"Đào tơ kép trẻ và mũi tên độc"

31/03/2012 21:09 GMT+7

Tin máy bay đồng minh đánh bom đồn Nhật dưới chân núi Quế, chỉ cách bản làng một điếu thuốc, lính Nhật chết đếm hàng chục, làm dân bản Hạ mất hồn. Đã ba đêm rồi người trong bản đi ngủ sớm. Chỉ mấy nhãi ranh chưa thực sự nếm mùi chiến tranh còn dám lảng vảng trước cửa rạp hát lưu động chờ đợi. Nhưng bầu Quý đã quyết nhổ trại, tìm nơi người ta còn tiền mua vé coi con hát và còn hồn vía nghe hát.

Tin máy bay đồng minh đánh bom đồn Nhật dưới chân núi Quế, chỉ cách bản làng một điếu thuốc, lính Nhật chết đếm hàng chục, làm dân bản Hạ mất hồn. Đã ba đêm rồi người trong bản đi ngủ sớm. Chỉ mấy nhãi ranh chưa thực sự nếm mùi chiến tranh còn dám lảng vảng trước cửa rạp hát lưu động chờ đợi. Nhưng bầu Quý đã quyết nhổ trại, tìm nơi người ta còn tiền mua vé coi con hát và còn hồn vía nghe hát.


Minh họa: Văn nguyễn

- Ăn nhanh, dọn đồ đạc, mai đi sớm.

Bầu Quý nói gọn, không thèm ngửng mặt khỏi bát mì. Trong gánh hát chỉ hai người được phép ngồi ăn chung với ông bầu là Long và Thảo. Không có lấy một câu tuyên bố nào từ bầu Quý hay Long nhưng ai cũng mặc nhiên coi họ là cha con kết nghĩa. Có người còn thì thầm: Con rơi nhặt lại chứ nghĩa ngãi gì. Thuyết này dựa vào việc bầu Quý đưa một bé trai về nuôi sau khi vợ và hai con ông cùng chết mất dấu trong một đêm lũ quét thượng nguồn sông Cái. Như không có duyên với nghề tuồng, đến nay Long vẫn chỉ cầm cờ chạy hiệu. Tham vọng dựng đứa con nuôi thành một Tiết Đinh San của bầu Quý có nguy cơ công cốc. Thỉnh thoảng kép chính đau ốm hoặc về thăm nhà Long mới được thay vai Tiết Đinh San. Nhưng lần nào cũng không tránh khỏi cha nuôi chê chửi.

Thân phận Thảo thì rõ hơn, con hát.

Trên sân khấu, Long - Tiết Đinh San nhờ mang râu đội mão nên trông xứng đôi với Thảo - Phàn Lê Huê. Giải trang rồi, ngồi ăn cơm chung mâm thế này, trông hai đứa như chị hai, em út tuy trạc tuổi. Mới qua tuổi mười sáu mà ở Thảo đã phô những đường cong làm đàn ông giật thột khi bất chợt bắt gặp cô lúc hớ hênh. Cô từng nghe lời thì thầm sau lưng: Vọc sớm, chín sớm. Tất nhiên cô vờ như không nghe biết. Và đã gần tháng nay rồi cô tránh gần gũi Long như trước. Số là một đêm ở giếng đá, cô nhờ hắn dội nước gội đầu, nước bắn ra thấm đôi chỗ, áo xống dính bệt vào thân cô dưới ánh trăng. Không thấy hắn dội nữa, cô ngửng lên định mắng, thì ra hắn đang cương đơ người ra. Không phân biệt được hắn bị ướt vì gàu nước bắn ra hay tự hắn làm ướt. Thực ra trước đó khá lâu Long đã quằn quại những lúc nửa đêm về sáng với nỗi khao khát người con gái hắn gọi bằng chị. Cơn mộng tinh đầu đời hắn trút cả vào hình ảnh Thảo.

Còn bầu Quý thì diễn vai Tiết Nhơn Quý hay đến chết tên luôn. Vẫn còn là một điều bí ẩn trong giới hâm mộ nghệ thuật đất kinh thành Huế: Vì sao Tiết Nhơn Quý đột ngột rời bỏ danh vọng kép độc ở Nhà hát cung đình Thanh Bình Thự để cam nhận thân phận ông bầu một gánh hát lưu diễn vô danh?

