Tăng 100 bệnh viện có giảm tải?

11/04/2012 08:57 GMT+7

Hạ tầng cho y tế chưa đáp ứng đủ yêu cầu, thiếu nhân lực, diễn biến phức tạp của mô hình bệnh tật... khiến bệnh viện quá tải và đang gây bức xúc cho người dân. Liệu tăng thêm 100 bệnh viện có giảm tải được không?

Hạ tầng cho y tế chưa đáp ứng đủ yêu cầu, thiếu nhân lực, diễn biến phức tạp của mô hình bệnh tật... khiến bệnh viện quá tải và đang gây bức xúc cho người dân. Liệu tăng thêm 100 bệnh viện có giảm tải được không?

Để giảm tải, Bộ Y tế đã đặt mục tiêu chống quá tải trước mắt tại các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến trung ương (T.Ư), nhưng tại hội thảo bàn về đề án chống quá tải bệnh viện được tổ chức hôm 10-4 ở Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ chống ở T.Ư, ở “ngọn” sẽ khó chống được quá tải bệnh viện.

 
Khu vui chơi cho trẻ em như tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM không phải là nhiều trong tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên - Ảnh: Châu Anh

Nghịch lý: nơi thừa nơi thiếu

 

Đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng yêu cầu

Tại buổi khởi động nghiên cứu đánh giá công tác đào tạo nhân lực y tế VN tổ chức hôm 10-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay phải xem xét hết sức nghiêm túc về chất lượng đào tạo thầy thuốc, do có thực tế hiện nay bác sĩ ra trường chưa làm việc độc lập được ngay. Tại các bệnh viện lớn, bác sĩ ra trường 5-6 năm vẫn còn phải kèm cặp thêm về chuyên môn.

Báo cáo của Bộ Y tế tại hội thảo cho thấy năm 2011 quá tải bệnh viện xuất hiện ở cả ba tuyến điều trị (bệnh viện T.Ư, tỉnh, huyện), công suất sử dụng giường bệnh chung trên toàn quốc đạt 110%, theo Bộ Y tế là khẳng định sự “quá tải thực” của mạng lưới khám chữa bệnh. Đặc biệt ở nhóm bệnh viện T.Ư, công suất sử dụng giường bệnh tại Bệnh viện K lên đến 172%, Bệnh viện Bạch Mai 168%, Chợ Rẫy 139%, Nhi T.Ư 119%, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới 124%, nếu tính cả số giường kê thêm, Bệnh viện K có công suất giường bệnh lên đến 249%, Chợ Rẫy 154%...

Để chống quá tải, nhiều ý kiến đề nghị giải quyết sớm tình trạng tại các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến T.Ư trong giai đoạn 2013-2015.

Theo ông Nghiêm Trần Dũng, phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), nếu chỉ triển khai chống quá tải tại bệnh viện tuyến T.Ư là giải quyết phần ngọn, không phải từ gốc, không giải quyết được việc vì sao người bệnh phải chạy lên tuyến T.Ư. Ông Khương Anh Tuấn (Viện Chiến lược và chính sách y tế) cho rằng khảo sát tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, 60% bệnh nhân nội trú là sinh thường, u nang buồng trứng, bệnh phụ khoa thông thường... đều có thể điều trị được ở tuyến huyện. “Cần có sự đồng bộ giảm tải ở tuyến T.Ư và nâng chất lượng điều trị ở tuyến cơ sở”- ông Tuấn góp ý.

Công suất giường bệnh chung toàn quốc lên đến 110%, nhưng ngành y tế chưa phải sử dụng hết cơ sở vật chất đã được đầu tư. Thống kê ở 1.033 bệnh viện trên toàn quốc có 36,6% quá tải, nhưng còn tới 29% đang hoạt động ở mức thấp. Ngay tại TP.HCM, trong khi các bệnh viện chuyên khoa TP đều sử dụng giường bệnh mức 120-131% công suất, thì các bệnh viện quận, huyện lại có công suất đạt thấp, đặc biệt như bệnh viện Q.2 ở mức 38%, Bệnh viện huyện Cần Giờ 24,4%, Bệnh viện huyện Nhà Bè 30%. Trong số 23 bệnh viện quận huyện của TP.HCM, còn tới 19 bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh dưới 100%.

