Cánh sóng địa đầu

06/04/2012 03:48 GMT+7

Công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới cũng như đời sống của đồng bào vùng cao đã có những đổi thay to lớn kể từ khi “cái sóng di động” xuất hiện.

Công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới cũng như đời sống của đồng bào vùng cao đã có những đổi thay to lớn kể từ khi “cái sóng di động” xuất hiện.

Đã bốn năm trôi qua nhưng ký ức về trận mưa lũ kinh hoàng tàn phá mảnh đất Bát Xát (tỉnh Lào Cai) vẫn còn in đậm trong tâm trí đại tá Đoàn Quốc Việt, đoàn trưởng Đoàn kinh tế - quốc phòng 345. Tháng 8.2008, sau những trận mưa lớn kéo dài, nước sông Hồng và các dòng suối dâng cao  làm phần lớn các tuyến đường nối Bát Xát với tỉnh, xã đều sạt lở nặng. Bát Xát hoàn toàn bị cô lập. May mắn là hệ thống liên lạc lại không hề bị gián đoạn. Không phải hệ thống thông tin quân sự mà là mạng điện thoại di động của Viettel mới được đưa vào sử dụng cách đó 2 năm đã giúp Đoàn 345 cùng các lực lượng khác phối hợp giúp dân vượt lũ. Thậm chí, có trường hợp bác sĩ từ bệnh viện huyện phải hướng dẫn cấp cứu qua điện thoại di động (ĐTDĐ).


Một trạm thu phát sóng mới đang được xây dựng tại khu vực xã Nậm Ty (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) - Ảnh: Tr.Sơn 

Tháng 3.2005, Đoàn 345 được thành lập và tới đứng chân ở địa bàn, thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, vận động, bám dân, xóa đói giảm nghèo. Người dân sáu xã Trịnh Tường, Nậm Chạc, A Mú Sung, A Lù, Ngải Thầu, Ý Tý, thuộc địa bàn Đoàn 345 phụ trách chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì nghèo, đời sống cực kỳ khó khăn. Thách thức lớn hơn với những cán bộ, chiến sĩ Đoàn 345 cũng như các đơn vị biên phòng nằm ở Y Tý, A Mú Sung, Trịnh Tường là không có điện lưới, liên lạc thì chỉ có hệ thống quân sự. Để gọi được cuộc điện thoại phải ra trung tâm xã Trịnh Tường cách đó chừng 20 km. Đến cuối năm 2005, với tốc độ “nhanh đến không ngờ”, điện lưới và sau đó là những cột sóng của Viettel đã đến những xã vùng biên xa xôi và nghèo nhất của Lào Cai.

Sau bảy năm “có điện, có sóng”, cuộc sống của bà con dân tộc đã có những thay đổi lớn. “Tuy nghèo nhưng bà con ở đây nhà nào cũng có đến 2, 3 chiếc di động đấy. Nhờ nó mà bà con làm ăn tốt hơn, đi nương vẫn có thể lo chuyện ở nhà, còn buôn bán nữa”, Chủ tịch xã A Mú Sung Ma Seo Củi nói. Ông Củi cho biết cũng nhờ có sóng di động mà năm ngoái, một người dân bản Pho đã được cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Sau khi bị ngã xuống khe núi trong lúc đi lấy mật ong, anh này đã gọi về và chỉ đường cho người nhà đến cứu. 

Giữ vững an ninh tuyến đầu

Với những người chiến sĩ biên phòng ở A Mú Sung, “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, trước năm 2005, việc quản lý, bảo vệ đường biên, đảm bảo an ninh trật tự gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện liên lạc, đặc biệt địa bàn mà đồn phụ trách lại là vùng biên giới cửa sông. Nhưng kể từ khi có trạm BTS của Viettel lắp đặt ở khu vực này thông tin đến rất nhanh, nhiều vụ việc nhờ có người dân thông báo mà bộ đội biên phòng đã huy động lực lượng xử lý kịp thời.

Theo ông Vũ Hùng Sơn, PGĐ Viettel Lào Cai, từ năm 2004 đến nay Viettel đã xây dựng được hơn 500 trạm BTS 2G và 3G trên địa bàn tỉnh, trong đó có hơn 60 trạm phủ dọc hơn 200 km đường biên. Theo kế hoạch của Viettel Lào Cai, trong một thời gian ngắn nữa, tất cả các trạm BTS 2G sẽ có thêm 3G, các vùng lõm cũng sẽ được xử lý để đảm bảo không có vùng trắng di động ở tỉnh biên giới này.

Với các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng xã Bản Máy (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang), nhiệm vụ đã bớt vất vả hơn nhiều kể từ ngày cột sóng di động của Viettel được lắp đặt hồi 2009.  Trước khi hoàn thành phân giới cắm mốc Việt - Trung, cùng với Lùng Vần Chải, Săm Pun, Bản Máy từng là một điểm nóng trong công tác bảo vệ chủ quyền ở Hà Giang, mặc dù địa bàn chỉ có hơn 19 km đường biên (trong đó non nửa là đường biên sông suối). Giờ đây, theo trung tá Trương Văn Dương, chính trị viên đồn Bản Máy, xã Bản Máy là một trong những xã có phong trào tự quản đường biên, mốc giới tốt nhất nhờ vào ý thức bảo vệ chủ quyền rất cao của nhân dân. “Đồn đặc biệt quan tâm và có nhiều hình thức giáo dục, tuyên truyền đối với các cháu học sinh. Và điều đáng mừng là có tới 70% thông tin chống xâm canh, trộm cướp vùng biên do các cháu cung cấp”, trung tá Dương cho biết.

Tuy là xã nghèo nhưng hầu như gia đình nào ở Bản Máy cũng có máy ĐTDĐ. Đồn biên phòng luôn có cán bộ trực 24/24 để nhận thông tin của người dân về các vụ việc trên địa bàn. Mới đây nhất, cùng với Viettel Hà Giang, đồn Bản Máy đã tổ chức giúp hai cháu bé bị tim bẩm sinh ở xã được xuống Hà Nội phẫu thuật thành công.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.