Bữa cơm tối vẫn ít tiếng như mọi khi. Và hơn thế vào tối nay. Long phóng một tia nhìn lén thật bén và kín về phía bầu Quý. Ngay đêm nay hắn sẽ bỏ gánh hát. Thậm chí trên đời này sẽ không còn “Tiết Nhơn Quý” nữa. Ý nghĩ đen tối nung nấu trong đầu, vốn không quen thuộc với tạng người như hắn, khiến trán hắn rịn mồ hôi, tai ù đặc. Lúc ấy, phía bên kia bàn, bầu Quý cúi mặt vào bát mì, húp. Mấy sợi mì trắng ngả vàng sót dưới đáy bát run lên, chuyển động như loài bò sát, chạy tuột vào đôi môi dày đỏ khéo chụm tròn, hút mạnh. m thanh xùm xụp rít lên theo từng nhịp hút khiến Long nóng ran người. Đầu hắn đang chật cứng cảnh tượng mà hắn đã bất ngờ bắt gặp khi nhìn qua kẽ hở giữa hai cái màn quây tạm thành căn buồng riêng cho Thảo: “Tiết Nhơn Quý” quỳ vục mặt vào giữa hai chân “Phàn Lê Huê”. Không phải đêm mộng tinh đầu tiên mà chính cái âm thanh riết róng ấy đã kết thúc tức tưởi thời niên thiếu của một “Tiết Đinh San” chưa định hình. Tình yêu đơn phương câm lặng của hắn dành cho “Phàn Lê Huê” vẩn đục đến đau đớn nhưng không vì thế mà tiêu diệt đi được, trái lại càng mãnh liệt, càng tàn hại như một loại bệnh tâm tưởng.

Gạt bát mì vừa hút nhẵn sang bên, bầu Quý một tay quệt lau bộ râu rậm rì bắt đầu ngả muối tiêu, một tay rót ồng ộc chè xanh từ bình lớn ra chén lớn, nốc cạn. Xong, ông thong thả đi quanh ngôi nhà kho bỏ hoang gánh hát ở nhờ trong thời gian lưu diễn, nhắc nhở mọi người dưới quyền chuẩn bị sáng mai rút quân.

Thảo là người thứ hai rời bàn. Long có cảm giác cô nhận ra sự khác thường trong hắn nhưng phớt lờ. Khoảng cách giữa hai đứa từ cái đêm bất thường bên giếng đá ngày càng rộng. Cô đi thẳng vào góc lán, lách qua mép hai tấm màn cũ luôn buông phủ. “Phàn Lê Huê” là người duy nhất không phải động tay động chân đến việc gì khác ngoài biểu diễn.

Trong khi cùng hai diễn viên nam xếp đạo cụ lên chiếc xe bò, Long cố tình giấu cây cung dưới sạp gỗ, chỗ hắn nằm ngủ. Tuy là đạo cụ nhưng cây cung này cũng được sử dụng để săn thú trên đường lưu diễn, nhất cử lưỡng tiện. Còn mũi tên cho nó thì Long đã chuẩn bị, khá là tình cờ.

***

Tuần trước mưa lớn, được nghỉ diễn, Long lọ mọ vào sơn trại của Đội Hoành chơi. Xuất thân võ quan triều đình nhưng viên đội độc nhãn này có mối quan hệ đặc biệt với bọn quan binh Pháp trong vùng. Rồi hết Pháp tới Nhật. Mối quan hệ đó khiến dân trong vùng vừa ghét vừa sợ. Cái sự giàu có và hơn chục cô vợ trẻ đẹp cũng là mầm họa của Đội Hoành sau này. Gánh hát mấy lần được gọi vào diễn riêng trong sơn trại nên Long có dịp thấy tận mắt những bà vợ của viên đội chột mắt. Những người đẹp này chẳng mấy khi được phép ra khỏi trại. Râm ran lời đồn trong số vợ Đội Hoành có cả những người bị hắn bắt sống đem về trại. Cũng không mấy ai được phép vào khu vực sinh hoạt của đại gia đình Đội Hoành. Tuy được coi như chỗ quen biết nhưng khi vào sơn trại Long chỉ được luẩn quẩn vòng lán ngoài, nơi dành cho bọn thợ săn kiêm bảo vệ. Ở đấy luôn có mùi da thú xộc vào mũi. Hoặc da vừa lột phơi hoặc đã xếp thành đống chờ thương lái.

