Thất thoát lúa do thiếu máy gặt đập

29/03/2012 09:32 GMT+7

Nhiều nông dân ở ĐBSCL đang vô cùng lo lắng khi lúa đông xuân đã chín rục trên đồng nhưng không thể thuê được máy gặt đập liên hợp (GĐLH) để thu hoạch. 

Thất thoát lớn

Tiến sĩ (TS) Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL nhìn nhận hiện nay, 60% diện tích lúa ở ĐBSCL vẫn còn phải thu hoạch thủ công, do vậy tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn rất lớn, khoảng từ 12-14%. Đặc biệt, do các địa phương xuống giống đồng loạt để tránh dịch bệnh, né rầy nâu nên thu hoạch đông ken trên diện rộng, dẫn đến tình trạng thiếu máy gặt đập nghiêm trọng. Giá thu hoạch lúa bằng máy GĐLH từ 250.000-300.000 đồng/công hồi đầu vụ, nay đã tăng lên 450.000-500.000 đồng/công (đối với lúa đứng) và từ 550.000-650.000 đồng/công (đối với lúa ngã). Đây là giá cao nhất từ trước tới nay.

Trong khi đó, giá gặt tay cũng tiếp tục leo thang. Ông Trần Văn Hai (ngụ H.Hồng Ngự, Đồng Tháp), than vãn: “Giá nhân công cắt lúa trung bình 500.000 đồng/công, tiền suốt lúa 150.000 - 200.000 đồng/công và tốn thêm 70.000 - 80.000 đồng thuê người mang rơm trải đều lên mặt ruộng để đốt… Chi phí cao quá nên vụ này, dù trúng mùa nhưng nông dân lời rất ít”.

Toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 6.500 lò sấy công suất nhỏ (4 tấn), mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. TS Phạm Văn Tấn, Phó giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT), cho biết tổn thất sau thu hoạch lúa gạo tại ĐBSCL hiện nay còn khá cao: phơi sấy mất 4,2%, thu hoạch 3%, xay xát 3%, bảo quản 2,6%, vận chuyển 0,9%. “Nếu như tất cả các khâu thu hoạch đều có khiếm khuyết thì tổn thất có thể lên đến 20,6%. Ngoài ra, tổn thất các phụ phẩm khác của lúa gạo cũng lên đến 50%. Bên cạnh đó, các mất mát về chất cũng rất lớn. Trong các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam thì gạo cấp thấp chiếm đa số, giá bán thường thấp hơn gạo của Thái Lan và Mỹ từ 80-100 USD/tấn”, TS Tấn nhấn mạnh.  


Thu hoạch lúa bằng máy GĐLH giảm thất thoát, giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân - Ảnh: Đoàn Lập Vũ

Đẩy mạnh cơ giới hóa

Chuyên gia Martin Gummert, Viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI, cho rằng nếu Việt Nam giảm được sự thất thoát sau thu hoạch sẽ góp phần đảm bảo an ninh lương thực và tăng thu nhập cho nông hộ.

Muốn làm được điều đó, theo TS Lê Văn Bảnh, cơ giới hóa là điều kiện bắt buộc phải đẩy mạnh trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là để thực hiện mục tiêu giữ vững diện tích sản xuất lúa. Các nước sản xuất lúa gạo mạnh trên thế giới tổn thất khoảng 3,9-6%. Ở Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng đang đặt mục tiêu giảm thất thoát sau thu hoạch xuống còn 6-8%. Phấn đấu đến năm 2015, có 80% diện tích lúa ở ĐBSCL thu hoạch bằng máy, đòi hỏi thời điểm đó phải có 12.500 máy GĐLH. Đồng thời, khâu phơi sấy, xay xát, tồn trữ cũng phải được đặt biệt chú trọng đầu tư.

Tuy nhiên, vấn đề đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất lúa đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa 4 triệu tấn ở ĐBSCL đang bị chậm trễ. Số nhà máy sấy lúa công nghiệp quy mô lớn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo một lãnh đạo ngành nông nghiệp ở  ĐBSCL, cái khó nhất hiện nay là vốn giải ngân đẩy mạnh việc cơ giới hóa bị ách tắc vì vướng quy định. Cụ thể, Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản” chỉ hỗ trợ đối với máy thu hoạch lúa có tỷ lệ nội địa hóa từ 60% trở lên. Trong khi hầu hết các máy GĐLH được nông dân ưa sử dụng đều có tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Hai bộ phận quan trọng của máy GĐLH là động cơ và hộp số đều phải nhập. Do vậy, máy lắp ráp trong nước cũng khó có thể đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%. Mặt khác, máy nội địa dù giá rẻ nhưng hay bị sự cố, chất lượng lúa thu hoạch không cao. Trong khi đó, các loại máy GĐLH ngoại nhập có tính năng kỹ thuật tốt lại có giá cao, từ 220-550 triệu đồng/máy. Nếu không có sự hỗ trợ vốn và lãi suất từ ngân sách nhà nước thì rất ít nông dân đầu tư nổi.

Các nhà quản lý cho rằng phải xây dựng vùng chuyện canh cây lúa có quy mô lớn. Ngoài ra, cơ chế, chính sách nên thiết thực hơn nữa để nông dân dễ tiếp cận với sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc đầu tư vùng lúa nguyên liệu, xây dựng dây chuyền chế biến, nhà máy sấy, kho chứa theo hướng hiện đại, thu mua tồn trữ… rất cần được chú trọng. Đặc biệt, phải sớm có chính sách kêu gọi đầu tư, ứng dụng công nghiệp hỗ trợ hiệu quả cho nông nghiệp.

Đoàn Lập Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.