Những cuộc hành trình làm nên chúng ta

13/04/2012 10:35 GMT+7

Người - Mỹ - mới tìm thấy sự thách thức và tình yêu của mình ở những con đường nghẹt thở, ở những khung trời đầy sương khói, ngột ngạt bởi những thứ axit mà nền công nghiệp thải ra, ở những tiếng rít của bánh xe và ở những ngôi nhà nằm san sát nhau... trong khi các làng mạc nhỏ thì cứ héo hắt và chết dần chết mòn".

"Người - Mỹ - mới tìm thấy sự thách thức và tình yêu của mình ở những con đường nghẹt thở, ở những khung trời đầy sương khói, ngột ngạt bởi những thứ axit mà nền công nghiệp thải ra, ở những tiếng rít của bánh xe và ở những ngôi nhà nằm san sát nhau... trong khi các làng mạc nhỏ thì cứ héo hắt và chết dần chết mòn".

John Steinbeck bị những điều đó thôi thúc nên ông lên đường rong ruổi khắp nước Mỹ ở tuổi 58 cùng với người bạn đồng hành duy nhất là con chó nhỏ có tên Charley? Hay là ông cảm nhận được chúng trên từng kilômet của chặng dài 60.000km đường đã lăn bánh? Hay cả hai hòa làm một, trong những ghi chép chân thực giàu sức nặng suy tư của ông? Thật khó mà phân tích. Chỉ biết là khó mà đặt cuốn sách xuống, khi đã đồng ý cùng "lên đường" với Steinbeck trong chuyến du hành này.

 
Sách do NXB Trẻ ấn hành, thuộc tủ sách Cánh cửa mở rộng - Ảnh: N.Khánh


Có nhiều tầng nấc khác nhau để khám phá nước Mỹ cùng nhà văn của Chùm nho uất hận, Phía đông vườn địa đàng, Của chuột và người tùy vào cảm hứng, nhu cầu, mối quan tâm của mỗi độc giả. Có thể thỏa mãn trí tò mò khi biết một ly cà phê ở New Orleans khác một ly cà phê ở New England như thế nào, thái độ của những anh hải quan biên giới ở bang nọ khác bang kia ra làm sao, và ánh mặt trời dưới chân thác Niagara đem lại niềm phấn khích không kém với việc "buôn dưa lê" với cánh lái xe tải đường dài vì sao...?

Ba tháng ròng trên những con đường nước Mỹ. Nhưng không phải của một cậu trai mới lớn bỏ nhà đi bụi, không phải một nhà thám hiểm đi tìm kho báu, không có phiêu lưu và không có những chuyện tình, không có sự hồi hộp. Chỉ có con mắt mở lớn quan sát và ghi nhận, có lồng ngực hít căng khí trời, có trái tim đập mạnh, mạch máu phập phồng huyết quản khi bánh xe lăn với tốc độ cao, và những cảm nhận đã được John Steinbeck - bậc thầy của ngôn ngữ, kể lại một cách đầy "cám dỗ".

Nó cám dỗ từ những quan sát nhỏ ở trạm hải quan, nơi một người không bao giờ mang hàng lậu như nhà văn cũng vô cớ cuộn lên một nỗi lo lắng, nó quyến rũ khi ông mơ màng nói về tâm trạng của một người lái xe một mình ban đêm: "Một người khi cô đơn sẽ đưa bạn bè của mình vào những giấc mơ trong khi lái, người thiếu vắng tình yêu sẽ làm cho quanh mình có đầy những phụ nữ đáng yêu và đang yêu, và trẻ em sẽ leo vào giấc mơ của một người lái xe không con cái".

Nó hứa hẹn ngay cả kẻ lãng du già nay thỉnh thoảng lại buột ra một kết luận đầy nghịch lý trên hành trình nước Mỹ: "Mảnh đất này, dân tộc hùng mạnh bậc nhất này hóa ra chỉ là một thế giới vĩ mô của cái tôi vi mô" và "cuộc hành trình này giống như một bữa tối thịnh soạn với nhiều món ăn, dọn ra trước mắt một người sắp chết đói".

Và, cuối cùng, dù ăn từng món hay tất cả những món trên bàn tiệc thịnh soạn của Steinbeck, điều quan trọng nhất trong cảm xúc của một người đọc là gấp sách lại, người ta thấy muốn xách balô, lên đường, dẫu không có một đất nước mênh mông dài rộng như ông, dẫu không có một chiếc ôtô và chú chó Charley làm bạn. Bởi vì, trót "quen biết" ông, thì "không phải chúng ta làm những cuộc hành trình nữa, mà những cuộc hành trình "làm" chúng ta" mất rồi.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.