Ca tử vong thứ 2 do bệnh tay chân miệng tại TP.HCM

30/03/2012 12:15 GMT+7

(TNO) Sáng 30.3, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vừa thông tin về ca tử vong do bệnh tay chân miệng (TCM) thứ 2 của thành phố trong năm nay.

(TNO) Sáng 30.3, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vừa thông tin về ca tử vong do bệnh tay chân miệng (TCM) thứ 2 của thành phố trong năm nay.

>> Bệnh tay chân miệng vẫn hoành hành
>> Giám sát chặt dịch bệnh tay chân miệng

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết: bệnh nhi tên N.Q.N. (2 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) đã tử vong do bệnh TCM sau 36 giờ nhập viện trong tình trạng bệnh diễn tiến ở cấp độ 4 (cấp độ nặng nhất).

Được biết, bệnh nhân phát bệnh vào ngày 25.3 và nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 cùng ngày với các triệu chứng sốt cao, nôn ói, nổi bóng nước ở lòng bàn tay.

Đến ngày 27.3, bệnh nhân tử vong do tổn thương nhiều cơ quan vì bệnh nặng và chuyển biến nhanh.

bệnh tay chân miệng
Nhiều ca bệnh TCM nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - Ảnh: Nguyên Mi

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, bệnh nhi học lớp 2A của trường Mầm non 9 (Q.3). Trường này có 4 lớp học, gồm 117 trẻ.

Tính đến ngày 27.3, trường có thêm 2 ca bệnh TCM, trong đó có 1 ca cùng lớp với bệnh nhi N. đã tử vong. Sau khi phát hiện ca bệnh, nhà trường đã cho lớp 2A nghỉ học trong thời gian 2 tuần.

Riêng khu vực bệnh nhi cư trú vẫn chưa phát hiện trường hợp mắc TCM nào trong vòng 2 tuần qua.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã cho khử khuẩn phòng bệnh lây lan tại trường và khu vực bệnh nhi N. cư trú.

Tính từ đầu năm 2012 đến nay, TP.HCM có gần 1.500 ca bệnh TCM phải nhập viện điều trị, gấp 3 lần số ca mắc cùng kỳ 2011, với 2 trường hợp tử vong.

Sở Y tế TP.HCM cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch TCM trên địa bàn rất cao.

Đồng thời, bác sĩ Thọ khuyến cáo người dân phòng bệnh bằng cách: tăng cường các biện pháp vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay bằng xà phòng cho trẻ và người giữ trẻ hằng ngày; ngâm rửa đồ chơi, vật dụng của trẻ bằng xà phòng mỗi ngày và khử khuẩn nơi ở, trường học hằng tuần bằng dung dịch Cloramin B.

Nguyên Mi

>> Bệnh tay chân miệng vẫn hoành hành
>> Giám sát chặt dịch bệnh tay chân miệng
>> Điều trị bệnh bạch cầu trong 3 tuần
>> Chưa cần công bố dịch tay chân miệng
>> Không để dịch tay chân miệng bùng phát, lan rộng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.