Áp lực của người thầy

31/03/2012 03:44 GMT+7

Thời gian gần đây, dư luận nói nhiều về hiện tượng giáo viên (GV) nặng lời, đánh học sinh (HS). Rõ ràng là GV không được làm điều này nhưng vì sao họ lại liên tục vi phạm đạo đức nhà giáo?

Thời gian gần đây, dư luận nói nhiều về hiện tượng giáo viên (GV) nặng lời, đánh học sinh (HS). Rõ ràng là GV không được làm điều này nhưng vì sao họ lại liên tục vi phạm đạo đức nhà giáo?

Theo quy định hiện nay, GV luôn chịu mọi trách nhiệm. Chất lượng không cao, GV phải chịu. HS vi phạm đạo đức, GV chịu. GV không được đánh, la nặng HS, không được cho HS ở lại hai lần/cấp học…

Sự thật là có một bộ phận HS bây giờ không ngoan hiền như trước, không chịu khó học hành, các em không sợ và không lo cho tương lai của mình. Vào trường thường quậy phá, tụ tập bạn bè đánh nhau, nhậu nhẹt… không hề biết sợ thầy cô... Thời gian một học kỳ có hạn, lớp thì đông, vì vậy GV phải hoàn thành điểm đúng với quy định. Kiểm tra bài cũ nhiều lần, HS không thuộc, nhắc nhở thì có những em ngang nhiên nói: Thầy cô thích cho bao nhiêu điểm thì cho.

Áp lực của GV hiện nay rất lớn, công việc của ngành, công việc ngoài chuyên môn quá nhiều mà quyền hạn để dạy dỗ thì quá ít...

Người thầy phải có một số quyền nhất định và phải được sẻ chia từ phía gia đình HS. Phụ huynh hãy hiểu rằng: Mình có một hai đứa con nhiều lúc còn bất lực, còn phải la mắng hay cho vài cây roi. GV có rất nhiều học trò cùng một lúc, luôn muốn giáo dục các em với tất cả tình yêu thương của người thầy. Nhưng đôi lúc cũng cần phải cứng rắn với những em cá biệt. Thầy, cô nào cũng mong cho học trò tiến bộ, có nhân cách, đạo đức. Vì vậy sự chung tay, cảm thông và sẻ chia giữa gia đình - nhà trường và xã hội là cần thiết để hướng các em trở thành những người công dân có ích cho xã hội mai sau.

Nguyễn Văn Khánh
GV Trường THCS Vĩnh Hanh (Châu Thành, An Giang)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.