Bí ẩn chương trình không gian của Triều Tiên

27/03/2012 03:56 GMT+7

CHDCND Triều Tiên từng 2 lần tuyên bố phóng thành công vệ tinh vào quỹ đạo nhưng bị cáo buộc là nhằm thử tên lửa trá hình.

Đến nay, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục khẳng định sẽ tiến hành kế hoạch phóng tên lửa đẩy trong khoảng thời gian từ ngày 12-16.4 để đưa một vệ tinh quan sát vào không gian. Đây là lần thứ ba CHDCND Triều Tiên nỗ lực phóng vệ tinh dân sự, khẳng định quyền khai thác không gian hòa bình, bất chấp các cáo buộc từ Hàn Quốc và phương Tây.

Vệ tinh… phát nhạc

Theo chuyên trang không gian Astronautix, CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên phóng vệ tinh tên Kwangmyŏngsŏng-1 (Quang Minh Tinh 1) lên không gian vào ngày 31.8.1998. Một ngày sau, KCNA thông báo vệ tinh trên đã thành công bay vào quỹ đạo trái đất và được tích hợp những “thiết bị âm thanh cần thiết” để phát các bản nhạc ca ngợi 2 cha con lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) và Kim Jong-il. Đây là điều mà Bình Nhưỡng tự hào rằng đã “đóng góp vào sự thúc đẩy nghiên cứu khoa học vì mục tiêu hòa bình không gian”. Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên cũng khẳng định Kwangmyŏngsŏng-1 đánh dấu bước tiến trên con đường chinh phục vũ trụ của nước này.

Tuy nhiên, vệ tinh của Bình Nhưỡng tròn méo thế nào thì không ai rõ do được phóng đi một cách bí mật. Vì thế, thành công trên đến nay vẫn là một bí ẩn. Một số nguồn tin chưa được xác nhận cho rằng vệ tinh trên “hao hao” vệ tinh Đông Phương Hồng 1 của Trung Quốc phóng đi hồi năm 1970. Tuy nhiên, tờ The New York Times khi đó trích nguồn tin từ giới chức quốc phòng Mỹ tuyên bố CHDCND Triều Tiên hoàn toàn thất bại trong lần phóng vệ tinh đầu tiên. Báo này dẫn lời ông James P. Rubin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó, nói: “Chúng tôi khẳng định rằng Bình Nhưỡng đã nỗ lực phóng đi một vệ tinh rất nhỏ nhưng không thể đưa nó vào quỹ đạo”.

Trong khi số phận vệ tinh đầu tiên vẫn chưa rõ ràng, KCNA ngày 5.4.2009 tiếp tục đưa tin CHDCND Triều Tiên phóng thành công Kwangmyŏngsŏng-2. Lúc bấy giờ, Bình Nhưỡng cũng khẳng định vệ tinh thứ hai, với những thiết bị phát các bài hát ca ngợi ông Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, nhằm đóng góp vào hòa bình trên không gian. Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên cho hay vệ tinh thứ hai còn được tích hợp khả năng kết nối viễn thông. Thế nhưng, Mỹ lẫn Hàn Quốc đều khẳng định miền Bắc tiếp tục thất bại. Thêm vào đó, AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của quân đội Nga khẳng định vệ tinh của Triều Tiên không vào được quỹ đạo. Tương tự lần trước, số phận Kwangmyŏngsŏng-2 vẫn tiếp tục là một ẩn số, không được cơ quan độc lập nào xác nhận.

 
CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh bằng tên lửa Unha-2 -  Ảnh: AFP

Thử tên lửa tầm xa?

Dù Hàn Quốc và phương Tây tuyên bố 2 lần phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên đều thất bại nhưng vẫn chỉ trích nước này “thử tên lửa trá hình”. Sau lần phóng năm 1998, Tổng thống Mỹ Bill Clinton phê chuẩn đạo luật triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia. Theo Tổ chức nghiên cứu The Heritage Foundation, đạo luật trên nhằm đối phó nguy cơ từ tên lửa đạn đạo Taepodong-1. Washington cho rằng hệ thống phóng vệ tinh Kwangmyŏngsŏng-1 thực chất là phiên bản của Taepodong-1. Vì thế, việc phóng vệ tinh trên chỉ nhằm thử tên lửa tầm xa được cho là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân này, theo The New York Times. Thêm vào đó, giới chức quân sự Mỹ khẳng định nếu Taepodong-1 được hoàn thiện thì sẽ đạt tầm bắn 4.000 km.

Tương tự, khi đưa tin phóng thành công Kwangmyŏngsŏng-2 vào quỹ đạo, KCNA cũng kèm theo thông điệp khẳng định đây còn là bước ngoặt trong việc phát triển tên lửa đẩy Unha-2. Thế là Mỹ lại tiếp tục cáo buộc Unha-2 thực chất là phiên bản của tên lửa tầm xa Taepodong-2 với tầm bắn 6.700 km và mang được đầu đạn hạt nhân, theo Reuters. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đưa ra các cáo buộc tương tự. Vì thế, nhiều năm qua 2 nước này cùng phương Tây thường xuyên yêu cầu Bình Nhưỡng ngưng phóng vệ tinh, coi đây là một trong những điều kiện cho các cuộc đàm phán về hạt nhân và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ngược lại, CHDCND Triều Tiên lâu nay bác bỏ hoàn toàn mọi chỉ trích và cáo buộc nói trên.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.