Tan hoang vì vàng sa khoáng

23/03/2012 03:01 GMT+7

Đi dọc con sông Vàng qua địa phận xã Tư (H.Đông Giang, Quảng Nam) đâu cũng nghe tiếng máy nổ gầm thét, tiếng động cơ chát chúa vang lên cả một góc trời. Nạn khai thác vàng trái phép đã dẫn đến nhiều hệ lụy: đất sản xuất bị thu hẹp, núi rừng bị tàn phá, con sông Vàng hiền hòa giờ trả thù con người bằng sự cạn kiệt vào mùa khô và hung hãn mỗi khi lũ về.

Đi dọc con sông Vàng qua địa phận xã Tư (H.Đông Giang, Quảng Nam) đâu cũng nghe tiếng máy nổ gầm thét, tiếng động cơ chát chúa vang lên cả một góc trời. Nạn khai thác vàng trái phép đã dẫn đến nhiều hệ lụy: đất sản xuất bị thu hẹp, núi rừng bị tàn phá, con sông Vàng hiền hòa giờ trả thù con người bằng sự cạn kiệt vào mùa khô và hung hãn mỗi khi lũ về.

Theo ông Đinh Văn Bảo - Chủ tịch UBND xã Tư - thì hiện tại trên địa bàn không có đơn vị nào được cấp phép khai thác vàng, mà đội ngũ tìm vàng được chia thành hai nhóm: nhóm địa phương và nhóm “vàng tặc” từ nơi khác đến.

 
Dọc sông Vàng qua xã Tư (H.Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) có nhiều tổ khai thác vàng sa khoáng khoét sâu lòng đất - Ảnh: Lê Hoàng Sơn 

Việc tìm vàng sa khoáng tại xã Tư đang như một “phong trào”. Đất sản xuất không còn, người dân không đi đào vàng thì không biết làm gì. Thống kê của UBND xã Tư cho thấy hiện trên toàn xã có 78 tổ khai thác vàng trái phép (trong đó có 17 tổ của dân địa phương) với tổng số người tham gia lên đến gần 600. Trước đây, toàn xã có gần 50 ha diện tích sản xuất lúa nước nhưng hiện chỉ còn lại chưa đầy 20 ha. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là lượng người từ nơi khác đổ về ngày càng nhiều. Họ thường tổ chức thành nhóm từ 7-8 người lén lút vào sâu trong rừng để khoét núi tìm vàng.

Đến thôn Nà Hoa, vừa vào đầu bãi khai thác vàng, chúng tôi đã gặp một tàu cuốc đang hoạt động. Theo báo cáo của UBND xã Tư, tàu cuốc này thuộc sở hữu của Vũ Đình Huy (trú tại Nam Định) đã bị đình chỉ hoạt động từ cuối năm 2011.

Thôn Nà Hoa nằm cuối xã Tư với địa hình khá trắc trở nên khó có thể đưa một chiếc tàu cuốc nặng hàng chục tấn vào tận sát bìa rừng để khai thác. Và càng không dễ dàng đi ngang qua trụ sở UBND xã, ấy vậy mà chiếc tàu trên vẫn vận hành suốt ngày đêm.

Ông Nguyễn Văn Chuân - Trưởng công an xã Tư - cho hay lực lượng đã nhiều lần triển khai đẩy đuổi người nhập cư ra khỏi địa phương nhưng do địa hình rừng núi phức tạp, cộng với lực lượng quá mỏng nên “đâu lại vào đó”.

Lê Hoàng Sơn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.