Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách “đường lưỡi bò”

29/03/2012 03:01 GMT+7

Khởi sự là một bản đồ mơ hồ, giờ đây Trung Quốc (TQ) đang muốn cụ thể hóa âm mưu độc chiếm biển Đông bằng cách xác định tọa độ đối với yêu sách “đường lưỡi bò” ngang ngược. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ làm rõ âm mưu tuyên truyền về chủ quyền của TQ cũng như những đối sách mà VN cần thực hiện.

Thời gian qua, TQ thường xuyên thực hiện các biện pháp “đánh du kích” bằng cách chèn bản đồ có yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý trên biển Đông vào nhiều tài liệu quốc tế. Giờ đây, nước này đang thực hiện kế hoạch một cách bạo liệt hơn, với sự huy động hàng loạt bộ ngành vào cuộc.

Xác định tọa độ “đường lưỡi bò”

Ngày 27.3, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Trương Văn Linh, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc Học viện Khoa học xã hội TQ, nói: “Phần lớn các vùng biển tranh chấp đều ngoài tầm với vì chúng ta chưa biến những tuyên bố thành hành động”. Hành động mà ông Trương đề cập ở đây sẽ là việc chính thức vẽ bản đồ chi tiết các khu vực mà TQ đòi hỏi chủ quyền tại biển Đông. Ông này tuyên bố: “Bằng cách vẽ bản đồ, TQ có thể củng cố các tuyên bố chủ quyền và tiến hành các bước xa hơn nữa, chẳng hạn khai thác tài nguyên gần quần đảo Nam Sa”. Nam Sa là cách gọi của TQ trong nỗ lực ngụy xưng chủ quyền tại quần đảo Trường Sa của VN.

Cùng ngày, tờ South China Morning Post trích thông báo của Cục Quản lý khảo sát, bản đồ và thông tin địa lý quốc gia TQ (NASMG) nêu: “Chính phủ sẽ tiếp tục chương trình nghiên cứu vẽ bản đồ Nam Hải (cách TQ gọi biển Đông), hoàn thành và phát hành bản đồ Nam Hải cùng các đảo trực thuộc để trình bày các tuyên bố chủ quyền”. Nhà nghiên cứu Trịnh Trạch Dân của Học viện Nghiên cứu Nam Hải tại tỉnh Hải Nam nói rằng bản đồ mới sẽ định rõ tọa độ của yêu sách đường chữ U. Yêu sách đường lưỡi bò - hay “đường chữ U”, “đường 9 đoạn” - khởi sự là một bản đồ được Trung Hoa Dân Quốc xuất bản năm 1948 với tựa đề Bản đồ vị trí của các đảo trên biển Đông. Đường lưỡi bò trong bản đồ nguyên thủy không nhằm mục đích khẳng định chủ quyền, mà chỉ nhằm thể hiện sự hiện hữu của các đảo trên một vùng biển. Giờ đây, chính quyền TQ đã biến một bản đồ có tính chất chung chung đó thành tuyên bố chủ quyền cụ thể (bao quát gần trọn biển Đông) và họ không ngừng phát hành bản đồ có đường yêu sách ngang ngược ấy ra thế giới.

Thông báo của NASMG còn cho biết bản đồ mới là một phần trong chiến dịch tuyên truyền chủ quyền được thực hiện bởi nhóm chuyên trách thuộc 13 bộ ngành, gồm: Bộ Ngoại giao, Công an, Giáo dục, Nội vụ, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình, xuất bản quốc gia... Có thể thấy TQ đang huy động hầu hết các cơ quan chính phủ then chốt để phục vụ âm mưu tuyên truyền về chủ quyền. Thông báo còn nêu: “Tuyên truyền và giáo dục biên giới quốc gia là phục vụ cho sự cần thiết để thúc đẩy lòng yêu nước”. Đây là luận điệu hoàn toàn sai lệch vì lòng yêu nước trái ngược với âm mưu thôn tính chủ quyền quốc gia khác.

Kế hoạch 5 năm

Thời gian qua, TQ thường xuyên thăm dò, khảo sát đại dương, không ngừng nâng cấp tàu lặn để thực hiện các hoạt động này. Mỗi lần như thế, đại diện nước này thường né tránh, chỉ nói rằng các hoạt động trên là nhằm “nghiên cứu khoa học”. Giờ đây, thông tin về việc vẽ bản đồ cho thấy các hoạt động thăm dò, khảo sát đại dương đều phục vụ cho kế hoạch thâu tóm biển Đông mà TQ đang tiến hành.