Chiều hôm ấy Long vào trại gặp đúng lúc Đội Hoành tập dượt với bộ hạ ở sân võ, có cả võ quan người Nhật đến dự khán. Trước đây người Pháp nghiêm cấm mở trường dạy võ, cấm luôn các buổi luyện tập thế này. Từ ngày người Nhật thế chân, không khí rèn luyện võ nghệ lại hồi phục ở sơn trại Đội Hoành. Lúc ấy trên sân, để võ quan Nhật mãn nhãn sự cái riêng trong võ học Việt, viên đội đi bài “Hùng kê quyền”, là công phu tập đại thành của Nguyễn Lữ, một trong ba vị anh hùng Tây Sơn. Tuy tuổi trên ngũ tuần nhưng viên đội trông tráng kiện, uy mãnh và nhanh nhẹn khi đi bài quyền đòi hỏi nhiều động tác khó như luôn trụ tấn trên một chân, nhảy chuyển từ trái sang phải và ngược lại, tiến thối liên tục và tung người đá cao.

Bài quyền kết thúc, mọi người vỗ tay tán thưởng. Đang lúc hào hứng, bỗng trông thấy Long, viên đội vẫy hắn đến gần, vừa cười vừa hỏi mày đã thấy võ nghệ và võ tuồng khác nhau thế nào chưa? Mọi người được thêm trận cười hả hê. Long đỏ mặt nói có phần cao giọng rằng sư phụ “Tiết Nhơn Quý” không chỉ múa võ diễn tuồng mà võ công cao cường thật sự. Nhưng không ai thèm nghe lời giới thiệu đầy tự ái của anh kép trẻ. Và sau đó, rất bất ngờ, Đội Hoành nói nhỏ vào tai hắn: “Con hát “Phàn Lê Huê” nhà mày ngon mắt lắm!”. Nói rồi lão cười lớn, cùng võ quan Nhật vào đại sảnh khai tiệc. Lúc ấy mọi người đã tản ra, Long đứng lặng một mình giữa sân. Hắn định quay về gánh hát thì sơn trại náo nhiệt trở lại khi bọn thợ săn bắn được cọp lớn, gánh về đặt ngay giữa sân.

Chưa bao giờ Long thấy một con cọp lớn đến thế và gần đến thế. Chuyện này giúp hắn tạm quên câu nói đầy ám ảnh của viên đội thế lực. Dẫu cọp đã chết từ tối hôm trước nhưng khi đưa tay chạm vào bộ lông ở cổ nó hắn vẫn rụt rè. Sau đó, với chút tò mò, hắn tình nguyện phụ việc lão thợ săn. Lão này vừa mổ xẻ con thú vừa truyền cho hắn những kiến văn nghề rừng. Nhưng thằng Long chỉ để tâm một món đặc biệt, “hổ tu”. Lão thợ săn chỉ vào mũi tên còn cắm vào trán cọp, nói: Tên tẩm độc phân sâu râu cọp đó. Rồi chỉ vào những sợi râu dài hơn ngón tay mọc tua tủa trên mép con cọp, lão nói thêm: Lấy râu cọp cắm vào măng tre rừng. Vài ngày ăn măng râu cọp đẻ ra sâu. Ngâm phân sâu thành thuốc độc, tẩm vào đầu mũi tên. Trúng tên độc râu cọp là vô phương cứu chữa! Sau đó lão còn hào hứng kéo thằng Long vào lán, cho xem những mũi tên đang ngâm trong một ống tre già chứa thuốc độc. Để giết cọp à? Long hỏi. Lão đáp giết đủ thứ. Cả người nữa à? Long rụt rè hỏi tới. Kẻ thù thì hơn gì thú vật, hả? Lão không trả lời mà vặn lại. Long im lặng ra về. Trong túi giấu ba sợi râu cọp.

***

Thu dọn đạo cụ lên chiếc xe bò xong thì đã gần nửa đêm. Long không đi ra giếng đá tắm cùng đồng bọn, sau đó cũng không ăn khuya với nồi cháo gà, mà thẳng vào sạp gỗ, góc của hắn, nằm. Mắt hắn mở thao láo nhìn vào một điểm vô hình nào đó trong bóng tối. m thanh lao xao chung quanh thưa dần rồi im bặt. Cách chỗ hắn nằm chỉ năm bước chân là chõng tre của bầu Quý, nhưng không thấy được vì cách một tấm liếp. Dù vậy hắn biết bầu Quý lúc này không có ở đó. Hắn không nghe tiếng sôi sòng sọc của điếu thuốc lào khi ông thức, cũng không nghe tiếng ngáy quen thuộc khi ông ngủ. Có lẽ ông vẫn còn đôn đốc việc dọn trại ở một góc nào đó trong khu nhà kho lắm ngóc ngách này.

