Giỗ Tổ

31/03/2012 03:33 GMT+7

Ngày 10.3 âm lịch hằng năm đã chính thức là Ngày giỗ Quốc tổ của người Việt Nam từ hàng nghìn năm nay. Đó là điều hiếm có ở một quốc gia và một dân tộc. Quốc gia nào cũng có nguồn cội, dân tộc nào cũng có nguồn gốc, nhưng ngày “giỗ” thì không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có tục lệ này.

Ngày 10.3 âm lịch hằng năm đã chính thức là Ngày giỗ Quốc tổ của người Việt Nam từ hàng nghìn năm nay. Đó là điều hiếm có ở một quốc gia và một dân tộc. Quốc gia nào cũng có nguồn cội, dân tộc nào cũng có nguồn gốc, nhưng ngày “giỗ” thì không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có tục lệ này.

Lại không chỉ là ngày giỗ ông bà tổ tiên trong mỗi gia đình, đây là ngày giỗ của cả một quốc gia, nhằm tưởng nhớ một ông Tổ chung của mình, điều đó thật hiếm thấy và rất đáng quý.

Nếu trong ngày giỗ ông bà tổ tiên, con cháu trong gia đình và gia tộc đều quần tụ về chung tay góp giỗ và chung lòng tưởng niệm ông bà mình, thì ngày giỗ Tổ Hùng Vương cả dân tộc Việt Nam đều hướng lòng, đều tìm mọi cách để quần tụ về nơi sinh cơ khởi nghiệp của đất nước và dân tộc mình: Đền Hùng - Phú Thọ.

Tỉnh Phú Thọ đang tích cực hoàn tất hồ sơ khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” để trình lên UNESCO đề nghị được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghĩa là, có thể trong tương lai gần, những nghi lễ trong ngày Quốc giỗ Hùng Vương sẽ được cả thế giới biết đến như một lễ nghi độc đáo của tình đoàn kết và ý thức tự cường dân tộc mang ý nghĩa văn hóa và hòa hợp dân tộc, hòa bình và hòa hiếu với các dân tộc khác.

Hàng triệu người Việt sẽ có mặt ở khu vực Đền Hùng trong ngày Quốc giỗ, nhưng còn mấy chục triệu người Việt khác dù ở đâu hay làm gì cũng đều dành một khoảng lặng để hướng về Đền Hùng trong ngày trọng đại này.

Quá trình đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc cũng là quá trình tự nhận thức về lòng yêu nước của mỗi con người Việt Nam. Và, càng yêu nước, thì người Việt lại càng thiết tha tưởng nhớ, tự hào tưởng nhớ đến những người lập quốc, những vị tổ tiên tiền hiền nhân hậu và oanh liệt của mình. 18 đời vua Hùng chính là một truyền thuyết - hiện thực, nó minh chứng nước ta có chủ, có quyền và dân tộc ta có gốc rễ cội nguồn minh bạch. Máu, mồ hôi, nước mắt suốt 18 đời vua Hùng ấy cho tới ngày nay là chứng chỉ của dân tộc Việt Nam trình ra trước thế giới về khả năng xây dựng và bảo vệ nền độc lập của quốc gia mình.

Một tín ngưỡng là đẹp đẽ và đáng trân trọng khi nó hướng về những điều tốt đẹp, về những người tốt đẹp. Tổ tiên, ông bà chúng ta là những người hiền lành xiết bao, yêu nước nhà yêu con cháu xiết bao! Làm sao không tự hào khi tưởng nhớ về những con người ấy, những người không chỉ sinh thành nên dân tộc Việt, mà hơn thế nữa, đã truyền cho dân tộc này một dòng máu yêu nước yêu người thắm đỏ. Nụ cười của người Việt hôm nay đã có từ thời người Việt của các vua Hùng: đó là nụ cười khoan hòa, tin yêu. Truyền lại một nụ cười từ 4.000 năm thật không dễ dàng, vì phía sau nụ cười ấy có thể ẩn dấu biết bao đắng cay đau đớn. Sinh ra là có tổ tiên, sinh ra là yêu nước, đó là người Việt. Ngày giỗ Tổ chính là để nhắc lại, để biểu dương lòng yêu nước bẩm sinh ấy. Và cả tình đoàn kết yêu thương của những đứa con cùng một Mẹ - Mẹ Việt Nam. 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.