 
Trung Quốc ra sức củng cố yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý. Nguồn - Ảnh: CIA World Factbook

Những hoạt động trên nằm trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (từ 2011 - 2015) mà TQ đang triển khai. Mới đây, tờ Asahi Simbun dẫn lời thiếu tướng La Viện, Phó tổng thư ký Hội Khoa học quân sự TQ, cho hay nước này đang tiến hành một loạt hoạt động liên quan đến củng cố các tuyên bố chủ quyền trong kế hoạch 5 năm. Theo đó, Bắc Kinh dự định thiết lập cả Bộ Đại dương phụ trách kiểm soát các vùng biển, “quân sự hóa” các lực lượng hải giám, ngư chính… Nói cách khác, Bắc Kinh có thể đang mưu tính tự vẽ bản đồ rồi tự kiểm soát, khai thác vùng biển của các nước khác một cách bất hợp pháp. Cứ như thế, sau một thời gian dài, họ biến vùng biển nước khác thành của họ, bất chấp luật pháp quốc tế.

Một số chuyên gia nhận định, Bắc Kinh đang thực hiện kế hoạch dài hạn theo kiểu “mưa dầm thấm đất” để “hợp pháp hóa” những đòi hỏi vô lý. Chuyên gia Ernest Z.Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nhận xét: “Nhiều nhà phân tích cho rằng các thông điệp không nhất quán của TQ nằm trong chiến lược dài hơi về đòi hỏi chủ quyền, trong đó có nỗ lực biến các yêu sách lịch sử thành yêu sách pháp lý”. Chuyên gia phân tích chính sách hàng hải Mark Valencia ở Hawaii, Mỹ, thì đánh giá TQ đang cố tạo ra các bằng chứng để củng cố tính pháp lý trong những tuyên bố chủ quyền. Vì thế, VN cần nhanh chóng triển khai kế hoạch phòng ngừa những thủ thuật ẩn chứa nguy cơ lâu dài mà TQ đang tiến hành.

Động thái quen thuộc

 
Việc TQ phát hành bản đồ đường 9 vạch thì không có gì mới. Họ từng đính bản đồ này trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ để đáp lại yêu sách của Philippines...

Đối với động thái mới nhất của TQ, VN có thể đưa ra phản đối chính thức như thường lệ, đồng thời tái khẳng định yêu sách về chủ quyền của mình... VN cũng có thể phối hợp cùng các bên khác tiến hành các biện pháp pháp lý, trong đó có thể bao gồm việc tìm kiếm ý kiến từ trọng tài quốc tế, chẳng hạn như Tòa án quốc tế về luật Biển (ITLOS).

Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ)

“Mưa dầm thấm đất”

 
Hồi đầu tháng, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao TQ nói rằng “không nước nào đòi chủ quyền toàn bộ biển Đông”. Nhiều người cho rằng như vậy là TQ bớt cứng rắn hơn trong lập trường. Nhưng nếu xem xét lại một chuỗi hành động gần đây của TQ, có thể thấy rằng nước này không chỉ có một giọng điệu duy nhất về các mục tiêu và ý định của họ tại biển Đông...

Nhiều nhà phân tích cho rằng các thông điệp không nhất quán của TQ nằm trong một chiến lược dài hơi của họ về đòi hỏi chủ quyền, trong đó có nỗ lực biến các yêu sách lịch sử thành yêu sách pháp lý. Nếu các nước yếu hơn không phản đối các yêu sách này và đưa ra yêu sách của chính mình, thì theo thời gian, bằng sức mạnh quân sự, bằng phát ngôn cứng rắn và bằng áp lực kinh tế, các yêu sách của TQ sẽ có chỗ đứng pháp lý mạnh hơn.

Ernest Z.Bower
(Cố vấn cấp cao, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế)

Phép thử

 
Những động thái gần đây của nhà cầm quyền TQ theo tôi có các lý do sau đây: Thứ nhất là họ muốn duy trì liên tục tham vọng của nhiều thế hệ TQ trong việc độc chiếm biển Đông. Một lý do nữa đó là, vào quý 3/2012, đại hội đảng Cộng sản TQ sẽ diễn ra, có thể họ muốn dư luận thế giới bớt quan tâm đến các vấn đề nội bộ bằng cách gây điểm nóng ở biển Đông.

Nhưng quan trọng nhất, tôi cho rằng đây là phép thử phản ứng mà TQ đưa ra sau tuyên bố của Mỹ trong chiến lược đối với châu Á và có sự thay đổi trong thế ứng xử của các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á như Myanmar, Philippines cũng như thăm dò thái độ của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku trong vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á và châu Á -  Thái Bình Dương.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc

Đỗ Hùng - An Điền -  Ng.Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.