Sau một tuần vẫn chưa khắc phục sự cố

25/03/2012 03:01 GMT+7

Một tuần qua kể từ khi xảy ra sự cố rò rỉ nước qua thân đập thủy điện Sông Tranh 2, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nước vẫn tuôn ra từ thân đập.

Đến chiều 24.3, hiện tượng nước rò rỉ qua thân đập tại thủy điện Sông Tranh 2 (H.Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa được khắc phục. Tuy các công nhân đã dùng ống dẫn cỡ lớn để đưa nước từ các chỗ rò rỉ ra ngoài và vào hầm trong thân đập để xử lý, nhưng lượng nước thoát ra vẫn còn rất nhiều. Đặc biệt, điểm rò rỉ sát mép đập tràn (phía bên phải) nước chảy thành dòng lớn dù ống dẫn nước đã được lắp đặt.

Khó khăn lắm chúng tôi mới có thể đến chân đập bởi tại khu vực này ban quản lý công trình đã rào lại bằng lưới thép B40. Ngay tại cổng, một công nhân ra sức ngăn cản không cho ai vào. Chúng tôi theo con đường dẫn lên đỉnh đập (phía bên phải nhìn từ thượng lưu) rồi lần xuống theo một lối mòn. Tại đây, cánh cửa sắt dẫn vào đường hầm trong thân đập đã bị khóa trái và chỉ mở ra khi có một nhóm người vào hầm trong khoảng hơn 40 phút.

Theo các công nhân, họ chỉ đang “làm vệ sinh” đường hầm thân đập và đây là công việc thường xuyên. Nhưng qua quan sát thì phía bên trong đường hầm có nhiều ống nhựa dẫn nước còn mới được đưa vào. Đứng sát cổng vẫn có thể nghe rõ mồn một tiếng khoan máy. Ngay tại cổng đường hầm (điểm giữa thân đập), một tốp công nhân đang cố gắng chuyển một lượng đá sỏi, vôi vữa ra bên ngoài.

Cũng trong chiều hôm qua, vì lo ngại từ những điểm rò rỉ nước đập thủy điện Sông Tranh 2, nhiều người dân đã kéo đến địa phận xã Trà Tân, nơi thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra sự cố để dõi xem các công nhân khắc phục các vết nứt. Do không được vào bên trong để chứng kiến, nhiều người đã lên tận đỉnh đập để đứng xem. Nhiều ngày qua, loa phát thanh ở trung tâm TT.Bắc Trà My liên tục phát các bản tin trấn an người dân nên an tâm về mức độ an toàn của thủy điện Sông Tranh 2.


Chiều 24.3, nước rò rỉ qua thân đập vẫn tuôn thành dòng - Ảnh: Hoàng Sơn

Nguy cơ người dân bỏ đi

Theo ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, điều người dân cần là kết luận khoa học của cơ quan chức năng, đặc biệt là từ sau các trận động đất kích thích do hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 gây ra hồi tháng 11.2011 đến nay, nỗi hoang mang của người dân liên tục tăng lên.

Theo thống kê của UBND H.Bắc Trà My, hiện toàn huyện có hơn 50% hộ nghèo, đặc biệt là đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn do mới thoát khỏi tình trạng du canh du cư. Ông Đặng Phong cho biết sau khi khảo sát về động đất hồi tháng 11.2011, cơ quan chức năng đã hứa sẽ đặt trạm quan trắc để cảnh báo cho người dân an tâm, nhưng trạm quan trắc đến nay vẫn chưa thấy, còn đập thủy điện rò rỉ nước sau một tuần vẫn chưa khắc phục được khiến người dân không khỏi hoang mang. Ông Phong cảnh báo trong thời gian tới nếu sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 không được khắc phục kịp thời và cơ quan chức năng không đưa ra kết luận khoa học, rất có thể người dân sẽ tự di dời đến các nơi ở mới - điều mà chính quyền địa phương nhiều năm qua đã rất vất vả tái định cư. 

Bỏ ngỏ câu hỏi quan trọng

Chiều 24.3, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên có chuyến tìm hiểu thực tế tại thân đập thủy điện Sông Tranh 2, sau đó làm việc với Ban Quản lý thủy điện 3, nhưng nội dung buổi làm việc không được tiết lộ. Trước đó, tối 23.3, khi cuộc họp giữa Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng với Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực VN kết thúc và đưa ra kết luận ban đầu về sự cố  rò rỉ nước tại thủy điện Sông Tranh 2, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, đại diện cho địa phương đã đặt vấn đề với TS Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), về mối liên hệ giữa sự cố hiện tại với vụ động đất kích thích hồi cuối năm 2011. “Đây là câu hỏi quan trọng nhất, nhưng đã bị bỏ trống, chưa được trả lời”, ông Quang nói với Thanh Niên chiều 24.3.


