Người tiêu dùng bị móc túi

11/04/2012 03:39 GMT+7

Quá nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối khiến người dân đô thị luôn phải mua lương thực - thực phẩm với giá cao dù được mùa hay mất mùa.

Quá nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối khiến người dân đô thị luôn phải mua lương thực - thực phẩm với giá cao dù được mùa hay mất mùa.

Ông Từ Bá Đạt, một nông dân ở xã Mỹ Thạnh Tây (Châu Phú, An Giang), than: “Lúa trúng mùa nhưng vẫn không vui vì bán không được. Thương lái thẳng thừng từ chối thu mua các loại lúa IR, còn lúa hạt dài phơi khô chỉ có giá khoảng 4.500 - 4.600 đồng/kg, lúa tươi còn thấp hơn nữa. So với cùng kỳ năm ngoái, giá lúa năm nay giảm khoảng 1.200 đồng/kg”. Lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL cũng xác nhận lúa tồn đọng trong dân còn nhiều, tỉnh nào ít cũng lên đến con số vài trăm ngàn tấn.

 
Mặt bằng giá của các chợ lẻ tại TP.HCM đang ở mức rất cao - Ảnh: Chí Nhân

Gạo đắt gấp 2-3 lần

Trái ngược hoàn toàn với cảnh nông dân bán nông sản của mình với giá rất thấp thì người tiêu dùng (NTD), nhất là ở các TP lớn lại phải mua chính những mặt hàng đó với giá trên trời.  

 
Trái ngược hoàn toàn với cảnh nông dân bán nông sản của mình với giá rất thấp thì người tiêu dùng, nhất là ở các TP lớn lại phải mua chính những mặt hàng đó với giá trên trời

Dạo một vòng quanh các điểm bán gạo lẻ ở TP.HCM có thể thấy giá gạo phổ biến nhất là quanh mốc 20.000 đồng/kg, loại có giá dưới 15.000 đồng/kg thì không nhiều. Chủ một cửa hàng gạo trên đường Nguyễn Thượng Hiền, gần chợ Vườn Chuối (Q.3, TP.HCM), cho biết từ trước tết đến nay giá gạo không có biến động, chỉ có loại gạo phẩm cấp thấp từ lúa IR giá có giảm khoảng 300 đồng/kg, hiện đang ở mức 10.000 đồng/kg. “Tôi lấy hàng trực tiếp từ các nhà máy xay xát chứ không thông qua DN như nhiều đại lý khác, người ta bán cho mình giá cao thì mình phải bán lại giá cao. Mỗi ký gạo tôi chỉ lời vài trăm đồng”, chủ cửa hàng trên nói.

Nếu bỏ qua các yếu tố về chủng loại, chỉ tính giá bình quân thì hiện tại giá một ký gạo mà NTD mua đang cao gấp 2 - 3 lần so với giá lúa nông dân bán ra tùy chủng loại. “Đọc báo, xem đài tôi thấy lúa ở ĐBSCL không bán được, rớt giá mạnh nhưng không hiểu sao giá gạo ở đây không giảm”, chị Trần Thị Nga, một NTD ở P.11, Q.3, TP.HCM bức xúc.

Sài Gòn không có heo, gà... giá giảm

Liên tục nhiều ngày nay, người nuôi heo ở Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang… lỗ nặng vì giá heo hơi sụt giảm thê thảm sau thông tin về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Ông Nguyễn Trí Công, chủ trang trại nuôi heo, đồng thời là Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, người chăn nuôi phải chịu lỗ ít nhất 500.000 đồng/con heo. Vừa chịu lỗ, vừa khó bán heo nên không tránh khỏi bị tư thương ép giá. Trong thời gian qua, giá heo hơi đã giảm hơn 10.000 đồng/kg, hiện chỉ còn ở mức từ 41.000 - 44.000 đồng/kg. Nhưng ai lỗ cứ lỗ, giá ở đầu nguồn giảm cứ giảm, giá thịt heo ở các chợ tại TP.HCM vẫn không hề giảm so với trước tết Nguyên đán. Cụ thể, sườn non 130.000 đồng/kg, sườn già 100.000 đồng/kg, phi lê thăn 110.000 đồng/kg, thịt nạc dăm 100.000 đồng/kg, thịt đùi 90.000 đồng/kg, thịt nạc đùi 98.000 đồng/kg, thịt ba rọi rút xương 120.000 đồng/kg, thịt ba rọi 100.000 đồng/kg…  

