Không thể làm ngơ

20/03/2012 03:02 GMT+7

Quảng cáo lậu từ lâu đã được đưa ra bàn luận nhiều, cơ quan chức năng cũng đưa ra nhiều biện pháp quản lý, xử phạt nhưng xem ra đến nay cũng chỉ là quản lý bề nổi, nắm người có tóc. Thực chất, quảng cáo lậu hiện đã biến tướng, trở thành vấn nạn nhức nhối cần có sự vào cuộc toàn diện của các cơ quan chức năng.

Quảng cáo lậu từ lâu đã được đưa ra bàn luận nhiều, cơ quan chức năng cũng đưa ra nhiều biện pháp quản lý, xử phạt nhưng xem ra đến nay cũng chỉ là quản lý bề nổi, nắm người có tóc. Thực chất, quảng cáo lậu hiện đã biến tướng, trở thành vấn nạn nhức nhối cần có sự vào cuộc toàn diện của các cơ quan chức năng.

Từ bảng quảng cáo rác, khoan cắt bê tông ở gốc cây, cột điện... nay quảng cáo lậu đã ngang nhiên chui vào các báo chính thống đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Vấn nạn này đã có nhiều năm nay nhưng không thấy bóng dáng cơ quan chức năng ra tay ngăn chặn. Vì vậy, quảng cáo lậu được dịp ngày càng tung hoành, tác oai, tác quái. Đã có quảng cáo sòng bạc, ăn mặc tươi mát; thậm chí có cả quảng cáo “vá màng trinh” xuất hiện trong các tờ rơi ngoài đường. Trách nhiệm này thuộc về ai, cần phải hỏi các cơ quan quản lý.

Cần phải nói rằng, báo chí cũng là một loại “sản phẩm hàng hóa đặc biệt” trong nền kinh tế thị trường với cung cầu, cạnh tranh, giá trị... Tuy nhiên, sản phẩm báo chí “đặc biệt” hơn ở chỗ đó là kết tinh giá trị vô hình về thời gian, công sức, trí tuệ; là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của người dân; chuyển tải thông tin, văn hóa, tư tưởng, tinh thần đến cộng đồng dân cư.

Dưới góc độ về quyền sở hữu trí tuệ, sản phẩm báo chí có các quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Quyền tác giả là quyền mà pháp luật ban cho người đã sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật. Quyền tác giả được hiểu như là một nhóm các quyền, gồm các quyền nhân thân và các quyền tài sản. Các quyền tài sản được gọi là “độc quyền” khai thác hoặc cho người khác khai thác sản phẩm của chủ sở hữu quyền tác giả.

Chính vì vậy, một tờ báo phát hành trên thị trường là một sản phẩm hoàn chỉnh của một cơ quan báo chí, không ai được quyền thay đổi, thêm thắt, kẹp thêm quảng cáo lậu, tờ rơi chui với nội dung không được kiểm soát, không ai chịu trách nhiệm.

Việc làm này là vi phạm pháp luật, sẽ làm xấu đi tình trạng khai thác bình thường của tác phẩm được quy định trong luật Sở hữu trí tuệ. Chưa hết, nếu những quảng cáo đó là gian dối thì những đơn vị đang phát tán quảng cáo lậu đã phạm tội hình sự “quảng cáo gian dối” (điều 168 bộ luật Hình sự).

Đặc biệt, những sạp báo tiếp tay lồng quảng cáo lậu, tờ rơi chui vào các báo; các doanh nghiệp tham gia quảng cáo lậu cũng là đồng phạm theo điều 20 bộ luật Hình sự (gồm: người đứng ra tổ chức, người thực hiện, người giúp sức tham gia...). Người chủ mưu bị truy tố về tội gì thì đồng phạm bị truy tố về tội đó.

Nhưng điều quan trọng hơn, người tiêu dùng sẽ đánh giá như thế nào khi doanh nghiệp đàng hoàng lại chấp nhận làm quảng cáo lậu, sống kiếp tầm gởi? Tất nhiên, đó sẽ là sự đánh giá chẳng mấy thiện cảm. Chấp nhận quảng cáo lậu là tự làm giảm giá trị, hình ảnh doanh nghiệp và không ai tin tưởng để chọn một sản phẩm được quảng cáo lậu.

Xã hội cần vận hành theo chuẩn mực nhất định mới có thể phát triển. Pháp luật ngày càng hoàn thiện để điều chỉnh tương ứng với sự phát triển đó. Nguyên tắc là mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý. Không điều chỉnh hành vi vi phạm pháp luật là dung dưỡng cho sự lộn xộn, mất ổn định xã hội và hệ lụy sẽ vô cùng to lớn. Vì vậy, hành vi quảng cáo lậu cần phải bị xử lý triệt để.

Luật sư Nguyễn Thành Công
 (Đoàn LS TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.