Khi trẻ con viết báo

11/04/2012 09:30 GMT+7

Ngay sau thảm họa động đất – sóng thần hồi tháng 3-2011 ở Nhật Bản, một nhóm trẻ em bắt tay vào làm tờ báo chỉ viết về những điều tốt đẹp, đó là báo Fight Shimbun.

Ngay sau thảm họa động đất – sóng thần hồi tháng 3-2011 ở Nhật Bản, một nhóm trẻ em bắt tay vào làm tờ báo chỉ viết về những điều tốt đẹp, đó là báo Fight Shimbun.

Hồi đầu tháng này, 4 trong số 12 trẻ em tham gia viết báo đã được mời đến thăm trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Paris và giao lưu với các học sinh Pháp.

Chiến đấu đến cùng

Đối với cô bé Risa Yoshida, 8 tuổi, đến từ thành phố Kesennuma của tỉnh Miyagi, viết thư tán gẫu với cha mẹ và bạn bè là sở thích của em. Tuy nhiên, kể từ sau thảm họa kép động đất - sóng thần tháng 3-2011, chuyện viết thư cho cha trở nên quan trọng. Cô bé viết những lời động viên người cha 48 tuổi, giúp ông vượt qua khó khăn lúc bấy giờ. Khi sóng thần càn quét vùng Tohoku, nhà cửa và công ty cha cô bé bị cuốn trôi, ông trở thành kẻ trắng tay.

 
Cô bé Risa Yoshida (thứ hai từ trái qua), nữ “tổng biên tập” đầu tiên của báo Fight Shimbun - Ảnh: Sankei

Sau đó, cô bé và gia đình đến sống tại một khu tạm trú trong thành phố. Tại đây, cô bé chứng kiến hình ảnh người người vật lộn với tình trạng thiếu lương thực và nhu yếu phẩm. Cô bé yêu chuyện viết lách ấy nảy ra ý tưởng làm ra tờ báo phục vụ khoảng 300 người trong khu sơ tán như một cách để trao gửi yêu thương đến mọi người.

Ngày 18-3-2011, chỉ một tuần sau thảm họa kép, Risa cùng người bạn tên Satoko Oyama, 10 tuổi và hai em học sinh (một tiểu học và một trung học), cho ra đời bản đầu tiên của tờ Fight Shimbun. Đó là tờ báo tường với nhiều hình minh họa đầy màu sắc. Trong văn hóa Nhật Bản, khích lệ người khác đấu tranh hàm ý cổ vũ họ làm hết sức mình. “Cháu chỉ muốn giúp mọi người ở khu tạm trú trong khả năng của mình vì cháu cảm thấy mọi người phiền muộn quá đỗi” – Risa nói.

Sau khi Risa chuyển đến nơi ở tạm thời khác vào ngày 4-4 năm trước, Satoko Oyama trở thành người thay thế vai trò “tổng biên tập”. Sau đó, 8 đứa trẻ nữa gia nhập tờ báo tường nhưng càng về sau, chuyện cho ra đời tờ báo càng khó khăn do nhiều em chuyển sang nơi ở mới. Theo hãng tin Kyodo, cho đến tháng 7-2011, tờ báo đã cho ra đời được 50 số.

Luôn lạc quan

Trong quá trình viết báo, các em luôn tuân theo quy tắc: Viết về những điều vui vẻ, tránh chuyện đau lòng; chẳng hạn “Nhà tắm đầu tiên trong khu tạm trú”, “Đã có điện!”… Trong số báo đầu tiên, Risa viết: “Có rất nhiều bất tiện khi sống tạm bợ thế này, song hãy cố hết sức và sống thật tốt”. Nhiều người ở khu tạm trú cho biết họ đã lấy lại tinh thần khi đọc báo của các em.

Điều đáng nói là các em đã tự mình làm mọi công đoạn của tờ báo, không có bất cứ sự giúp đỡ nào từ người lớn. Các em cấp tiểu học theo dõi các sự kiện và viết báo, còn các em học cấp 2 và 3 làm nhiệm vụ cố vấn.

Những nỗ lực của các cô, cậu bé nói trên không chỉ thu hút sự chú ý của cánh truyền thông mà còn cả UNESCO. Tại Paris, đại diện những đứa trẻ bày tỏ lòng biết ơn đến toàn thế giới vì sự hỗ trợ nồng hậu của mọi người. Ngoài ra, các em sẽ trao bản sao một số tờ báo để UNESCO trưng bày tại trụ sở. Trước đó, vào tháng 7-2011, một tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ phục hồi vùng Tohoku đã giới thiệu báo Fight Shimbun tại triển lãm ở Tokyo. Các bản gốc của báo được bảo quản tại Bảo tàng Nghệ thuật Riasu Ark do chính quyền tỉnh Miyagi quản lý.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.