Không gian thiêng

08/04/2012 03:26 GMT+7

Đi một vòng quanh Côn Đảo ta luôn nhìn thấy dấu tích hệ thống nhà tù của thực dân đế quốc dày đặc còn được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Đi một vòng quanh Côn Đảo ta luôn nhìn thấy dấu tích hệ thống nhà tù của thực dân đế quốc dày đặc còn được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Đặc biệt Nghĩa trang Hàng Dương bạt ngàn bia mộ không ngay hàng thẳng lối vì được dựng ngay nơi người tù bị vùi xác.  Nghĩa trang được xây dựng khang trang, mỗi ngôi mộ ban đêm sáng một ngọn đèn nhỏ xíu như ngàn vạn đom đóm lập lòe trong tiếng gió tiếng sóng rì rào...

Côn Đảo còn có nhiều di tích khác như An Sơn miếu - nơi thờ bà Phi Yến là thứ phi của Nguyễn Ánh, cầu Ma Thiên Lãnh, nhà Chúa đảo, chùa Núi Một... phản ánh khá đầy đủ lịch sử nơi đây.

Không chỉ có hệ thống di tích lịch sử mà cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên của Côn Đảo xứng đáng được coi là di sản tự nhiên, vốn quý để nơi đây trở thành “thiên đường” của du lịch và nghỉ dưỡng. Nhiệt độ ôn hòa, bờ biển dài bằng phẳng mịn màng cát trắng, trong lòng biển là những rạn san hô nhiều màu sắc, trên đảo nào cũng có những khu rừng nguyên sinh... Thị trấn Côn Sơn như một viên ngọc bích nổi trên biển trời xanh biếc. Những con đường nho nhỏ xanh rợp lá, những cây bàng cổ thụ gốc sần sùi lớn tới hai người ôm, những bụi bông giấy thắm màu đỏ tía hồng cam mọc trên sườn núi trên hàng rào nhà tù, trên bãi cát ven hàng dương, những hàng rào bông hoàng anh vàng tươi rực rỡ trước khách sạn nhà nghỉ, và phượng đỏ trong Nghĩa trang Hàng Dương mang lại chút ấm áp cho những người nằm lại nơi đó...

Ở Côn Đảo người ta không cảm thấy không khí ghê rợn của “địa ngục trần gian” quanh quất đâu đấy như những di tích trại tập trung ở Ba Lan hay ở Đức. Đó là nhờ sự hiện diện, tuy ít ỏi, của dân cư trên đảo. Họ đã góp phần bảo tồn quá khứ anh hùng và hiện nay cuộc sống hiền hòa của họ đang hằng ngày mang lại sức sống mới cho hòn đảo xinh đẹp này.

Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (đầu thế kỷ 19) đã ghi chép về Côn Đảo như sau:

Ở giữa biển Đông, từ cửa cảng Cần Giờ chạy thuyền ra biển theo hướng đông mặt trời mọc 2 ngày mới đến. Đảo lớn 100 dặm, có ruộng núi trồng lúa, bắp, khoai, đậu, nhưng cũng không nhiều, nên thường phải mua gạo ở Gia Định mới đủ dùng. Thổ sản ở đây là ngựa và trâu, núi không có cọp beo. Dân ở đảo tự kết lại làm binh sĩ, gọi Tiệp Nhất, Tiệp Nhị, Tiệp Tam ba đội, trực thuộc đạo Cần Giờ, có đủ khí giới để giữ gìn đất ấy phòng quân cướp hung dữ Đồ Bà, không cần kêu gọi chỗ khác đến giúp. Dân lính ở đấy thường lấy yến sào, đồi mồi, vích, quế hương, mắm, ốc tai tượng, rồi theo mùa mà dâng nộp; còn lại thì đánh bắt hải sản như cá, tôm để sinh sống. Quả cau ở đây to, vỏ màu hồng, vị lại ngọt thơm, cứ đến đầu mùa xuân, lúc cau ở Gia Định chưa kết quả, thì cau ở đây đã dùng được, người ta chở vào bán với giá rất cao.

Đừng để Côn Đảo “ngủ quên” trong quá khứ đau buồn, bởi vì Côn Đảo xứng đáng được đánh  thức để trở thành một thiên đường trong tương lai. Những ghi chép của tiền nhân có thể coi là một gợi ý, một hướng nghiên cứu để tìm ra nguồn lực phù hợp nhất cho sự phát triển của Côn Đảo.

Nguyễn Thị Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.