ngày nữa còn có thêm hai điểm thả cá là khu vực Búng Bình Thiên và vùng bảo tồn đất ngập nước ở huyện Châu Phú.

Sự góp mặt hào hứng của các chủ cơ sở, doanh nghiệp tư nhân là tín hiệu vui cho phương châm xã hội hóa và tính cộng đồng trong việc tái tạo, bảo tồn nguồn cá. Bập bềnh trên ghe, nhìn đàn cá linh tung tăng trên khúc sông Hậu đối diện cồn Bình Thạnh, ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang và Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, tâm sự với nhiều vị đang quản lý nghề cá: Để công việc này hiệu quả, bền vững cần tuyên truyền, vận động, phối hợp rộng rãi hơn, đồng thời có các biện pháp kiểm tra kiểm soát thiết thực sau khi thả cá về tự nhiên…

Để ngư dân chủ động hơn trong nuôi trồng, hạn chế khai thác nguồn giống từ tự nhiên, An Giang đã độc lập hoặc kết hợp viện - trường nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới cho sinh sản nhân tạo thành công nhiều giống cá, lươn, chạch lấu... Cá bột và giống cá tra và ba sa trước được vớt trên sông Tiền và sông Hậu nhưng từ năm 2003 đã ra đời ngay trên “cạn”, tạo thành mũi nhọn kinh tế và vẫy vùng ra thương trường quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản An Giang còn cho biết, ngoài thành công cho sinh sản nhân tạo giống cá linh, đặc sản đồng bằng, đơn vị đang tập trung nghiên cứu tôm càng xanh, một loại thủy sản cho giá trị kinh tế cao nhưng “đỏng đảnh” theo thời vụ.

Chợt nhớ đến lời mời của Nguyễn Thanh Tùng, phụ trách tiếp thị du lịch Hội Nông dân An Giang: Nếu du khách có yêu cầu thưởng thức món cá hô lừng danh sẽ được phục vụ với giá giảm đến 20% - 30% nhờ loại cá quý hiếm này đã được nuôi thành công.

Hiện tại, ở An Giang đã có hơn 20.000 con cá hô được Công ty cổ phần Nông ngư Quốc Tế (IFACO) chuyển giao thành công mô hình nuôi cá hô trong ao. Chỉ với số lượng 2.000 con thả nuôi, sau 3 năm đạt trọng lượng bình quân khoảng 10 kg/con sẽ thu về lợi nhuận khoảng 1,4 tỷ đồng...

Hãy chung tay giữ gìn và phát triển nguồn lợi thủy sản để các thế hệ mai sau ra sông không phải “ngậm ngùi ngắm sông”.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.