NSƯT Trung Hiếu làm đạo diễn: Tôi muốn làm mới để vui nghề!

30/03/2012 14:47 GMT+7

NSƯT Trung Hiếu (ảnh) - Trưởng đoàn kịch 2 Nhà hát kịch Hà Nội - quyết định “lấn” sang địa hạt đạo diễn. Anh vừa bắt đầu sự nghiệp đạo diễn với kịch bản “Người đàn bà không tên” (NSND Doãn Hoàng Giang chuyển thể từ tiểu tuyết “Madam X” của nhà văn Mỹ Michel Avallone).

NSƯT Trung Hiếu (ảnh) - Trưởng đoàn kịch 2 Nhà hát kịch Hà Nội - quyết định “lấn” sang địa hạt đạo diễn. Anh vừa bắt đầu sự nghiệp đạo diễn với kịch bản “Người đàn bà không tên” (NSND Doãn Hoàng Giang chuyển thể từ tiểu tuyết “Madam X” của nhà văn Mỹ Michel Avallone).

Đây cũng là bài tốt nghiệp đạo diễn Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội vừa dược “trình làng” tại sân khấu Nhà hát kịch Hà Nội. Trung Hiếu đã chia sẻ về con đường mới của mình.

Lý do gì khi đang sung sức với nghề diễn, anh lại bắt tay vào công việc mới này?

- Mỗi diễn viên khi đến thời kỳ nhất định, khi đã diễn sân khấu, diễn phim ảnh nhiều, thường muốn làm điều gì khác một chút. Làm diễn viên, mình chỉ việc lo cho vai mình thật hay, thật ấn tượng. Nhưng là đạo diễn, mình phải dàn dựng cho người khác, lo cho vai của tất cả diễn viên, biết được ưu - nhược điểm của diễn viên để tiết chế mỗi người trong một tổng thể. Đạo diễn phải bao quát cục diện như một HLV trong trận bóng vậy. Tôi thích được làm như thế! Cho nên, có vai hay, nhân vật yêu thích thì tôi vẫn đóng, mà tìm được kịch bản hay thì sẽ dàn dựng.

Khi ấy, liệu có thể tách bạch hai con người để làm tốt một công việc không?

- Đòi hỏi sự chuyên nghiệp của nghệ sĩ chính ở chỗ đó. Trước kia, nhiều nhà báo hay hỏi tôi diễn sân khấu và điện ảnh khác nhau thế nào. Có những người diễn sân khấu rất hay, nhưng vào điện ảnh lại hơi cứng, hơi kịch, hơi quá. Có người vào phim thì được khen, nhưng lên sàn diễn thì bị chê nhạt quá, không ấn tượng.

Hai cái cùng biểu diễn cả, nhưng thật khác nhau, phải biết điều tiết. Giữa diễn viên và đạo diễn cùng phải cân bằng, biết mình là ai, đang ở đâu, làm gì? Khi làm diễn viên, tôi phải rất tôn trọng đạo diễn. Đạo diễn nói không đúng ý mình, có thể trao đổi, tranh luận để tìm cái chung nhất. Mình có quyền làm thế, nhưng đạo diễn giữ nhịp độ và tổng thể, dù mình có không thích vẫn phải tuân thủ; chứ ai cũng thích theo ý mình thì làm sao có vở hay!

Có những suy nghĩ cho rằng gần đây, nghệ sĩ có chút “chức quyền” thường đi học thêm đạo diễn hoặc nâng cao lên cho “oai”!

- Với tôi, quan trọng là sự đam mê và đi học là để làm việc. Thấy tôi đi học đạo diễn, có người bảo sao dại thế, đã tốt nghiệp ĐH rồi sao lại học ĐH  nữa? Sao không làm cao học, rồi bỏ thêm mấy năm làm tiến sĩ? Nhưng tôi quan niệm đi học để làm nghề chứ không phải để quản lý, để làm lãnh đạo, để cho đẹp cái ghế. Không phải cứ diễn viên giỏi là thành đạo diễn được. Tôi vẫn làm nghề, ở con mắt khác, vị trí khác, được làm mới mình để làm mới nghề, để thêm vui sống, vui nghề.

Kế hoạch sắp tới cho cả hai vai trò của anh?

- Tôi sắp dựng một kịch bản của nhà viết kịch Chu Thơm cho Đoàn kịch Quảng Ninh để dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc vào tháng 7 tới ở Huế hoặc Đà Nẵng. Vở “Người đàn bà không tên” tôi vừa dựng tốt nghiệp sẽ dự liên hoan đạo diễn sân khấu trẻ toàn quốc cuối năm ở TPHCM. Trong dịp tới, nhà hát cũng dựng 2 vở đi hội diễn sân khấu chuyên nghiệp và tôi chắc cũng phải tham gia vai nữa. Rồi tháng 5 dự liên hoan sân khấu quốc tế tại Hàn Quốc. Cuối năm có thể chọn một vở, hoặc vở của mình theo lời mời của Đại sứ quán Pháp hay của Mỹ, đi lưu diễn.

Cảm ơn anh!

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.