Nhiễm độc chì do uống thuốc cam

30/03/2012 08:14 GMT+7

(TNO) Số bệnh nhi dưới ba tuổi, thậm chí một  tháng tuổi nhập viện do nhiễm độc chì tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đang tăng bất thường vì sử dụng thuốc “cam”.

Bên giường bệnh, chị Hoàng Thị Ca, mẹ của bé Nguyễn Nhật Duy (ở H.Lục Nam, Bắc Giang) kể: “Cháu bị nhiệt miệng nên em đến bà lang Tiến gần nhà mua thuốc. Trong xóm cũng nhiều cháu mua thuốc ở đó để bôi. Tuần trước cháu bị co giật, gia đình đưa đi bệnh viện, em cũng cho con khám, mới biết cháu bị nhiễm độc chì trong não”.

Chị Ca còn cho biết: “Ở quê cứ thấy trẻ biếng ăn là mua thuốc cam cho uống, bị nhiệt miệng cũng mua thuốc cam để bôi”.


Bệnh nhi Nguyễn Thị Bình Yên (5 tháng tuổi, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đang điều trị nhiễm độc chì - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Chì là chất đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Có trẻ biểu hiện cấp khi vào viện nhưng có trẻ đã ngộ độc mãn, vào viện thì đã nặng. Vào cơ thể chì theo máu đến gan, thận, não, xương, dây thần kinh…

Ngộ độc chì có biểu hiện: đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi... Có trẻ bị co giật nên dễ nhầm với bệnh động kinh, ảnh hưởng nhiều đến trí não, rất khó hồi phục về trí tuệ, có thể dẫn đến tử vong.

Điều trị nhiễm độc chì có khi kéo dài nhiều năm, nhiều trường hợp phải chịu di chứng. 

Bác sĩ Phạm Duệ

Ở giường bên, mẹ một bé trai 20 tháng tuổi ở Ninh Bình chia sẻ: “Chì nhiễm vào não con em rồi. Cháu cũng dùng thuốc cam, đến lúc bị co giật mới lên đây khám, các bác bảo cháu bị ngộ độc chì trong thuốc cam”. 

Chị Nguyễn Thị Thúy, mẹ một cháu trai 13 tháng tuổi cho biết: “Con em bị nôn, co giật cứng người. Điều trị 10 ngày ở Bệnh viện Nhi, bé hết co giật nhưng không tỉnh táo. Khi xét nghiệm mới thấy lượng chì cao gấp 8 lần bình thường”.

Chị Thúy  lo lắng: “Từ lúc 4 tháng tuổi gia đình đã mua thuốc cam để cho vào bột, cháo ăn. Ở quê nhiều nhà cho con uống thuốc cam cho trẻ hay ăn, chóng lớn...”.

Chị Đoàn Minh Xuân (Hà Nội), người đang chăm sóc con gái 16 tuổi bị di chứng ngộ độc chì tại nhà, chia sẻ: “Khi cháu 4 tuổi, cháu bị sốt cao, co giật. Có người mách ông lang Giáp ở Hà Tây có thuốc tốt nên tôi mua cho con uống. Cháu uống khoảng 3 tháng thì người yếu dần, da xanh mướt, tay chân mềm, không đứng ngồi được, không có phản xạ ăn uống, không nhận ra người thân, chỉ la hét. Xét nghiệm khi đó xác định, cháu ngộ độc chì nặng gấp 60 lần mức cho phép, gây thiếu máu nặng. Chì đã nhiễm vào xương, não. Bệnh viện đã tìm mọi cách để giải độc chì  ra khỏi xương nên cháu không bị ảnh hưởng đến chiều cao nhưng tư duy thì chậm, 16 tuổi  nhưng trí tuệ thì chỉ bằng các bé tiểu học”.

Bác sĩ Phạm Duệ, Giám đốc trung tâm chống độc, Bệnh Viện Bạch Mai cho biết, đại đa số các trẻ vào điều trị ngộ độc chì sau khi dùng thuốc cam. Có khi 9 - 10 trẻ nhập viện cùng lúc, có khi 2 cháu phải nằm một giường, nhiều nhất là ở Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa... Trung tâm đã thông báo về địa phương để kiểm tra, chấn chỉnh những cơ sở bán thuốc có thành phần độc hại.

Nam Sơn

>> Ngộ độc chì do uống thuốc dỏm
>> Bữa sáng giúp trẻ ngừa nhiễm độc chì
>> Ăn sáng, bớt ngộ độc chì
>> Hơn 100 trẻ em thiệt mạng vì ngộ độc chì
>> Coi chừng trẻ bị ngộ độc!
>> 10 nguyên nhân gây ô nhiễm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.