Cố tình chậm tiến độ để “ăn” chênh lệch giá

24/03/2012 03:44 GMT+7

Ăn chia, đưa người thân vào các vị trí "béo bở", cố tình chậm tiến độ để ăn chênh lệch giá... là vấn đề được mổ xẻ tại hội nghị quản lý tiến độ và đảm bảo chất lượng các dự án giao thông sáng 22.3 tại Hà Nội.

Nhà thầu “chia tiền” cho tư vấn

Đây không phải lần đầu tiên Bộ GTVT tổ chức hội thảo về chất lượng các dự án, tuy nhiên, câu chuyện vẫn vòng quanh khi chủ đầu tư nói tại nhà thầu, nhà thầu đổ lỗi cho tư vấn. Ông Phan Quốc Hiếu, Tổng giám đốc (TGĐ) Tổng công ty (TCT) xây dựng Thăng Long cho rằng, lỗi ở công trình hiện nay quy hết cho nhà thầu là không sòng phẳng. Nhà thầu làm ẩu phải chịu trách nhiệm, nhưng tạo điều kiện cho nhà thầu làm ẩu là tư vấn giám sát. Phải phân rõ trách nhiệm chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thi công.

 
QL 91B (Cần Thơ) dài hơn 15 km, thi công hơn 15 năm, khánh thành 10 ngày thì hư hỏng - Ảnh: M.H

Trước bức xúc của ông Hiếu, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đặt câu hỏi “thế nhà thầu có chia tiền cho tư vấn giám sát không?”. Thừa nhận có hiện tượng này, theo ông Hiếu, đây là quan hệ hai bên, nhưng do tư vấn giám sát VN vô cùng nhũng nhiễu.

 

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu, phải ban hành và công bố danh sách các nhà thầu đủ năng lực, gạt đơn vị “làm yếu nhưng chạy khỏe”, quy định tiêu chí công trình nào được phép điều chỉnh, công trình nào không. Đồng thời, rà soát lại phân cấp, tăng quyền quản lý tối đa cho BQL, trong đó có quyền mời tư vấn, nhà thầu không đủ điều kiện ra khỏi dự án.

Tuy nhiên, ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch - TGĐ TCT tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) lại cho rằng, nhà thầu là người làm mới biết chất lượng công trình. Tư vấn giám sát chỉ là người cảnh báo, không làm thay được nhà thầu, có quy định tư vấn được đình chỉ thi công, làm việc với nước ngoài, tư vấn có quyền cao, được quyết giá, nhưng thực tế dự án trong nước không làm được điều này. Ông Sơn cũng “kêu”, lương tư vấn thấp, có khi bắt đầu như lao động phổ thông đi lên, không đủ sống, nên cần xem lại đơn giá tư vấn giám sát. Cũng theo ông Sơn, tư tưởng bỏ thầu theo đơn giá rồi sau đó điều chỉnh này kia để tăng là tư tưởng ăn sâu vào các nhà thầu. Nhưng đại diện chủ đầu tư phải nhận trách nhiệm, không thể đổ lỗi hết cho nhà thầu vì anh chính là người thẩm định hồ sơ…

Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN cho rằng, chất lượng tư vấn giám sát VN rất yếu, quân thuê tướng mượn, “ốm tha già thải” nhưng vẫn cho ra công trường. Trong luật có quy định, chủ đầu tư không cần thiết phải thuê tư vấn giám sát nếu đủ năng lực. Nhưng theo ông Thăng, “không phải chủ đầu tư không biết nên thuê tư vấn giám sát, anh biết nhưng anh vẫn thuê để đùn đẩy trách nhiệm”.

 

Tôi đã cảnh báo chủ đầu tư, nếu anh chọn là anh chết, nhưng các anh vẫn chọn. Vì các anh chưa giao công trình cho họ, anh đã cầm visa sang nước họ chơi rồi, thì làm sao nói được

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức

Ban quản lý dự án đang là “nhà trẻ”

Cho biết từng 10 năm làm TGĐ BQL dự án, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức, đến bây giờ vẫn còn tình trạng có rất nhiều “trẻ em” là người nhà ông này ông kia ở trong BQL. Việc lựa chọn nhà thầu đang rất có vấn đề, ngay cả nhà thầu nước ngoài. Dẫn lại câu chuyện nhà thầu gói 2, gói 3 dự án cầu Cần Thơ trước đây từng xảy ra sự cố, vì nhiều lý do nhưng khi đó chỉ xử lý được bằng cách chia sẻ khối lượng, nhưng cũng chính nhà thầu đó lại làm tiếp mười mấy cây cầu khác. “Tôi đã cảnh báo chủ đầu tư, nếu anh chọn là anh chết, nhưng các anh vẫn chọn. Vì các anh chưa giao công trình cho họ, anh đã cầm visa sang nước họ chơi rồi, thì làm sao nói được”, ông Đức chỉ rõ vấn đề.

Trong khi đó, theo ông Hiếu, định mức để lập đơn giá tính giá trần chưa hợp lý, lạc hậu. Lượng tiền ít đương nhiên nhà thầu không thể làm được, đề nghị Bộ xem xét lại một số định mức để đủ tiền xây dựng công trình đảm bảo kỹ thuật. Nhưng Bộ trưởng Thăng đặt lại vấn đề: “Nhà thầu trong nước biết giá thầu thấp như vậy nhưng tại sao lại cố tình làm?”.

Đặt ra câu hỏi về trách nhiệm, theo ông Nguyễn Ngọc Long, khi xảy ra sự cố cầu Cần Thơ, nhà thầu Nhật Bản đã cúi đầu xin lỗi. Nếu là dự án ở VN, điều gì sẽ xảy ra. Chắc chắn không có ai nhận lỗi. “Có hay không chuyện “mua bán” giữa chủ đầu tư, BQL, tư vấn, nhà thầu… tôi nói là có. Chủ đầu tư sợ nhà thầu, sau khi đấu thầu xong thì kêu Bộ, nhà thầu làm chậm, không tốt cũng kêu Bộ. Chúng ta không được vị nể, nếu nể quá sẽ dẫn nhau đi xuống vũng lầy, kinh nghiệm này trong ngành đã có”, ông Đức nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng đặt câu hỏi: có bao nhiêu giám đốc, TGĐ, giám đốc các sở đọc hết các điều khoản hợp đồng, hay lại biến hợp đồng thành việc hợp thức hóa đưa người thân vào các vị trí? Hỏi Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng năm qua có bao nhiêu người bị đuổi ra khỏi dự án, không trả lời được, vì các chủ đầu tư đã né cả, đuổi ai chỉ là Bộ đuổi. Ông Đức cũng đề xuất trong tháng 4 phải đưa ra được tiêu chí phân loại, sắp xếp lại các chủ đầu tư, trong 1 năm, bao nhiêu dự án phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế thì ông TGĐ phải đi chỗ khác chơi, không thể đổ hết cho Bộ.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.