Chống quá tải từ đâu?

 

Giảm tải bằng tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng bệnh viện

Trong dự thảo quyết định phê duyệt đề án giảm quá tải bệnh viện được công bố tại hội thảo, Bộ Y tế đề xuất tăng tỉ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 25-27 giường bệnh công lập/vạn dân vào 2015, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng và mở rộng các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa ung bướu, nhi, tim mạch, chấn thương chỉnh hình và các bệnh viện đang có mức quá tải trầm trọng như Bệnh viện K, Bạch Mai, Nhi T.Ư, Phụ sản T.Ư, Ung bướu TP.HCM, Chợ Rẫy...

Hà Nội, Huế và TP.HCM sẽ phát triển thêm các cụm y tế, trong đó riêng TP.HCM quy mô bốn cụm y tế có trên 20.000 giường bệnh.

Tại hội thảo, Bộ Y tế đã công bố một đề án lớn, mục tiêu nâng tỉ lệ giường bệnh lên 27 giường/vạn dân vào năm 2015 (hiện tại là 20,5 giường/vạn dân). Tuy nhiên, một số ý kiến tại hội thảo đã cho rằng đây là mục tiêu quá lớn, do số giường tăng thêm tương đương 100 bệnh viện cỡ 500 giường/bệnh viện, lấy nhân lực và tài chính ở đâu ra, nhất là trong tình trạng thiếu nhân lực y tế và thiếu cả tiền như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính, Bộ Y tế, giải pháp tài chính là giải pháp quan trọng chống được quá tải. Ông Long cũng cho biết khi Bộ Y tế đi thực tế ở Úc thấy khi nước này thực hiện phương thức thu viện phí theo dịch vụ như ở VN hiện nay thì số ngày nằm viện trung bình là 6,6 ngày/bệnh nhân, nhưng nếu thực hiện thu viện phí theo trường hợp bệnh, số ngày nằm viện giảm chỉ còn trung bình 2,7 ngày. Bên cạnh đó nên chú trọng khâu hướng dẫn cho bệnh nhân, như ở Nghệ An có bệnh viện cho hướng dẫn viên hướng dẫn về thủ tục, thời gian chờ đợi của bệnh nhân đã giảm còn một nửa so với trước đây.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho hay đề án chống quá tải bệnh viện do Bộ Y tế đang xây dựng sẽ bao gồm nhiều đề án nhánh, trong đó có những đề án có thể làm ngay được như đầu tư cho những bệnh viện hiện có, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện T.Ư đang quá tải, đề án phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình. Bà Xuyên cho rằng ngay cả các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện phải năng động phát triển kỹ thuật và quảng bá mình để người dân tỉnh, huyện mình biết và đến điều trị, không phải vượt tuyến lên T.Ư như hiện nay.

Ông Nguyễn Tuấn Hưng, phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, góp ý cho tổ xây dựng đề án chống quá tải bệnh viện nên làm rõ hiện quá tải đang diễn ra ở khâu nào, chuyên khoa nào để giải quyết cho trúng vấn đề.

Theo nhiều đại biểu dự hội thảo, hiện ách tắc diễn ra mạnh mẽ ở khu khám và xét nghiệm, bệnh viện hầu hết không có hướng dẫn và bệnh nhân cũng chẳng biết làm gì đầu tiên, gây ra ách tắc. Cần chống quá tải bằng những phương án đơn giản nhất là hướng dẫn bệnh nhân mà biện pháp này chẳng tốn bao nhiêu tiền.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.