Trầu, thuốc của mẹ cha

04/04/2012 03:05 GMT+7

Mẹ dưới quê lên thăm, chị rất mừng. Tuy mừng nhưng trong lòng vẫn có chút băn khoăn về sở thích ăn trầu của mẹ.

Mẹ dưới quê lên thăm, chị rất mừng. Tuy mừng nhưng trong lòng vẫn có chút băn khoăn về sở thích ăn trầu của mẹ.

Phải nói, mẹ chị ăn trầu vụng lắm, mỗi lần mẹ ăn trầu thường làm vấy bẩn tường nhà và không ít lần làm chồng chị khó chịu. Mỗi lần mẹ lên thăm, chị đều chuẩn bị ống nhổ cho mẹ. Ấy vậy mà, màu đỏ của nước trầu vẫn cứ loang lổ ra nhà. Dù chồng không nói gì, nhưng chị vẫn đọc được trong ánh mắt của anh sự khó chịu.

Công tâm mà nói, chồng chị rất tốt bụng, đối với mẹ vợ cũng rất ân cần chu đáo, chỉ mỗi cái tội là không chịu được hệ lụy của màu đỏ nước trầu làm vấy bẩn nhà mà thôi. Chị ước gì mẹ bỏ được sở thích ăn trầu ấy, mẹ muốn ăn gì chị cũng mua cho mẹ. Nhưng biết làm sao được, cái sở thích ăn trầu mà mẹ vẫn giữ đến ngày nay là ảnh hưởng của sự giáo dục từ bà ngoại. Với mẹ, ăn uống ra sao cũng được. Thiếu gì cũng chịu nhưng thiếu miếng trầu, trái cau là mẹ bần thần khó chịu.

 
Minh họa: Văn Nguyễn

Dường như cũng biết được sự không vui của chồng con gái khi thấy mình ăn trầu trong nhà, nên có lần về đến cửa không thấy bóng dáng mẹ đâu, chị vào phòng vệ sinh và nhìn thấy mẹ đứng ăn trầu trong đó. Chị thấy bất nhẫn trong lòng vô cùng. Vì thế, dẫu có thương con đến mấy, thăm gia đình con được vài ngày là mẹ nằng nặc đòi về ngay, kiếm cớ dưới quê bận việc. Nhưng chị biết, mẹ mình không muốn con gái bận lòng và khó xử về việc ăn trầu của mình.

Trường hợp của anh Dũng, một bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện lớn của thành phố thì nỗi bận tâm của anh đến từ một ông bố nghiện thuốc lào. Mỗi lần từ quê lên thăm con và thằng cháu nội đích tôn, ông luôn kè kè bên mình cái điếu cày. Những ngày ông ở chơi với cháu, không gian trong nhà luôn phảng phất mùi thuốc lào, một cái mùi mà vợ anh rất khó chịu.

Anh nhỏ nhẹ nói với bố: “Con có mua cho bố mấy gói thuốc thơm để trên đầu tủ, bố lấy hút đi nhé! Loại thuốc ấy có đầu lọc, ít hại cho phổi. Bố đừng hút điếu cày nữa”. Nghe thằng con nói, ông trợn mắt lên: “À! Anh này, anh gây khó khăn cho tôi đấy à! Tôi và các bạn chiến đấu của tôi trong mấy chục năm chiến tranh đều hút thứ này, thấy có ai chết vì nó đâu mà anh dọa tôi. Chắc anh nghĩ mình là bác sĩ nên lên mặt dạy đời tôi hả!”. Nói xong, ông bước lên lầu và ở luôn trên đó. Tới giờ cơm, vợ anh lên mời ông cũng không xuống ăn. Tưởng bố giận làm nư cho đã tức, nào ngờ sáng hôm sau, thấy ông từ trên lầu đi xuống, vai mang xách, tay kẹp điếu cày. Ông ngồi vào bàn đưa tay bế đứa cháu nội hôn lên má nó và chậm rãi nói: “Bố cũng muốn ở lại chơi với cháu và vợ chồng con ít hôm nữa, nhưng mình má con ở nhà cũng bận bịu công việc lắm. Bố về. Khi nào rỗi việc bố sẽ lên chơi. Nhớ đừng để thằng cu Bin nghịch nước đấy!”.

Vợ anh không hiểu vì sao bố chồng về gấp như vậy. Nhưng anh thì biết. Bố giận anh là do anh không cho bố được tận hưởng niềm vui của tuổi già bên cái điếu cày. Anh đưa bố ra bến xe mà lòng buồn rười rượi.

Mới hay, tuổi già miếng trầu, hơi thuốc đối với họ là niềm vui nhỏ nhoi trong quãng đời còn lại, mà chúng ta - con cái - những người sống trong thời đại ngày nay mấy ai hiểu hết và cảm thông được điều đó.

Nguyễn Văn Học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.