Giáo dục hay nhồi nhét kỹ năng sống - Kỳ 2: Ào ạt chương trình từ bên ngoài

21/03/2012 03:20 GMT+7

Chương trình kỹ năng sống (KNS) đưa vào trong trường học còn mang tính hình thức và chưa thiết thực. Trong khi đó, nhu cầu của học sinh (HS) và phụ huynh về vấn đề này là có thật.

Chương trình kỹ năng sống (KNS) đưa vào trong trường học còn mang tính hình thức và chưa thiết thực. Trong khi đó, nhu cầu của học sinh (HS) và phụ huynh về vấn đề này là có thật.

>> Giáo dục hay nhồi nhét kỹ năng sống (kỳ 1)

Không ai quản lý

Từ sự lệch pha giữa nhu cầu của phụ huynh với thực tế giảng dạy trong nhà trường về KNS đã tạo điều kiện biến trường học thành thị trường lớn cho các đơn vị kinh doanh lĩnh vực này khai thác.


 Các trung tâm dạy kỹ năng sống vào trường học bằng rất nhiều chương trình giảng dạy, thu hút sự quan tâm của phụ huynh - Ảnh: B.Thanh

Thời gian gần đây, nhiều trường tiểu học tại TP.HCM, đặc biệt những trường ở các quận trung tâm thường kết hợp một số công ty đứng ra tổ chức các lớp dạy KNS. Khi nhận được thư ngỏ của trường và các công ty gửi về nhà, phần lớn phụ huynh đều cảm thấy yên tâm vì có trường đứng đằng sau. Vì vậy, những chương trình KNS này thu hút sự tham gia nhiệt tình của phụ huynh. Có trung tâm năm đầu tiên mở ra chỉ chưa đầy 100 học sinh nhưng sau 2 năm số lượng đăng ký là 1.000, đến hè năm 2011 tăng lên thành 4.000.

 

21 kỹ năng sống cho học sinh phổ thông

Kỹ năng (KN) nhận thức, KN xác định giá trị, KN kiểm soát cảm xúc, KN ứng phó với căng thẳng, KN tìm kiếm sự hỗ trợ, KN thể hiện sự tự tin, KN giao tiếp, KN lắng nghe tích cực, KN thể hiện sự cảm thông, KN thương lượng, KN giải quyết mâu thuẫn, KN hợp tác, KN tư duy phê phán, KN tư duy sáng tạo, KN ra quyết định, KN giải quyết vấn đề, KN kiên định, KN đảm nhận trách nhiệm, KN đặt mục tiêu, KN quản lý thời gian, KN tìm kiếm và xử lý thông tin.

 (Nguồn: Bộ GD-ĐT)

T.Nguyễn (tổng hợp)

Ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1), thông tin: "Tôi tiếp nhận rất nhiều thư mời của một số doanh nghiệp về việc phối hợp tổ chức các chương trình giáo dục KNS". Ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, cũng cho hay từ phòng giáo dục cho đến các trường học đều nhận được nhiều giới thiệu về chương trình. Tuy nhiên, nội dung những chương trình này như thế nào, chất lượng giáo viên ra sao, không một ai kiểm chứng được. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1 cho rằng: "Một số đơn vị tổ chức giảng dạy lại là doanh nghiệp và chỉ cần có giấy phép kinh doanh là họ có thể hoạt động, nên về mặt giáo dục chưa được đánh giá cụ thể". Ông Tạ Tân cũng chia sẻ: "Nếu giảng viên các đơn vị này không có ai quản lý chuyên môn, trình độ không phù hợp thì học sinh sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp".

Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Anh Ba, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: "Lĩnh vực này mới phát triển nên ngay Sở cũng không biết ai quản lý, ai cấp phép để những đơn vị đó hoạt động. Ngoài một số chương trình của các tổ chức nhà nước thì còn có một số công ty thực hiện theo mô hình doanh nghiệp. Vừa qua, Sở cũng đã đặt ra vấn đề này để bàn bạc và sẽ đề xuất với TP trong việc quản lý, cấp phép vì trong thực tế đối tượng tham gia đều là học sinh".

Học KNS… quá hãi!

Chị T.P.C (P.Đa Kao, Q.1) có con tham gia một chương trình giáo dục KNS do Nhà văn hóa Thanh niên tổ chức năm 2011 kể lại: “Tôi rất bàng hoàng khi nghe con kể chuyện vui, buồn nơi doanh trại. Trong đó có chuyện bạn T. ở trung đội 2, vi phạm kỷ luật vì hút thuốc lá đã bị thầy K. trưởng ban quản trại phạt nhét thuốc lá vào tai, mũi, mỗi lỗ một điếu và hơn chục điếu thuốc vào miệng bắt hút một lần trước toàn trung đội. Sau đó, thầy giận dữ ném bật lửa xuống đất khiến nó nổ đùng, vỡ tan”. Trường hợp khác, một số học viên nam bị bắt quả tang đánh bài đã bị thầy xé đôi bộ bài, nhét vào miệng đứng trước trung đội. Khi một học viên hát bài nhạc chế Em ước mơ làm siêu nhân, thầy T. tát  học viên này một phát đỏ tím mặt trước sự chứng kiến của bao “binh sĩ”.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.