Những “chòi, đạp” trong điện ảnh

12/04/2012 09:39 GMT+7

Không ít nghệ sĩ đã tìm đủ cách mở một lối ra cho điện ảnh nước nhà. Họ đã bỏ thời gian, công sức, tiền bạc vào những dự án tâm huyết.

Không ít nghệ sĩ đã tìm đủ cách mở một lối ra cho điện ảnh nước nhà. Họ đã bỏ thời gian, công sức, tiền bạc vào những dự án tâm huyết.

Năm 2011, Síu Phạm là một trong những cái tên được báo chí nhắc đến khá nhiều với bộ phim độc lập của bà, Đó hay đây, khi bộ phim trở thành bộ phim Việt Nam duy nhất tham gia LHP Quốc tế Busan trong chương trình “Những xu hướng mới”. Khi được công chiếu bán vé tại IDECAF (TPHCM) hồi đầu tháng 1 - 2012, bộ phim độc lập này cũng nhận được nhiều  lời khen từ những khán giả yêu thích dòng phim nghệ thuật, nơi phô diễn sự riêng tư về ý tưởng, kỹ thuật của tác giả. Đạo diễn Síu Phạm từng chia sẻ rằng kinh phí làm phim chỉ khoảng 200.000 USD nhưng bà đã có một tác phẩm đàng hoàng, tử tế, nói lên trí tưởng tượng, ao ước của con người trong nhân sinh, hội nhập.

 
Cảnh trong phim Mẹ và con của đạo diễn trẻ Phan Huyền My - Ảnh: Tư liệu

Nhọc nhằn theo xu hướng mới  

Tuy nhiên, không phải khán giả nào cũng thích những thử nghiệm mang đầy “xu hướng mới” của nữ đạo diễn này. Cách kể chuyện của bà có lẽ quá khó hiểu với khán giả Việt. Tranh giải Cánh diều 2011, nhưng Đó hay đây bị trôi đi nhanh chóng, không một phiếu bầu nào của giới chuyên môn dành cho phim;  nhiều khán giả bỏ về giữa chừng trong các buổi chiếu vì không chịu nổi cách làm phim quá khó hiểu này. Tuy nhiên, điều này có vẻ không ảnh hưởng đến quyết tâm làm phim theo xu hướng mới của Síu Phạm. Bà cho biết, trong năm 2012, vợ chồng bà sẽ tiếp tục khởi quay phim mới tại Việt Nam, câu chuyện phim kể về cuộc sống của những người đang sống trong một xã hội đang thay đổi.  

Bộ phim Bi, đừng sợ! của Phan Đăng Di từng gây tranh cãi khi thể nghiệm về hình thức mới. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn khen cách làm phim của Phan Đăng Di: “Nhập vào dòng phim hiện thực với những chuẩn mực của nó, Phan Đăng Di đã chuyển tải hình ảnh bằng một góc máy dài để người xem có thể tự do đảo mắt nhìn xung quanh, quan sát và cảm nhận cuộc sống của các nhân vật; mọi góc cạnh của cuộc sống khách quan và thật nhẹ nhàng như những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, lặng lẽ như mọi việc, mọi vật vốn vậy”. Nhưng Bi, đừng sợ! vẫn không nhận được sự đồng thuận của phần lớn giới chuyên môn và sự đồng cảm từ số đông khán giả. 

Vì một thế hệ làm điện ảnh trẻ 

Bùi Thạc Chuyên không chỉ được nhắc đến là một đạo diễn trẻ đi tiên phong thử nghiệm các đề tài và hình thức thể hiện “rất Chuyên” trong các tác phẩm của mình như Sống trong sợ hãi, Chơi vơi  mà còn là người tâm huyết với dự án mang tính thể nghiệm dành cho học sinh, sinh viên của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển tài năng điện ảnh trẻ (TPD) thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam. Dự án mang tên Chúng ta làm phim nhằm tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng những tài năng điện ảnh cho tương lai. 

