Thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng vì chất cấm

07/04/2012 03:28 GMT+7

Cục Chăn nuôi đã đề nghị Bộ Công an và Công an 6 tỉnh, thành vào cuộc quyết liệt để truy nguồn gốc chất cấm. Trong vòng 1 tháng cần đưa ra kết luận khoa học đầy đủ, định lượng thực tế về tình hình sử dụng chất cấm trên toàn quốc để ổn định tình hình chăn nuôi.

Ngày 6.4, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã dẫn đầu đoàn công tác tiến hành kiểm tra công tác quản lý chăn nuôi và kiểm soát giết mổ, kiểm soát việc sử dụng chất cấm tại tỉnh Đồng Nai.

 
Thức ăn chăn nuôi tại trang trại của ông Nguyễn Văn Thái bị phát hiện nhiễm chất cấm - Ảnh: K.C

Trong buổi sáng, bà Thu đã đi kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH MTV chăn nuôi Bình Minh (H.Trảng Bom) và kiểm tra 2 hộ có thức ăn chăn nuôi bị phát hiện dương tính với chất cấm tại ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom.

 

Lỗi do thương lái?

Sở NN-PTNT Đồng Nai nhận định, lợi dụng nhu cầu dùng thịt heo có nhiều nạc của người tiêu dùng, thương lái đã gây áp lực về giá, buộc người chăn nuôi phải sử dụng chất cấm rồi sau đó mua với giá cao hơn giá thị trường khoảng 5.000 đ/kg nên nhiều người hám lợi đã sử dụng chất cấm.

Tại 2 trại nuôi heo của ông Nguyễn Văn Thái và bà Quách Thị Thúy Oanh tại xã Bắc Sơn (trước đó, ngày 31.3, Chi cục Thú y Đồng Nai phát hiện thức ăn chăn nuôi của 2 trang trại này dương tính với chất cấm Salbutamol), ông Thái cho biết nguồn thức ăn này được ông mua tại các công ty có thương hiệu rồi về trộn thủ công với cám bắp và cám gạo để cho heo ăn. Ông Thái không thừa nhận sử dụng chất cấm để trộn vào thức ăn. Bà Thu đã đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ và tỉnh làm rõ, truy nguyên nguồn gốc chất cấm của 2 trang trại.

Liên tục phát hiện chất cấm

Báo cáo của Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, sau khi có thông tin về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Sở đã tổ chức kiểm tra 33 cơ sở thức ăn chăn nuôi, phát hiện có 13 mẫu vi phạm chất lượng, 1 mẫu có Salbutamol dương tính. Đặc biệt Công an H.Thống Nhất phát hiện 1 người đang vận chuyển 0,5 kg Salbutamol 98% đi tiêu thụ nhưng chỉ xử phạt hành chính 6,5 triệu đồng. Nguyên nhân là do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, vì chỉ có ngành nông nghiệp có chế tài cấm sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm, nhưng ngành y tế vẫn chỉ định được dùng làm thuốc điều trị các bệnh về hô hấp.

Tiếp đó, Cục Chăn nuôi lấy 30 mẫu nước tiểu và 30 mẫu thức ăn chăn nuôi, đã phát hiện 3 mẫu dương tính với Salbutamol. Chi cục Thú y TP.HCM tiếp tục phát hiện 20 lô heo có nguồn gốc từ Đồng Nai dương tính với chất cấm nên đang truy xuất nguồn. Đến ngày 27.3, Sở NN-PTNT TP đã lấy mẫu, phát hiện 20 mẫu dương tính với chất cấm nên đang tiếp tục xử lý. Mới đây ngày 31.3, Chi cục Thú y TP lấy tiếp 93 mẫu thức ăn chăn nuôi và nước tiểu trên đàn heo đã phát hiện 12 mẫu dương tính với chất cấm.

Thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng

Báo cáo của Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, sau khi phát hiện chất cấm trong chăn nuôi, giá heo hơi trên thị trường giảm từ 52.000 - 56.000 đồng/kg xuống chỉ còn 42.000 - 45.000 đồng/kg. Mức giá này nằm dưới giá thành sản xuất nên gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, thông tin về chất cấm không còn bó hẹp tại Đồng Nai nữa mà đã lan rộng ra cả nước. Mặc dù tỷ lệ người sử dụng chất cấm không nhiều nhưng rất phức tạp vì mức độ phát tán rộng và nhanh. Cục Chăn nuôi đã thành lập 2 đoàn lấy mẫu ở 15 tỉnh miền Bắc và duyên hải nam Trung bộ (từ Bắc Giang đến Quảng Nam) nhưng chỉ phát hiện 3/136 mẫu dương tính. Như vậy tại các tỉnh này tỷ lệ sử dụng chất cấm là khá thấp. Nhưng Cục vẫn đề nghị truy xuất nguồn gốc để điều tra. Thiệt hại cho ngành chăn nuôi do chất cấm gây ra ước tính mất khoảng 300.000 tấn thịt, tương đương 2.100 - 3.000 tỉ đồng. Nguyên nhân do heo rớt giá và người tiêu dùng chê thịt heo, không dám sử dụng. 