Thế rồi Long ngủ thiếp ngoài ý muốn. Trong giấc mơ hắn sống một cuộc đời khác, cuộc đời của hắn trên sân khấu. Đời Tiết Đinh San. Nghe tin phụ thân Tiết Nhơn Quý mải truy sát tướng Liêu là Dương Phàm, bị hắn dụ dẫn vào tuyệt lộ dưới chân núi Bạch Hổ, Tiết Đinh San kéo chư tướng đi cứu ứng. Dương Phàm xuất hiện, ném bảo bối Kim kỳ tử muốn giết Tiết Đinh San. Nhưng Thiên vương giáp bảo vệ Tiết Đinh San an toàn. Dương Phàm lại trúng một roi của Tiết Đinh San hộc máu tươi, chạy thẳng về ải. Tiết Đinh San tiếp tục tìm phụ thân. Đến trước ngôi miếu đề bốn chữ “Bạch Hổ sơn thần” thì Tiết Đinh San thấy ngựa của Tiết Nhơn Quý, đoán phụ thân đang ở trong miếu. Bỗng một con hổ trắng to lớn từ trong miếu nhảy ra, vờn múa. Tiết Đinh San giương cung bắn ngay một phát. Hổ trắng trúng tên giữa trán, rống lên đau đớn, phóng vào trong miếu. Khi Tiết Đinh San và chư tướng xông vào miếu thì chỉ thấy Tiết Nhơn Quý nằm chết bên bàn thờ, mũi tên của Tiết Đinh San còn cắm giữa trán. Bấy giờ mọi người mới biết bạch hổ là tướng tinh của Tiết Nhơn Quý xuất lộ. Tiết Đinh San vật vã ôm xác cha, khóc lóc thảm thiết...

Long lăn lộn rơi xuống sàn nhà, giật mình tỉnh giấc. Hắn im lặng trở dậy, ngồi xổm như cọp rình mồi trong bóng tối, lần lượt nhớ lại những gì đã quyết trước đấy, trước khi ngủ mê và sống nhập vai tuồng. Tay hắn thận trọng thò vào dưới sạp gỗ, lần mò. Bàn tay chạm vào những vật đã cất giấu: Chiếc cung đạo cụ và tên tẩm độc phân sâu râu cọp. Mũi tên được bọc lá chuối khô. Hắn định thần để biết bầu Quý đã trở về chỗ ngủ hay chưa trong khi hắn thiếp đi. Đúng lúc đó từ bên ngoài dội vào tiếng quát cấp tháo của “Tiết Nhơn Quý”. Rồi tiếng vũ khí sắt thép va chạm cực mạnh. Có cả tiếng “Phàn Lê Huê” kêu lên ú ớ trước khi tắt nghẹn. Hắn ngồi chết cứng trong thế cọp chờ vồ mồi. Cho đến khi mọi âm thanh chuyển từ hú hét dã man sang khóc lóc thảm thiết thì hắn mới nhổm đứng dậy được, chạy ra ngoài. Giữa sân, cánh đàn ông trong gánh hát, có cả những người không kịp băng bó vết thương, đang cùng đám phụ nữ vây khóc bên xác “Tiết Nhơn Quý” nằm sóng sượt trên mặt đất, tay vẫn không buông thanh trường kiếm, mắt trừng trừng nhìn bầu trời đêm, như muốn gửi niềm uất hận lên vành trăng thượng tuần hao khuyết. Trong ánh đuốc chập chờn Long nhận ra mũi tên cắm giữa trán “Tiết Nhơn Quý”. Mũi tên sơn trại. Không nhìn quanh quất nhưng hắn nghe ra trong đám phụ nữ đang khóc than kia không có giọng nữ cao “Phàn Lê Huê”. Cô đã bị bắt sống.

***

Trăng xế đầu non cũng là lúc anh kép trẻ lẳng lặng rời gánh hát tang thương nương theo bóng tối nhắm hướng sơn trại của Đội Hoành một mắt, lầm lũi đi. Trong tay “Tiết Đinh San” là cây cung đạo cụ và mũi tên tẩm độc phân sâu râu cọp.

Lớp lá chuối bọc đầu mũi tên đã được bóc ra. 

Truyện ngắn của Vĩnh Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.