Tương tự, cũng không có thịt gà giá giảm cho các bà nội trợ tại TP.HCM dù giá gà lông đã có mức giảm lên đến gần 40% so với hồi đầu năm. Hiện giá gà xuất chuồng đang dao động ở mức từ 23.000 - 25.000 đồng/kg, tùy địa phương; thấp hơn khoảng 15.000 đồng/kg so với mức giá đạt đỉnh là 40.000 đồng/kg. Nhiều hộ chăn nuôi cho biết, mức giá hiện tại còn thấp hơn giá thành sản xuất và họ đang chịu lỗ nặng.

Nghịch lý tôm hùm

Bi đát nhất có lẽ là trường hợp của những người nuôi tôm hùm ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ khi giá tôm giảm mạnh từ 50 - 60%. Chưa kịp hồi phục sau đợt dịch bệnh làm tôm hùm chết hàng loạt thì bà con nơi đây đang phải hứng chịu một đợt giảm giá mạnh từ mức 2,9 triệu đồng xuống còn 1,1 triệu đồng/kg.

Anh Phạm Kỳ Phú, ở xã Xuân Phương (TX.Sông Cầu, Phú Yên) cho biết mới xuất bán vài trăm con tôm hùm thịt, loại 1 (từ 1 - 1,7 kg/con) với giá chỉ có 1,1 triệu đồng/kg. Còn theo ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND TX.Sông Cầu, trước đây tôm hùm chủ yếu xuất bán sang Trung Quốc, nhưng nay họ không nhập nữa nên chỉ tiêu thụ nội địa với số lượng có hạn do vậy giá cả thấp, trên dưới 1 triệu đồng/kg, mua sô không phân loại.

Trong khi đó giá tôm hùm sống ở thị trường TP.HCM đang ở mức rất cao. Chủ một nhà hàng ở Q.3 cho biết đang mua tôm hùm VN từ 2,2 - 3 triệu đồng/kg tùy loại. Do giá tôm hùm nội địa quá cao, không ít người "mê" tôm hùm chuyển sang ăn tôm hùm Mỹ nhập khẩu với giá khoảng 750.000 đồng/kg loại 1,5 kg/con. (Còn tiếp)

Đẩy giá cao để lấy lời nhiều

Ông Bình, một lái heo ở H.Hóc Môn (TP.HCM), nói thời gian này sức tiêu thụ thịt heo rất chậm, chợ sỉ rớt giá nhưng giá chợ lẻ vẫn rất cao. Tiểu thương chợ lẻ mua thịt heo giá rẻ nhưng khi bán lẻ lại không hạ giá. Nguyên nhân là do tiểu thương lấy ít hàng nên đẩy giá cao để lấy lời nhiều. Trước đây họ bán 200 kg thịt lời 1 triệu đồng, nay họ chỉ bán 100 kg vẫn lời 1 triệu đồng, thậm chí lời nhiều hơn. “Khi sốt hàng, sốt giá chợ lẻ tăng giá nhanh lắm nhưng khi thị trường ế ẩm, giá chợ sỉ giảm họ vẫn không chịu hạ giá bán lẻ”, ông Bình bức xúc.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức, nói rằng do sức mua yếu, chợ sỉ ế mà chợ lẻ cũng ế. Vì thế, tiểu thương chợ lẻ chủ trương lấy hàng rất ít tạo khan hàng rồi bán giá cao. Họ bán ít nhưng lời nhiều hơn là lấy hàng nhiều lời ít.

Còn Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai Nguyễn Trí Công thì bức xúc: “Khi thấy giá thịt heo chợ lẻ quá cao, tôi thắc mắc thì tiểu thương đổ lỗi do thương lái mua giá cao nên bán cao. Ngược lại, thương lái lại bác bỏ, cho rằng tiểu thương nói vậy để bán giá cao”.

Chí Nhân - Hoàng Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.