Kết luận buổi làm việc, bà Thu đề nghị các đơn vị của Bộ NN-PTNT và tỉnh Đồng Nai tập trung giải quyết dứt điểm các hộ đã phát hiện sử dụng chất cấm. Song song với xử lý cần truy cứu, truy nguyên, truy xuất đến tận cùng các sản phẩm có nguồn gốc chất cấm. Trong vòng 1 tháng, các cơ quan chức năng cần có kết luận đầy đủ mang tính khoa học về chất cấm. Đồng thời tập trung làm rõ việc sử dụng và quản lý chất cấm tại Đồng Nai để rút kinh nghiệm quản lý trên toàn quốc. Bà Thu cũng đề nghị khoanh vùng điều tra chất cấm, trong đó tập trung vào thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. “Theo tôi, nghi vấn lớn nhất là 2 loại sản phẩm này, đặc biệt là thuốc thú y. Vì qua kiểm tra cho thấy tỷ lệ chất cấm trong thuốc thú y là 11%. Thuốc còn dễ pha trộn, buôn bán, sử dụng vì không nhãn mác” - bà Thu nói.

6 tỉnh, thành là “điểm nóng” chất cấm

Ông Dương cho biết vừa có văn bản gửi Bộ Công an và Công an 6 tỉnh, thành gồm Tiền Giang, Thanh Hóa, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, TP.HCM, Hà Nội đề nghị vào cuộc điều tra nguồn gốc chất cấm. “Chúng tôi phát hiện 6 địa phương này là điểm nóng nhất của cả nước trong sử dụng chất cấm. Ngoài việc điều tra, thanh tra bộ và các địa phương cũng xúc tiến nhanh việc truy nguyên nguồn gốc, xem doanh nghiệp nào, cá nhân nào nhập về” - ông Dương nói.

Sau khi Báo Thanh Niên phanh phui về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo tại tỉnh Đồng Nai, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ. Gần đây nhất là vụ 1 mẫu gan heo ở Bắc Ninh, 2 mẫu thức ăn chăn nuôi ở Hòa Bình và Hải Dương nhiễm chất cấm. Tiếp đến là 3 mẫu thức ăn gia súc trên địa bàn Tây Ninh có chứa chất cấm Salbutamol. Long An, Bình Dương cũng có trang trại chăn nuôi bị phát hiện dùng chất cấm.

Kim Cương - T.Thùy

Thu giữ 1,4 tấn "thần dược" tạo nạc tại TP.HCM

Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài Kinh hoàng heo siêu nạc, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng thường trực phía nam (C49B) điều tra đường dây buôn bán chất tạo nạc. Qua điều tra, trinh sát Phòng 6 nghi vấn sản phẩm của Công ty TNHH Hồng Triển, trụ sở ở đường C, KCN Tân Tạo, Q.Bình Tân (TP.HCM) buôn bán chất tạo nạc đang bị cấm trong chăn nuôi. Để khẳng định rõ, trinh sát đã bí mật lấy mẫu sản phẩm Gold Protein của Công ty Hồng Triển đi kiểm nghiệm. Ngày 4.4, Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM cho biết, sản phẩm Gold Protein có hàm lượng Clenbuterol: 1,1 mcg/kg, Salbutamol: 2,8 mcg/kg. Từ kết quả này, chiều 5.4, C49B phối hợp với Chi cục Thú y và Chi cục QLTT TP.HCM bất ngờ kiểm tra Công ty Hồng Triển. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trong kho của Công ty Hồng Triển có 56 thùng, mỗi thùng (25 kg) chứa 25 gói bột màu trắng bên trong. Bên ngoài thùng có ghi tên đầy đủ của sản phẩm: Gold Protein  của nhà sản xuất WuXi Zhengda Poultry Co.ltd - Trung Quốc. Toàn bộ không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Để khẳng định thêm lần nữa, Chi cục Thú y TP.HCM lấy mẫu sản phẩm Gold Protein của Công ty Hồng Triển đưa đi kiểm nghiệm nhanh. Kết quả thật bất ngờ, sản phẩm Gold Protein có hàm lượng Beta agonist (nhóm Clenbuterol, Salbutamol) là chất bị cấm trong chăn nuôi, người nông dân thường gọi là thần dược, hoặc bột ngọt.

Bà Trịnh Tú Linh, Giám đốc Công ty Hồng Triển khai với cơ quan chức năng: Lô hàng trên là của Công ty TNHH sản xuất Nam Hoa, có trụ sở ở P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú (Giám đốc Công ty TNHH Nam Hoa là bà Trịnh Tú Lệ, em ruột bà Linh).

Theo thượng tá Đặng Văn Tốt, Phó trưởng Phòng 6 (C49B), đây là hai công ty chuyên nhập khẩu, buôn bán chất bổ sung trong chăn nuôi từ Trung Quốc về Việt Nam. “Sản phẩm Gold Protein mà chúng tôi vừa bắt giữ của Công ty Hồng Triển và Nam Hoa có chất tạo nạc đã bị cấm trong chăn nuôi ở Việt Nam” - thượng tá Tốt khẳng định.

Hoài Nam

Kim Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.