Giả chữ ký Bộ trưởng để tuyển sinh trái phép

31/03/2012 03:43 GMT+7

Hàng loạt sai phạm xảy ra ở Trường trung cấp (TC) Văn Hiến (H.Quảng Xương, Thanh Hóa) từ năm 2009 đến nay không được xử lý dứt điểm.

Hàng loạt sai phạm xảy ra ở Trường trung cấp (TC) Văn Hiến (H.Quảng Xương, Thanh Hóa) từ năm 2009 đến nay không được xử lý dứt điểm.

Đó là việc sử dụng bằng ĐH giả để được làm chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT); mạo danh những trường ĐH, CĐ có uy tín để chiêu sinh; tuyển sinh trái phép...

Mạo danh tuyển sinh

Trường TC Văn Hiến là trường tư thục chỉ có chức năng đào tạo nghề. Tuy nhiên năm 2009, trường này đã tự ý tuyển 563 học sinh để đào tạo TC ngành điều dưỡng và y sĩ đa khoa. Đáng lưu ý là để tuyển sinh được số học sinh này, ông Nguyễn Đức Tâm - Chủ tịch HĐQT, Phó hiệu trưởng trường, đã mạo danh liên kết với Trường CĐ Y Hà Nội và Trường CĐ Y tế Phú Thọ để tuyển sinh. Qua xác minh của Công an tỉnh Thanh Hóa trong các năm từ 2008-2010, cả hai trường nói trên đều không ký bất cứ một hợp đồng liên kết đào tạo nào với Trường TC nghề Văn Hiến.

Không chỉ có vậy, theo xác minh của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Đức Tâm sử dụng bằng ĐH giả để lập đề án thành lập trường. Trong hồ sơ thành lập trường, ông Tâm có sử dụng bằng tốt nghiệp tại chức ĐH Xây dựng, nhưng thực tế ông Tâm không hề học ĐH Xây dựng và trình độ văn hóa chưa hết THPT.

Cũng theo kết luận của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Đức Tâm còn làm giả hợp đồng lao động để khai khống số lượng giảng viên khi mở mã ngành đào tạo; giả chữ ký của hiệu trưởng trường để xin chuyển đổi thành trường TCCN; giả chữ ký của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng. Năm 2011, trường này đã chiêu sinh gần 30 sinh viên để đào tạo theo địa chỉ sử dụng tại Trường ĐH Y Hải Phòng. Theo văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT thì ĐH Y Hải Phòng được đào tạo 30 chỉ tiêu theo địa chỉ sử dụng cho Thanh Hóa. Đối tượng tuyển sinh là các thí sinh thuộc tỉnh Thanh Hóa và vùng lân cận. Lợi dụng văn bản này, ông Tâm đã chiêu sinh và lập danh sách 28 thí sinh gửi cho UBND tỉnh Thanh Hóa để hợp thức hóa thủ tục gửi cho Trường ĐH Y Hải Phòng đào tạo. Trong khi điểm chuẩn vào ĐH Y Hải Phòng là 18,5 - 22,5 thì có học sinh trong số này chỉ đạt 11,5 điểm (!). Hơn nữa, đối tượng trúng tuyển có cả những học sinh không thuộc tỉnh Thanh Hóa và vùng lân cận như công văn cho phép của Bộ GD-ĐT. Thế nhưng, danh sách đề nghị này vẫn được đóng dấu phê duyệt của cả Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, theo xác minh của cơ quan chức năng thì chữ ký của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong văn bản này là chữ ký giả.


Trường trung cấp Văn Hiến - Ảnh: Ngọc Minh

Bị kỷ luật còn chủ trì cuộc họp... xử lý kỷ luật

Ông Vũ Ngọc Kha và ông Đàm Lê Đồng, thành viên HĐQT trường là những người đầu tiên phát hiện những sai phạm của ông Tâm và gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Các kết luận thanh tra sau đó đã khẳng định được một số sai phạm của trường và hầu hết trách nhiệm đều thuộc về ông Nguyễn Đức Tâm. Tuy nhiên, ngày 23.8.2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định cảnh cáo và bãi nhiệm chức chủ tịch HĐQT, bãi miễn chức vụ phó hiệu trưởng đối với ông Nguyễn Đức Tâm và cả ông Vũ Ngọc Kha vì sai phạm trong tuyển sinh và mất đoàn kết nội bộ. Như vậy là cả người đi tố cáo cũng bị kỷ luật.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, Trường TC Văn Hiến phải tổ chức Đại hội cổ đông để bầu HĐQT mới và thông qua quy chế tổ chức hoạt động của trường. Tuy nhiên, quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa lại giao cho Công ty CP Minh Tân (chủ đầu tư xây dựng trường) có trách nhiệm củng cố nhà trường. Công ty Minh Tân cũng do chính ông Tâm làm tổng giám đốc. Nhờ có quyết định này, ông Tâm không những không bị ảnh hưởng gì bởi mức “án” kỷ luật mà còn toàn quyền hơn trong việc điều hành Trường TC Văn Hiến.

Bộ GD-ĐT quy định việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên HĐQT nhà trường là quyền của Đại hội cổ đông. UBND chỉ là cơ quan công nhận kết quả này. Tuy nhiên, UBND tỉnh Thanh Hóa lại căn cứ vào cuộc họp HĐQT mở rộng của trường này để đưa ra quyết định xử lý. Điều đáng nói, đây là cuộc họp HĐQT mở rộng nhằm để kiểm điểm, xử lý kỷ luật những sai phạm của trường, do chính ông Tâm chủ trì.

Với hàng loạt sai phạm như đã nêu nhưng Trường TC Văn Hiến chỉ bị Thanh tra Sở GD-ĐT Thanh Hóa xử phạt hành chính 11 triệu đồng. Còn trách nhiệm cá nhân của ông Tâm thì được xử lý một cách hình thức như đã nói ở trên. Mặt khác, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT cấp bằng cho số học sinh mà ông Tâm đã tuyển trái phép năm 2009 và được Bộ GD-ĐT chấp thuận nhằm “đảm bảo quyền lợi của người học” (!).  Những đối tượng tuyển sai quy định để đào tạo theo địa chỉ sử dụng tại ĐH Y Hải Phòng vẫn tiếp tục được đào tạo. Sự việc này cho thấy chính Bộ GD-ĐT phải xem xét lại quy trình xử lý những sai phạm trong tuyển sinh. Nếu các trường cứ tuyển sinh trái phép rồi lại được Bộ GD-ĐT cho tiếp tục đào tạo để đảm bảo quyền lợi của người học thì liệu tình trạng vi phạm này có chấm dứt được không?

Trong khi đó, Cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa đã lý giải việc không khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Tâm là vì “hành vi gây nguy hiểm cho xã hội” của ông này đã được “xử lý hành chính” và hậu quả đã được “các cấp có thẩm quyền cho khắc phục”.

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.