Ông Nguyễn Ngọc Quang (ngoài cùng, bên phải) trong chuyến khảo sát tình hình rò rỉ nước ở đập Sông Tranh 2 - Ảnh: V.M.T

H.X.H

“Cần có phương án di dời dân ở vùng hạ lưu”

Sau khi TS Bùi Trung Dung, Phó cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), có nhận định về việc thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My, Quảng Nam) rò rỉ là có sai sót, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục bày tỏ quan điểm không tán đồng về cách lý giải này.

Ông Tập khẳng định: “Theo sự hiểu biết của tôi thì công trình này phải được khẩn trương tìm ra giải pháp khắc phục ngay chứ không thể để tiếp tục phát điện. Đập ngăn sông trọng lực như đập thủy điện Sông Tranh 2 thuộc loại đập cao không chỉ của VN mà của cả thế giới. Vật liệu xây dựng đập là bê tông toàn khối và biện pháp thi công là đầm lăn có mác bê tông thấp so với bê tông mác cao thông thường. Tôi chưa có điều kiện tiếp cận hồ sơ thiết kế nên không rõ phần bê tông chống thấm ở mặt trước của đập đã được thực hiện như thế nào, liên kết với bản đáy ra sao và các kết cấu chống thấm qua khe co giãn (khe nhiệt) có đảm bảo hay không mà tạo thành dòng chảy ở hạ lưu như vậy”.

Nếu cứ để tiếp tục chảy như vậy, theo ông có nguy hiểm?

Quá nguy hiểm. Như tôi nói ở trên, bê tông đầm lăn rất ít xi măng so với bê tông thường (chưa đến 150 kg/m3 bê tông), nếu để nước thấm qua như vậy sẽ mang theo chất kết dính là xi măng ra ngoài, chất lượng bê tông nhanh chóng giảm sút, dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình và những nguy cơ kế tiếp sau đó sẽ rất khó lường.

Vậy theo ông, điều cấp thiết cần làm lúc này là gì?

Tôi nghĩ, ưu tiên hàng đầu hiện nay là an toàn cho nhân dân vùng hạ lưu chứ không phải là tranh thủ phát điện. Không vì lợi ích cho một đơn vị hay là lợi ích nhỏ nào đó mà không chấp nhận hạ mực nước hồ xuống càng thấp càng tốt, để nhanh chóng tìm được biện pháp khắc phục. Sao lại ngồi chờ hạ mực nước thông qua tranh thủ phát điện trong tình hình này? Chỉ có hạ mực nước thấp nhất mới có thể khảo sát thực tế trực tiếp và đưa ra giải pháp khắc phục tốt nhất. Không nên nhìn từ bên ngoài để “đoán bệnh” như hiện nay đang làm nữa.

Ông có cho rằng sự cố này có liên quan đến những trận động đất vừa qua không?

Tôi không phải là nhà địa chất học, nhưng tôi hiểu rõ hiện tượng động đất và những mối liên quan. Bắc Trà My, nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2 lại nằm ngay vùng tuyến đứt gãy địa chất kéo dài băng qua. Như vậy xa xưa đã có động đất và vừa rồi lại có động đất ở vùng này. Phương động đất lại tác động theo 3 chiều nên những công trình nằm gần vùng động đất dứt khoát khó tránh khỏi ảnh hưởng của nó. Phải khảo sát kiểm tra thật kỹ để rút ra được những lỗi kỹ thuật và thi công mới có thể đề ra giải pháp khắc phục đúng đắn và chính xác nhất.

Có cần phương án phòng tránh cho hạ lưu nếu sự cố xảy ra?

Rất cần một phương án chủ động phòng tránh khi có sự cố ở công trình này cũng như những công trình tương tự. Tập đoàn điện lực phải chỉ đạo cho Công ty khai thác thủy điện Sông Tranh 2 đầu tư kinh phí cùng với tỉnh Quảng Nam lập phương án di dời, đối phó, phòng tránh thật hoàn chỉnh ở vùng hạ lưu trực tiếp của công trình này. Tôi muốn nói một lần nữa là phải xem tính mạng của người dân là trên hết, không vì lợi ích trước mắt của một bộ phận mà coi thường tính mạng của người dân.

Diệu Hiền
(thực hiện)

Nguyễn Tú - Hoàng Sơn

>> Tính mạng người dân là trên hết
>> Vụ rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2: Cơ quan chức năng khẳng định đập an toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.