Rất hiểu “một bạn trẻ còn rất non nớt yêu và đi hết con đường làm phim là vô cùng khó khăn” nên với tư cách người đứng đầu dự án Chúng ta làm phim, Bùi Thạc Chuyên luôn cố gắng truyền lửa cho lớp đàn em. Không chỉ có mặt trên các lớp học làm phim, anh còn tổ chức các cuộc thi điện ảnh quy mô nhỏ như WAFM Confetti cho phim ngắn, 2nd Doc cho phim tài liệu. Hơn 100 phim tài liệu và 40 phim truyện ngắn đã ra đời từ những lớp học của Chúng ta làm phim phần nào giúp người yêu điện ảnh kỳ vọng vào sự phát triển của dòng phim độc lập tại Việt Nam. Học trò của Bùi Thạc Chuyên đã có những người được kỳ vọng làm nên việc lớn, như Phan Huyền My từng giành được nhiều giải thưởng trong nước cho phim Mẹ và con, được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ chọn trình chiếu trong Tuần lễ phim Việt Nam tại Trường USC, một trong những trường đại học hàng đầu về đào tạo sản xuất phim ảnh tại Mỹ. Bùi Thạc Chuyên chia sẻ không dễ gì tạo được một sân chơi điện ảnh cho giới trẻ, đặc biệt là để tạo đà cho sự phát triển của dòng phim độc lập, vì vậy, ngay cả khi dự án hết kinh phí (cuối năm 2012, tiền tài trợ của quỹ Ford cho dự án Chúng ta làm phim sẽ hết), anh và các cộng sự của mình vẫn quyết tâm theo đuổi dự án này bằng nhiều cách khác nhau.

89.600 km+... và hơn thế nữa

Đồng hành với các dự án phim độc lập giống Bùi Thạc Chuyên là Hồng Ánh, nữ diễn viên từng có nhiều giải thưởng điện ảnh trong và ngoài nước. Chắc chắn nhiều người sẽ không chọn con đường của chị, vừa mất thời gian, công sức vừa mất tiền. Đặt nền nóng của ngôi nhà 89.600 km+…, một dự án làm phim về giao thông, bằng tiền túi của mình, nhưng nghệ sĩ này vẫn rất lạc quan cho rằng đó là một quá trình đầu tư thỏa đáng để sau này có thể tìm được những người bạn chung chí hướng. Thực hiện một dự án dài hơi và khó tìm kinh phí như 89.600 km+... sẽ phải chấp nhận rất nhiều khó khăn, nhưng chính khi tiên liệu được những khó khăn, Hồng Ánh lại nghĩ chị đã phần nào vượt qua được nó. “Ê kíp thực hiện dự án không có nhiều người, nhưng đều là những bạn có chung tâm huyết với điện ảnh trẻ. Tôi nghĩ điều đó lớn hơn tất cả những điều khác và cả khó khăn mà chúng tôi sẽ phải vượt qua”- Hồng Ánh chia sẻ. Nữ diễn viên này cũng tự hào rằng trong điều kiện điện ảnh Việt còn non yếu, những bước đi của 89.600 km+… như một quá trình “góp gạch”, một phần công sức nhỏ để cùng xây dựng ngôi nhà điện ảnh chung vững mạnh hơn. 

Phim ngắn trong dự án 89.600 km+…của Hồng Ánh đã từng tham gia LHP Việt Nam, giải Cánh diều, trình chiếu trong các trường đại học phía Nam và sắp tới sẽ được giới thiệu tại một số trường đại học ở Mỹ. Nữ nghệ sĩ này còn ôm tham vọng mở rộng quy mô phát hành đến các đối tượng khán giả đa dạng. Hồng Ánh chia sẻ chị có niềm tin lớn là khán giả sẽ không quay lưng với những bộ phim hay. “Còn làm thế nào để nó hay và có sức thuyết phục thì đó mới là thử thách của các bạn làm phim trẻ và cả ê kíp của chúng tôi”- Ánh nói.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.