Chợ không nói thách

09/04/2012 11:28 GMT+7

Tại cuộc tọa đàm về kỹ năng ứng xử với khách du lịch cho tiểu thương các chợ tại TP.Huế, hơn 80% tiểu thương ở chợ Đông Ba đồng thuận sẽ không nói thách.

Dưới cái nắng oi bức, hội trường trở nên ngột ngạt, nhưng gần 100 tiểu thương trên địa bàn TP.Huế vẫn hăng say tranh luận. Đó là không khí của cuộc tọa đàm về kỹ năng ứng xử với khách du lịch cho tiểu thương các chợ tại TP.Huế do Sở VH-TT-DL Thừa Thiên-Huế tổ chức ngày 23.3 vừa qua. Vấn đề nóng nhất thu hút sự tranh luận của mấy mẹ, mấy chị là cái mác mà người Huế và khách du lịch đã gắn cho họ là “công nghệ hét giá”.

 
Chợ Đông Ba là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách - Ảnh: Tuyết Khoa

Theo ý kiến của nhiều chị em tiểu thương, không phải chỉ vì tham lợi nhuận cao mà họ hét giá. Nhiều chị khẳng định rằng, ngoài một số đối tượng cơ hội thì người buôn bán chân chính, ai cũng muốn thuận mua vừa bán, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, đặc biệt là với khách du lịch. Vì họ cũng muốn để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách thập phương về một Huế thật thà và mến khách đồng thời có cơ hội làm ăn lâu dài, nhưng lực bất tòng tâm. “Nói thật khó bán lắm, khách hàng không tin. Họ vẫn quen nói 2 trả 1. Nên họ cứ trả giá vô tư, không bớt thì họ đi, dễ mất bán như thường. Mặc dù, chúng tôi đã niêm yết giá đàng hoàng”- chị Hương, chủ cửa hàng áo quần chợ Đông Ba, nói. Đối với khách du lịch nước ngoài, họ hét giá là có nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là việc chia chát tiền hoa hồng với cò Tây. Tình trạng  "cò Tây" đang là vấn nạn tại các chợ lớn ở TP.Huế. Riêng chợ Đông Ba hiện có trên mười đối tượng chuyên nghiệp đang hành nghề, trong đó có nhiều đối tượng đã bị trật tự và công an phường Phú Hòa cảnh cáo. “Tui gắn bó với cái chợ này hơn mấy chục năm, lạ lùng chi mấy đứa cò Tây. Chúng nó chuyên chèo kéo du khách nước ngoài vào các cửa hàng rồi bắt chia hoa hồng, thường là 30%, vậy thì chúng tôi phải hét giá lên mà bán thì mới đủ trang trải mọi khoản chứ”- mệ Nhiên, chủ một cửa hàng điện tử ở chợ Đông Ba, bức xúc. Theo bà Hoài Hương - Trưởng ban quản lý chợ Đông Ba, tình trạng cò Tây khó dẹp vì tính ba phải của tiểu thương. Chính họ là người nuôi sống cò Tây. Khi việc chua chát không thuận lòng thì mới xảy ra xung đột. Thời gian đến, ban quản lý sẽ có đưa ra nhiều biện pháp hiệu quả hơn để chấn chỉnh tình trạng này.

Theo ông Ono Katsumi, chuyên gia về du lịch của tổ chức JICA, Việt Nam đối với du khách quốc tế, cụ thể là du khách Nhật là một điểm du lịch thân thiện và rẻ. Nhưng khi họ vào chợ mua hàng, nhiều khi họ rất buồn vì phải bị chặt chém quá đáng. Chính điều đó làm khách du lịch không hài lòng và thất vọng. Nhiều chị em cho rằng, muốn xây dựng lòng tin thì cần kiên trì và đoàn kết. “Ngoại trừ vài kẻ cơ hội, chứ đa số chúng tôi cũng muốn làm ăn có lương tâm. Muốn lấy lại lòng tin của khách hàng thì cần các chị em phải nhất trí đồng lòng. Không nên nói suông, rồi đâu lại vào đấy”- chị Hoa, chủ cửa hàng lưu niệm, cho biết.

Tại buổi tọa đàm, đa số chị em tiểu thương đã thống nhất ý kiến xây dựng lại hình ảnh, lấy lại lòng tin khách hàng, bán theo giá niêm yết, gỡ bỏ đi cái mác không mấy tốt đẹp là “công nghệ hét giá”.

Tuyết Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.